VNReport»Top»10 cổ phiếu giảm mạnh nhất năm 2022

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất năm 2022

15:38 - 09/01/2023

Trong danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất năm 2022, có 3 mã có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết và 2 mã liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân – 2 nhân vật bị bắt trong năm ngoái với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

2022 là một năm tồi tệ với thị trường chứng khoán, khi chỉ số VN-Index giảm đến hơn 32% và HNX-Index giảm 55%. Theo thống kê, trung bình cứ 10 mã niêm yết ở HoSE và HNX thì có 8 mã giảm giá. Sau đây là 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất năm 2022 ở 2 sàn này.

  1. ART (-92,0%)

Cổ phiếu ART của Công ty cổ phần Chứng khoán BOS là mã giảm mạnh nhất trong năm 2022, với mức giảm lên tới 92,0%. Sau khi đạt mức đỉnh 18.000 đồng vào phiên ngày 7/1, giá trị cổ phiếu thuộc họ FLC này rơi vào chu kỳ giảm, đặc biệt tăng tốc sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt.

Ở phiên ngày 11/11, ART chạm đáy ở mức giá 1.300 đồng, sau đó bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đình chỉ giao dịch vì vi phạm quy định về công bố thông tin.

  1. KLF (-88,9%)

KLF của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS là một mã cổ phiếu khác thuộc họ FLC. Trong năm ngoái, cổ phiếu này giảm 88,9%, rơi xuống mức cuối năm là 900 đồng. Mức giá đó cao hơn một chút so với mức đáy trong năm là 700 đồng vào ngày 11/11, giảm từ mức đỉnh 10.500 đồng ngày 10/1 và mức mở cửa năm 2022 là 8.100 đồng.

Cùng với GAB và AMD, đây là 3 cổ phiếu duy nhất thuộc họ FLC vẫn còn được phép giao dịch. Nhưng KLF bị sàn HNX hạn chế, chỉ cho phép giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần.

  1. DVG (-88,6%)

Giống như nhiều cổ phiếu khác trong danh sách này, DVG của Công ty cổ phần Tập đoàn Sơn Đại Việt đạt đỉnh vào đầu năm ngoái, ở mức 25.800 đồng ngày 4/1. Sau đó, cổ phiếu này liên tục lao dốc, rơi về mức 2.700 đồng vào cuối năm, giảm 88,6% so với mức giá đầu năm là 23.700 đồng.

Trong nửa đầu năm ngoái, khi giá cổ phiếu DVG giảm mạnh, các cổ đông lớn của công ty liên tục đăng ký bán ra với số lượng lớn, càng gây thêm áp lực giảm giá.

  1. VKC (-86,8%)

Mã VKC của Công ty cổ phần VKC Holdings là một trong các mã thuộc “họ Louis” – có liên quan đến vụ bê bối của cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân.

Trong năm ngoái, VKC mở cửa ở mức 12.900 đồng, sau đó tạo đỉnh 14.600 đồng vào ngày 10/3. VKC giảm mạnh khi ông Nhân bị bắt giữ và khởi tố với cáo buộc “thao túng thị trường chứng khoán”. Cổ phiếu này chạm đáy ở 1.400 đồng vào ngày 17/11 và kết thúc năm ở mức 1.700 đồng.

  1. IBC (-86,5%)

Cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings gần như đi ngang trong 10 tháng đầu năm. Nhưng chỉ trong 2 tháng cuối năm, IBC đã mất gần 3/4 giá trị với chuỗi giảm sàn 26 phiên liên tục. Cổ phiếu này kết thúc năm ở mức giá 2.760 đồng, giảm tổng cộng 86,5% trong năm.

Nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của cổ phiếu IBC là những khó khăn tài chính của Apax, khiến chủ tịch công ty là ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) phải công bố kế hoạch tái cấu trúc hệ thống.

  1. AMD (-86,5%)

Cổ phiếu thứ 3 thuộc họ FLC rơi vào danh sách này. AMD – mã cổ phiếu đại diện cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sàn FLC – giảm từ mức 8.200 đồng vào đầu năm xuống còn 1.110 đồng khi đóng cửa phiên cuối năm, tương đương tỷ lệ giảm 86,5%.

Trong năm ngoái, hầu hết các cổ phiếu thuộc họ FLC đều bị các sàn chứng khoán đưa vào diện cảnh báo, kểm soát, hạn chế giao dịch hoặc hủy niêm yết. AMD cũng không phải là ngoại lệ khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) hạn chế giao dịch kể từ tháng 10.

  1. HPX (-86,2%)

Cùng với một số mã như NVL và PDR, HPX của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát là một trong số những mã bất động sản ghi nhận chuỗi giảm sàn kéo dài hơn chục phiên trong tháng 11. Trước đó, HPX cũng ghi nhận xu hướng giảm, nhưng đợt bán tháo cuối năm khiến cổ phiếu này trở thành một trong những mã giảm mạnh nhất thị trường trong năm ngoái.

Mở đầu năm ở 33.300 đồng, HPX đóng cửa chỉ ở mức 4.600 đồng, tương đương mức giảm 86,2%. Trong tháng 12, đà giảm của HPX tiếp tục ngay cả khi chuỗi giảm sàn kéo dài tới 13 phiên đã kết thúc.

  1. LDP (-86,1%)

Sau VKC, LDP – đại diện cho Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) – là cổ phiếu thứ hai thuộc họ Louis nằm trong danh sách này.

Cũng giống như VKC, LDP có xu hướng tăng giá đầu năm ngoái, từ 37.500 đồng lên mức đỉnh là 54.800 đồng. Nhưng từ tháng 4, khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, LDP lao dốc không phanh, đóng cửa năm với mức giảm 86,1% xuống còn 5.200 đồng.

  1. THD (-85,9%)

Đầu năm ngoái, mã THD của Công ty cổ phần Thaiholdings là mã có giá trị vốn hóa lớn nhất ở sàn HNX, lên tới gần 97.000 tỷ đồng, tương đương mức giá mỗi cổ phiếu lên đến 277.000 đồng. Nhưng vào cuối năm, giá của THD đã giảm 85,9% xuống chỉ còn 39.000 đồng, khiến giá trị thị trường của doanh nghiệp bốc hơi 83.000 tỷ đồng.

Năm vừa qua chứng kiến sự ra đi của nhà sáng lập Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) với tư cách là một cổ đông của Thaiholdings. Ngày 13/6, ông Thụy cho biết đã hoàn tất bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD mà mình sở hữu, tương đương khoảng 25% vốn công ty.

  1. VC2 (-85,1%)

Mở đầu năm 2022 ở mức 55.062 đồng, cổ phiếu VC2 của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 giao dịch giằng co trong 3 tháng đầu năm, đạt mức đỉnh 56.777 đồng vào ngày 25/3. Sau đó, nó rơi vào xu hướng giảm mạnh, xuống đáy 7.300 đồng vào ngày 24/11 và kết thúc năm ở 8.200 đồng, tương ứng mức giảm cả năm là 85,1%.

Gần đây, công ty này bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt tổng cộng 245 triệu đồng vì các vi phạm về công bố thông tin và giao dịch với cá nhân nội bộ.