VNReport»Top»10 công ty dầu khí lớn nhất thế giới

10 công ty dầu khí lớn nhất thế giới

16:12 - 15/11/2021

Hai doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đầu danh sách nhờ nhu cầu dầu nội địa không giảm nhiều trong năm 2020.

Trong năm 2020, ngành dầu khí toàn cầu chứng kiến sự suy giảm mạnh do các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nhu cầu nhiên liệu thế giới. Ở Trung Quốc, nơi kiềm chế đại dịch tương đối thành công, PetroChina và Sinopec cũng chứng kiến doanh thu năm ngoái giảm 25-35% so với năm 2019. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức giảm thấp hơn hầu hết các đối thủ.

Sau đây là 10 công ty dầu khí lớn nhất thế giới, xếp theo doanh thu 2020. Cần lưu ý, danh sách này không bao gồm những doanh nghiệp dầu khí thuộc sở hữu nhà nước không công bố báo cáo tài chính như của Iran, Iraq hay Venezuela.

  1. PetroChina (280,7 tỷ USD)

Công ty dầu khí PetroChina tham gia vào hoạt động thăm dò, phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ. Những sản phẩm chính của công ty bao gồm dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và các dẫn xuất.

PetroChina là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước và là một trong những nhà sản xuất dầu khí lớn nhất hiện nay. Năm ngoái, PetroChina ghi nhận doanh thu 280,7 tỷ USD. Cổ phiếu của công ty được niêm yết ở Hong Kong, Thượng Hải và New York.

  1. Sinopec (271,1 tỷ USD)

Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc, hay Sinopec, là nhà sản xuất và phân phối nhiều loại sản phẩm hóa dầu và dầu mỏ. Các sản phẩm của công ty bao gồm xăng, dầu diesel, dầu hỏa, cao su tổng hợp, nhựa, nhiên liệu máy bay và phân bón hóa học, cùng các dịch vụ liên quan khác.

Công ty có trụ sở ở Bắc Kinh là doanh nghiệp lọc hóa dầu lớn nhất thế giới, với doanh thu 271,1 tỷ USD trong năm 2020. Cổ phiếu của Sinopec được niêm yết ở Hong Kong, Thượng Hải và New York.

  1. Saudi Aramco (229,7 tỷ USD)

Saudi Aramco là công ty dầu khí quốc gia của Ả Rập Xê Út. Với trữ lượng dầu thô đã chứng minh của đất nước lên tới 270 tỷ thùng, Saudi Aramco là một trong những công ty dầu khí lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất tính theo sản lượng.

Vào tháng 12/2019, cổ phiếu công ty bắt đầu được giao dịch ở sàn chứng khoán Ả Rập Xê Út. Vào ngày giao dịch thứ 2, công ty đạt giá trị vốn hóa 2 nghìn tỷ USD, trở thành doanh nghiệp đầu tiên đạt được mốc này. Năm ngoái, Saudi Aramco ghi nhận doanh thu 229,7 tỷ USD, giảm mạnh do nhu cầu dầu thế giới bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

  1. BP (180,0 tỷ USD)

Công ty dầu khí BP của Anh tham gia vào hoạt động thăm dò, sản xuất, hóa dầu, phân phối dầu khí, phát điện và mua bán dầu. Công ty cũng tham gia vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm nhiên liệu sinh học, điện gió, điện mặt trời.

Công ty được thành lập năm 1909 sau khi người Anh phát hiện một mỏ dầu lớn ở Iran. Hiện, BP hoạt động ở gần 80 nước trên toàn cầu, sản xuất khoảng 3,7 triệu thùng dầu/ngày và có tổng trữ lượng đã chứng minh gần 20 tỷ thùng. Cổ phiếu của BP được niêm yết ở London, Frankfurt và New York. Công ty ghi nhận doanh thu 180,0 tỷ USD trong năm 2020.

  1. ExxonMobil (178,2 tỷ USD)

ExxonMobil là nhà thăm dò, sản xuất, giao dịch, vận tải và kinh doanh dầu và khí tự nhiên có trụ sở tại bang Texas, Mỹ. Công ty cũng tham gia vào sản xuất điện.

ExxonMobil là hậu duệ lớn nhất của Standard Oil, công ty lọc dầu lớn nhất thế giới vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Với doanh thu 178,2 tỷ USD năm ngoái, ExxonMobil là công ty dầu khí lớn nhất nước Mỹ. Tính theo giá trị vốn hóa thị trường, công ty đứng thứ 2 toàn cầu trong ngành dầu khí, chỉ sau Saudi Aramco.

  1. Royal Dutch Shell (170,2 tỷ USD)

Royal Dutch Shell, thường được gọi là Shell, là công ty dầu khí Anh-Hà Lan, với trụ sở tại Den Haag, Hà Lan và đăng ký doanh nghiệp tại London, Anh.

Shell thăm dò, sản xuất và lọc dầu thông qua các công ty con. Cùng với việc vận hành các trạm xăng trên khắp thế giới, Shell sản xuất và bán nhiên liệu, dầu bôi trơn và các hóa chất khác. Ngoài ra, công ty cũng có mảng nhiên liệu tái tạo, gồm nhiên liệu sinh học, hydro và gió.

Shell hoạt động ở hơn 70 quốc gia với 44.000 trạm xăng và sản xuất khoảng 3,7 triệu thùng dầu/ngày. Năm ngoái, công ty có doanh thu 170,2 tỷ USD

  1. Total (119,7 tỷ USD)

Total có trụ sở tại Pháp và thực hiện các công việc thăm dò, sản xuất và lọc dầu thô, khí tự nhiên, cũng như sản xuất hóa chất và phát điện. Công ty sở hữu và vận hành các trạm xăng ở châu Âu, Mỹ và châu Phi.

Total có trụ sở chính ở vùng ngoại ô Paris. Cổ phiếu của công ty được niêm yết ở sàn Euronext Paris và là một thành phần của các chỉ số cổ phiếu lớn ở Pháp và châu Âu. Năm ngoái, Total ghi nhận doanh thu 119,7 tỷ USD.

  1. Chevron (94,4 tỷ USD)

Chevron là công ty dầu khí lớn thứ 2 ở Mỹ. Có trụ sở tại bang California, Chevron tham gia vào tất cả các mảng của ngành dầu khí, bao gồm thăm dò, sản xuất, lọc, tiếp thị và vận tải dầu khí, cũng như sản xuất, kinh doanh hóa chất và phát điện.

Chevron hoạt động chủ yếu ở bờ tây Bắc Mỹ, duyên hải vịnh Mexico, Đông Nam Á, Hàn Quốc và Úc. Năm 2018, công ty sản xuất trung bình 791.000 thùng dầu/ngày ở Mỹ. Năm 2020, doanh thu của Chevron đạt 94,4 tỷ USD.

  1. Gazprom (90,5 tỷ USD)

Gazprom là công ty năng lượng có trụ sở tại Saint Petersburg, Nga. Với doanh thu 90,5 tỷ USD năm 2020, đây là doanh nghiệp khí tự nhiên được niêm yết công khai lớn nhất thế giới và là doanh nghiệp lớn nhất của Nga.

Gazprom là doanh nghiệp tích hợp theo chiều dọc trong toàn ngành khí tự nhiên, từ thăm dò, sản xuất, lọc, vận tải đến phân phối khí tự nhiên và sản xuất điện khí. Trong năm 2018, Gazprom sản xuất 12% tổng sản lượng khí tự nhiên thế giới. Ngoài ra, công ty cũng sản xuất dầu thông qua công ty con Gazprom Neft.

  1. Marathon Petroleum (75,0 tỷ USD)

Marathon Petroleum là công ty lọc dầu, tiếp thị và vận tải dầu có trụ sở tại bang Ohio, Mỹ. Kể từ năm 2018, sau khi mua lại một công ty lọc dầu khác, Marathon Petroleum trở thành nhà lọc dầu lớn nhất nước Mỹ, với 16 nhà máy và công suất lọc tối đa 3 triệu thùng/ngày.

Công ty đang sở hữu gần 7.000 điểm bán lẻ xăng dầu chủ yếu ở Mỹ. Doanh thu năm ngoái của Marathon là 75,0 tỷ USD.