VNReport»Top»10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới

10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới

16:50 - 28/10/2021

Có đến 3 doanh nghiệp của Mỹ nằm trong top 4 công ty viễn thông lớn nhất thế giới.

Ngành viễn thông đang thay đổi nhanh chóng. Các công nghệ truyền thống như điện thoại cố định hay truyền hình cáp từng thống trị lĩnh vực này. Nhưng điện thoại di động và truyền hình Internet, cùng với những công nghệ mới khác, đang nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trong ngành.

Sau đây là 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, xếp theo dữ liệu doanh thu năm 2020 được tổng hợp bởi Statista.

  1. AT&T

AT&T là tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới, với doanh thu 161.5 tỷ USD trong năm 2020, đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ Fortune 500. Mạng điện thoại của AT&T có nhiều thuê bao nhất nước Mỹ.

Công ty được thành lập năm 1878 trong ngành điện tín, và vươn lên vị trí độc quyền ngành điện thoại ở Mỹ trong thế kỷ 20. Năm 1982, AT&T bị chính phủ buộc chia tách trong một vụ kiện chống độc quyền.

Ngoài cung cấp dịch vụ điện thoại, công ty còn có các sản phẩm truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, Internet, sản xuất phim và chương trình truyền hình, …

  1. Verizon

Verizon là một trong những doanh nghiệp được thành lập theo kết quả vụ chia tách AT&T. Mạng di động của Verizon lớn thứ 2 nước Mỹ, với 120,9 triệu khách hàng tính đến cuối năm 2020. Đồng thời, công ty cũng có doanh thu lớn thứ 2 trong ngành viễn thông toàn cầu, đạt 117,5 tỷ USD năm ngoái.

Công ty cung cấp các dịch vụ điện thoại di động và cố định, Internet, truyền hình cáp, truyền hình số và nội dung Internet, với việc mua lại AOL và Yahoo.

  1. China Mobile

China Mobile là công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, cung cấp các dịch vụ điện thoại di động, điện thoại cố định, Internet, truyền hình số ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong.

Tính theo số khách hàng, China Mobile là nhà mạng lớn nhất thế giới, với 945,5 triệu thuê bao tính đến tháng 6/2021. Về doanh thu, công ty thành lập năm 1997 đứng thứ 3 với 98,4 tỷ USD trong năm 2020. Cổ phiếu của công ty được giao dịch ở Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong, sau khi bị hủy niêm yết ở Sàn Giao dịch Chứng khoán New York do lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với doanh nghiệp có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

  1. Comcast

Comcast là nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định lớn thứ 3 ở Mỹ. Nhưng các mảng kinh doanh lớn nhất của công ty là truyền hình cáp và dịch vụ Internet, nơi công ty đứng đầu thị trường Mỹ. Ngoài ra, Comcast cũng sản xuất phim và chương trình truyền hình thông qua công ty con NBCUniversal.

Công ty thành lập năm 1963 hiện có khoảng 200.000 nhân viên và đạt doanh thu 97,1 tỷ USD trong năm 2020. Chủ tịch và CEO Brian Roberts là con của nhà sáng lập công ty và đang sở hữu 33% quyền biểu quyết ở công ty, dù chỉ nắm 1% cổ phần.

  1. NTT

Công ty viễn thông lớn nhất Nhật Bản NTT đứng thứ 5 toàn cầu tính theo doanh thu với 94,2 tỷ USD trong năm ngoái. Mức định giá 104,2 tỷ USD của NTT cũng xếp thứ 5 trong số các doanh nghiệp đại chúng Nhật Bản.

Thành lập với tư cách là công ty độc quyền nhà nước trong ngành điện tín và điện thoại vào năm 1952, NTT được tư nhân hóa năm 1985 để thúc đẩy cạnh tranh ở thị trường viễn thông Nhật Bản. Đợt bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 1987 thu về 36,8 tỷ USD (sau điều chỉnh lạm phát), mức cao nhất trong lịch sử.

  1. Deutsche Telekom

Deutsche Telekom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất châu Âu, có trụ sở tại Đức. Công ty được thành lập năm 1995 với việc tư nhân hóa một doanh nghiệp bưu chính viễn thông độc quyền nhà nước. Tính đến tháng 4/2020, chính phủ Đức vẫn nắm giữ trực tiếp 14,5% cổ phần của công ty và 17,4% cổ phần khác thông qua một ngân hàng.

Doanh nghiệp này đạt doanh thu 80,5 tỷ USD trong năm 2020 và sử dụng hơn 226.000 nhân viên. Ngoài thị trường Đức, Deutsche Telekom còn có các công ty con ở Mỹ và các nước châu Âu như Ba Lan, Cộng hòa Séc, Áo, …

  1. Softbank

Mặc dù hiện nổi tiếng với quỹ đầu tư công nghệ Vision Fund, công ty có doanh thu 52,4 tỷ USD từng được biết đến nhiều hơn qua thương hiệu SoftBank Mobile – nhà mạng di động lớn thứ 3 ở Nhật Bản với 45,6 triệu thuê bao tính đến tháng 3/2021.

Softbank được thành lập năm 1981 bởi Masayoshi Son, khi đó 24 tuổi, với tư cách là nhà phân phối phần mềm. Vào năm 2006, Softbank mua lại Vodafone Nhật Bản và đổi tên nhà mạng này thành SoftBank Mobile. Từ năm 2008 đến 2011, Softbank Mobile là nhà mạng độc quyền của iPhone ở Nhật Bản, giúp thị phần của công ty tăng nhanh chóng.

  1. China Telecom

China Telecom là công ty viễn thông nhà nước thuộc sở hữu của Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc. Đây là nhà mạng lớn thứ 2 ở Trung Quốc với 351 triệu thuê bao. Doanh thu năm ngoái của công ty là 49,6 tỷ USD.

Cổ phiếu của China Telecom được niêm yết ở Sàn Chứng khoán Hong Kong từ tháng 11/2002. Cổ phiếu cũng từng được giao dịch ở Sàn Chứng khoán New York cho đến khi bị hủy niêm yết theo lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump vào tháng 1/2021 – cấm giao dịch các doanh nghiệp liên quan đến quân đội Trung Quốc.

  1. Telefónica

Telefónica là nhà mạng có trụ sở tại Tây Ban Nha và đang cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và di động, Internet và truyền hình trả tiền ở châu Âu và châu Mỹ. Công ty có hơn 120.000 nhân viên và doanh thu 48,4 tỷ USD năm ngoái.

Telefónica được thành lập năm 1924 và là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông độc quyền ở Tây Ban Nha cho đến năm 1997. Công ty có mặt ở hơn 20 quốc gia bao gồm: Tây Ban Nha, Đức, Anh, Pháp ở châu Âu; và nhiều nước ở Trung và Nam Mỹ.

  1. América Móvil

América Móvil là công ty viễn thông lớn nhất Mexico với doanh thu 47,6 tỷ USD và số thuê bao 368,2 triệu tính đến năm ngoái, lượng khách hàng nhiều thứ 7 trên thế giới. Công ty là một phần trong khối tài sản 77 tỷ USD của tỷ phú Carlos Slim, người giàu nhất Mỹ Latinh và từng là người giàu nhất thế giới từ 2010 đến 2013.

Ngoài việc chiếm hơn 70% thị phần ở Mexico với công ty con Telcel, América Móvil còn có hoạt động ở các nước châu Mỹ Latinh khác, cũng như một số nước châu Âu và Mỹ.