VNReport»Top»10 dịch vụ gọi xe hàng đầu thế giới

10 dịch vụ gọi xe hàng đầu thế giới

14:48 - 08/07/2021

Có 2 nền tảng gọi xe trong danh sách này đang hoạt động ở Việt Nam là Gojek và Grab

Dịch vụ gọi xe kết nối hành khách với tài xế thông qua các nền tảng số, mà chủ yếu là ứng dụng trên điện thoại di động. Dịch vụ này đang ngày càng trở nên phổ biến nhờ tính tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả cho người tiêu dùng và tài xế, đặc biệt khi điện thoại thông minh đã trở nên phổ cập. Thị trường gọi xe toàn cầu dự báo sẽ đạt quy mô 56,86 tỷ USD trong năm 2021, tăng đến 34,6% so với năm trước.

Danh sách sau đây liệt kê 10 dịch vụ gọi xe hàng đầu thế giới.

1. Uber

Công ty Công nghệ Uber cung cấp các dịch vụ bao gồm gọi xe, giao đồ ăn (Uber Eats), giao hàng, thuê xe đạp điện và xe trượt scooter có động cơ.

Uber có trụ sở tại San Francisco, Mỹ và đang hoạt động ở hơn 900 thành phố trên khắp thế giới. Theo ước tính, nền tảng này hiện có 93 triệu người dùng tích cực trên khắp thế giới. Ở thị trường Mỹ, Uber chiếm 71% thị phần gọi xe và 22% thị phần giao đồ ăn.

Thành lập tháng 3/2009, Uber đã trở thành một biểu tượng của nền kinh tế chia sẻ đến mức mà các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành khác theo mô hình chia sẻ được gọi là “Uber của ngành đó”.

Uber cũng đã nghiên cứu về xe tự lái, trước khi bán mảng này cho một công ty startup với giá 4 tỷ USD.

2. Didi

Công ty Công nghệ Didi Chuxing, thường gọi là Didi, là hãng gọi xe của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh. Ngoài gọi xe ô tô, công ty còn cung cấp các dịch vụ về chia sẻ xe đạp, giao hàng, và các dịch vụ liên quan đến bảo dưỡng và mua xe ô tô.

Theo thông tin do công ty này công bố, Didi đang có hơn 550 triệu người dùng và hàng chục triệu tài xế. Ngoài thị trường chính trong nước, nơi Didi nắm 90% thị phần sau khi mua lại Uber Trung Quốc, công ty này cũng hoạt động tại 14 thị trường khác.

Cuối tháng 6 năm nay, Didi đã chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Nhưng chỉ vài ngày sau đó, hãng này bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt, buộc gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng trong nước, làm cổ phiếu của hãng ở Mỹ giảm 20%.

3. Lyft

Lyft là ứng dụng gọi xe ô tô, xe trượt scooter có động cơ, chia sẻ xe đạp và giao đồ ăn. Cũng như đối thủ chính Uber, công ty có trụ sở tại thành phố San Francisco, Mỹ.

Ở thị trường Mỹ, Lyft, được thành lập năm 2012, đang đứng thứ hai về thị phần gọi xe với 30% sau Uber. Tuy nhiên, công ty này không có sự hiện diện tại các thị trường quốc tế như đối thủ. Ngoài 644 thành phố ở Mỹ, Lyft chỉ có mặt tại 12 thành phố ở Canada.

Vào tháng 3/2019, Lyft trở thành công ty gọi xe của Mỹ đầu tiên niêm yết cổ phiếu, trước cả Uber, với dịnh giá 24,3 tỷ USD. Ngoài các dịch vụ qua điện thoại di động, công ty còn tổ chức nghiên cứu xe tự lái, nhưng đã bán mảng này cho Toyota vào tháng 4 năm nay.

4. Ola

Ở thị trường Ấn Độ, Ola cung cấp dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn. Công ty được thành lập năm 2010 và có trụ sở tại thành phố Bangalore.

Giá trị của Ola được ước tính là 6,5 tỷ USD. Nhiều công ty đầu tư mạo hiểm có cổ phần lớn tại Ola, bao gồm cả Softbank, công ty cũng đang nắm cổ phần của các dịch vụ gọi xe lớn khác như Uber, Didi, Grab, Gojek, …

Với nền tảng là thị phần số một ở thị trường 1,4 tỷ dân của Ấn Độ, Ola bắt đầu mở rộng ra các thị trường nước ngoài như Úc, New Zealand và Anh trong các năm 2018-2019. Tính đến năm 2019, công ty cho biết đã có mạng lưới hơn 1,5 triệu tài xế ở 250 thành phố.

5. Gojek

Gojek là nền tảng đa dịch vụ của Indonesia. Được thành lập vào năm 2010 với các dịch vụ đầu tiên là giao hàng và gọi xe 2 bánh thực hiện qua tổng đài, Gojek đã phát hành ứng dụng của mình lần đầu tiên vào năm 2015, bổ sung thêm các dịch vụ mua hàng và giao đồ ăn.

Hiện nay, Gojek đang cung cấp tới hơn 20 dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ thanh toán điện tử, và được gọi là một “siêu ứng dụng”. Công ty kỳ lân đầu tiên của Indonesia có định giá trên 10 tỷ USD.

Gojek hoạt động tại các thị trường Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Ấn Độ và Malaysia với khoảng 170 triệu người dùng ở Đông Nam Á, tính đến tháng 6/2020.

Vào tháng 5 năm nay, Gojek sáp nhập với sàn thương mại điện tử đồng hương Tokopedia để thành lập công ty mới có tên GoTo.

6. Grab

Grab là đối thủ chính của Gojek ở khu vực Đông Nam Á. Công ty có trụ sở tại Singapore cũng hoạt động theo mô hình “siêu ứng dụng”, cung cấp các dịch vụ bao gồm gọi xe 2 bánh và 4 bánh, giao đồ ăn, thanh toán điện tử, …

Thành lập năm 2012 ở Kula Lumpur, Malaysia với cái tên MyTeksi, công ty sau đó đổi tên thành GrabTaxi và chuyển trụ sở sang Singapore vào năm 2014. Định giá của công ty vào tháng 5/2021 là 40 tỷ USD.

Grab đang có mặt tại 351 thành phố và 8 quốc gia. Đây là ứng dụng gọi xe công nghệ đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, ra mắt tại TP.HCM vào tháng 2/2014.

Vào tháng 12/2020, xuất hiện tin Grab đang đàm phán sáp nhập với Gojek, nhưng Gojek sau đó đã chọn sáp nhập với Tokopedia. Đầu năm 2021, hãng thông báo sẽ niêm yết cổ phiếu ở Mỹ trong năm nay.

7. Careem

Careem là dịch vụ gọi xe có trụ sở tại Dubai, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Careem phục vụ các thị trường ở Trung Đông, châu Phi và Nam Á, với sự hiện diện tại hơn 100 thành phố.

Careem được thành lập vào tháng 7/2012 với tư cách là một dịch vụ đặt xe qua nền tảng web, nhưng sau đó phát triển dịch vụ gọi xe. Công ty cũng đã mở rộng sang các dịch vụ giao đồ ăn và thực phẩm trong năm 2018, chia sẻ xe đạp vào năm 2019, mua hàng hộ và thanh toán điện tử trong năm 2020.

Careem đã được Uber mua lại với giá 3,1 tỷ USD vào ngày 26/3/2019.

8. Bolt

Bolt là công ty của Estonia chuyên cung cấp các dịch vụ gọi xe, chia sẻ phương tiện nhẹ và giao đồ ăn. Có trụ sở tại Tallinn, nền tảng này đang hoạt động ở hơn 200 thành phố tại 40 quốc gia ở châu Âu, châu Phi, Tây Á và châu Mỹ Latinh.

Thành lập bởi một học sinh trung học vào tháng 8/2013 với tên gọi ban đầu Taxify, Bolt nhanh chóng đạt được thành công ở Estonia và bắt đầu mở rộng ra thị trường nước ngoài từ năm 2014. Dịch vụ này hiện có 50 triệu khách hàng trên thế giới và 1,5 triệu tài xế.

Bolt đã nhận các khoản đầu tư từ Didi, Daimler, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Tập đoàn Ngân hàng Thế giới. Định giá của startup này hiện là hơn 2 tỷ euro.

Một tính năng độc đáo của ứng dụng này là cho phép khách hàng thanh toán bằng hóa đơn điện thoại.

9. Cabify

Cabify là công ty cung cấp dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng trên smartphone của Tây Ban Nha. Cabify có mặt tại các thị trường Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và châu Mỹ Latinh, với quy mô 38 thành phố.

Cabify được thành lập vào tháng 5/2011 bởi Juan de Antonio, ban đầu tập trung vào thị trường taxi hạng sang, sau đó mở rộng ra mảng taxi thuộc phân khúc rẻ hơn.

Một năm sau khi thành lập, nền tảng này bắt đầu tiến ra châu Mỹ Latinh, với các chi nhánh ở Mexico, Chile và Peru. Ở Nam Mỹ, Cabify đang đứng đầu về thị phần, sau khi mua lại ứng dụng gọi xe Easy Taxi của Brazil.

Một trong những cổ đông lớn của Cabify là sàn thương mại điện tử Rakuten của Nhật Bản.

10. Yandex.Taxi

Yandex.Taxi là công ty vận tải thuộc tập đoàn Yandex, một công ty công nghệ đa quốc gia của Nga kinh doanh trong các lĩnh vực tìm kiếm web, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, …

Yandex.Taxi cung cấp dịch vụ gọi xe ở hơn 1.000 thành phố ở Nga, các nước Đông Âu, Trung Á, châu Phi và Israel. Số lượng tài xế đang cộng tác với nền tảng này là hơn 700.000. Ngoài ra, dịch vụ giao đồ ăn Yandex.Eats của công ty cũng được cung cấp tại Nga và Kazakhstan.

Yandex.Taxi được thành lập tại Moscow, Nga vào năm 2011. Vào tháng 6/2017, công ty này sáp nhập với Uber ở thị trường Nga và một số thị trường Đông Âu. Khi đó, giá trị công ty mới được ước tính là 3,8 tỷ USD.

Khác với phần lớn các công ty trong ngành đang phải gánh lỗ, Yandex.Taxi đã có lợi nhuận từ năm 2018.