VNReport»Top»10 doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận cao nhất trong quý một

10 doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận cao nhất trong quý một

16:33 - 06/05/2022

Các ngân hàng vẫn là những doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán ghi nhận lợi nhuận cao nhất.

Lợi nhuận doanh nghiệp quý 1/2022 ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng: 50 doanh nghiệp hàng đầu ghi nhận lợi nhuận cao hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục chiếm phần lớn những vị trí dẫn đầu, với sự nổi lên của VPBank, thay thế cho Vietcombank ở vị trí quán quân trong 3 tháng đầu năm.

  1. VPBank (11.146 tỷ đồng)

VPBank là quán quân lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm nay. Lãi trước thuế của ngân hàng này lên đến 11.146 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức lợi nhuận cao nhất từng được ghi nhận trong một quý của VPBank. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng riêng lẻ tăng 56%, còn mảng cho vay tiêu dùng của FE Credit phục hồi ấn tượng.

Năm 2022, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 29.662 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm trước. Như vậy, ngân hàng này đã đạt 38% chỉ tiêu lợi nhuận trong quý 1.

  1. Vietcombank (9.950 tỷ đồng)

Vietcombank ghi nhận lãi trước thuế 9.950 tỷ đồng trong quý 1, tăng 15,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 32% trong mục tiêu 30.676 tỷ đồng của cả năm 2022.

Thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 18% và lãi thuần từ hoạt động ngoại hối tăng 46%. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lại giảm 21% và lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 80%.

Đáng chú ý, tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 37%. Trong đó, nợ dưới chuẩn tăng 95%, nợ nghi ngờ tăng 75% và nợ có khả năng mất vốn tăng 18,3%.

  1. Hòa Phát (8.922 tỷ đồng)

Ngoài các ngân hàng, Hòa Phát là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên thị trường chứng khoán. Quý 1 vừa qua, doanh nghiệp thép này ghi nhận lãi trước thuế lên đến 8.922 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Doanh thu của tập đoàn tăng 41% so với một năm trước, đạt 44.400 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2022. Trong đó, các sản phẩm thép đóng góp 90% vào kết quả chung của tập đoàn. Các nhà máy của Hòa Phát đã sản xuất 2,16 triệu tấn thép thô trong quý 1, tăng 8% so với cùng kỳ.

  1. Techcombank (6.785 tỷ đồng)

Techcombank ghi nhận lãi trước thuế 6.785 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Với kế hoạch lợi nhuận 27.000 tỷ đồng năm nay, ngân hàng đã đạt được hơn 25% chỉ tiêu trong 3 tháng đầu năm.

Techcombank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động tăng 13,2%. Ngân hàng đồng thời củng cố vị trí dẫn đầu toàn hệ thống về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), đạt mức 50,4%. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho Techcombank về chi phí vốn.

Ngân hàng cũng dẫn đầu toàn ngành về tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), đạt mức 3,6%.

  1. MB (5.909 tỷ đồng)

MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.909 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều mảng kinh doanh của MB cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Trong đó, thu nhập lãi thuần quý I tăng tới 41% so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 4,8%. Các hoạt động khác bao gồm kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán tăng trưởng mạnh về thu nhập, lần lượt 98% và 63%.

Sau 3 tháng, ngân hàng đã đạt được 29% kế hoạch lợi nhuận 20.300 tỷ đồng của cả năm.

  1. VinHomes (5.886 tỷ đồng)

VinHomes là 1 trong 2 doanh nghiệp trong danh sách này ghi nhận lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, nhà phát triển bất động sản thuộc tập đoàn Vingroup báo cáo lãi trước thuế giảm 17% so với quý 1/2021, xuống còn 5.886 tỷ đồng.

VinHomes tiếp tục là doanh nghiệp lớn đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận. Trong 3 tháng đầu năm, biên lãi trước thuế của VinHomes lên đến gần 66%, nghĩa là cứ 3 đồng doanh thu thì công ty thu về khoảng 2 đồng lợi nhuận trước thuế.

Tuy nhiên, quý vừa qua ghi nhận mức doanh thu thấp nhất của VinHomes trong 2 năm, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh doanh khác của doanh nghiệp.

  1. Vietinbank (5.822 tỷ đồng)

Vietinbank là ngân hàng lớn duy nhất ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong quý 1/2022. Theo đó, ngân hàng chỉ ghi nhận khoản lãi trước thuế 5.822 tỷ đồng, thấp hơn 28% so với mức kỷ lục của 3 tháng đầu năm 2021.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Vietinbank giảm là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng gần 3,3 lần. Điều này khiến thu nhập lãi thuần của Vietinbank giảm 5%.

Với kế hoạch lợi nhuận trong năm nay là 19.400 tỷ đồng, ngân hàng này đã hoàn thành 28% mục tiêu đặt ra.

  1. BIDV (4.514 tỷ đồng)

BIDV công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 4.531 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 18,4%. Mảng kinh doanh ngoại hối tăng trưởng mạnh với tốc độ hơn 54%. Trong khi đó, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ lại giảm hơn 11% và mảng mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ gần 2 tỷ đồng.

BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay tăng mạnh 52% so với năm ngoái, lên 20.600 tỷ đồng. Trong quý đầu năm, ngân hàng đã đạt được 22% kế hoạch.

  1. PV Gas (4.381 tỷ đồng)

PV Gas ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1/2022 tăng trưởng cao nhờ giá khí đốt tăng mạnh. Theo đó, công ty báo cáo doanh thu thuần tăng hơn gấp rưỡi, chủ yếu nhờ doanh thu từ bán khí và vận chuyển khí. Về lợi nhuận, PV Gas thu về 4.514 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 66% so với một năm trước.

Trên các thị trường thế giới, giá khí đốt – vốn đã ở mức cao từ đầu năm – tăng lên mức kỷ lục sau khi Nga mở cuộc chiến tranh ở Ukraine và sau đó hứng chịu những biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây. Điều này giúp PV Gas đạt được 1/3 kế hoạch doanh thu và 1/2 chỉ tiêu lợi nhuận cả năm chỉ trong 3 tháng.

  1. ACB (4.114 tỷ đồng)

ACB báo cáo lợi nhuận trước thuế 4.114 tỷ đồng trong quý 1/2022, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021 và tương đương 27% kế hoạch cho cả năm.

Trong 3 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần, từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng. Nhưng mảng chứng khoán kinh doanh lại lỗ hơn 11 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tính đến hết tháng 3/2022, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 11,4% so với thời điểm cuối năm 2021, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 0,77% lên 0,82%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 40% so với cuối năm ngoái.