VNReport»Top»10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam

10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam

14:05 - 18/10/2021

Kết quả dựa trên bảng xếp hạng PROFIT500, lập theo nghiên cứu và đánh giá của Công ty Vietnam Report.

  1. Samsung Thái Nguyên

Samsung nhận giấy phép đầu tư nhà máy ở Thái Nguyên từ tháng 3/2013, đi vào hoạt động từ tháng 3/2014, đặt tại Khu công nghiệp Yên Bình với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD. Cùng với nhà máy tại Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên là một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất toàn cầu của gã khổng lồ điện tử đến từ Hàn Quốc.

Samsung Thái Nguyên là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam xếp về cả doanh thu lẫn lợi nhuận, khi đứng đầu 2 bảng xếp hạng VNR500 và PROFIT500 của Vietnam Report. Nhà máy của Samsung cũng đã tạo việc làm cho hơn 70 nghìn lao động ở Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.

  1. Viettel

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thuộc Bộ Quốc phòng. Viettel là chủ sở hữu của Viettel Mobile, mạng viễn thông di động lớn nhất Việt Nam và nằm trong top 15 công ty viễn thông toàn cầu về số lượng thuê bao. Ngoài ra, công ty cũng đang có hoạt động tại 13 quốc gia khác và tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, an ninh mạng, cung cấp dịch vụ số…

Năm ngoái, quy mô lợi nhuận của Viettel đạt 39,8 nghìn tỷ đồng. Theo Brand Finance, thương hiệu Viettel có giá trị nhất trong ngành viễn thông ở Đông Nam Á, với mức định giá 5,8 tỷ USD.

  1. Vietcombank

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, thường được gọi là Vietcombank, là ngân hàng lớn nhất Việt Nam tính theo vốn hóa trên sàn chứng khoán và lợi nhuận. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này là 18,6 nghìn tỷ đồng.

Vietcombank được thành lập ngày 1/4/1963, tiền thân là Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Tính đến nay, Vietcombank có gần 600 chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện trong và ngoài nước với hơn 20.000 nhân viên. Ngày 30/6/2009, cổ phiếu VCB chính thức được niêm yết tại HoSE, đưa Vietcombank trở thành ngân hàng quốc doanh đầu tiên cổ phần hóa.

  1. Petrovietnam

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là tập đoàn dầu khí quốc gia, quản lý triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Các hoạt động này bao gồm: thăm dò và khai thác dầu khí; chứa, vận chuyển, chế biến, phân phối sản phẩm dầu khí; và các hoạt động dịch vụ, thương mại, tài chính, bảo hiểm chuyên ngành dầu khí.

Cái tên Petrovietnam còn gắn liền với nhiều sai phạm của các cán bộ cấp cao bao gồm Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch tập đoàn, và Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch công ty con PVC.

Trong nửa đầu năm 2021, với giá dầu tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Petrovietnam đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.

  1. Vietinbank

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, tên giao dịch VietinBank, là một trong số những ngân hàng thương mại Nhà nước lớn ở Việt Nam.

VietinBank được thành lập từ năm 1988 sau khi tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với tên giao dịch ban đầu là IncomBank. Năm 2008, IncomBank đổi tên thành VietinBank. Ngân hàng có 155 chi nhánh và 958 phòng giao dịch trên cả nước.

Với lợi nhuận ròng 13,7 nghìn tỷ đồng, Vietinbank xếp thứ 2 về lợi nhuận trong khối ngân hàng quốc doanh sau Vietcombank.

  1. Techcombank

Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam, Techcombank, là ngân hàng lớn nhất trong khối ngân hàng tư nhân xếp theo lợi nhuận và giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán.

Được thành lập ngày 27/9/1993 tại Hà Nội bởi một nhóm trí thức trở về từ châu Âu và Liên Xô, Techcombank có vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Hiện, ngân hàng có vốn điều lệ hơn 35.000 tỷ đồng, 314 điểm giao dịch tại 45 tỉnh thành trên cả nước và trên 10.000 nhân viên.

Năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ghi nhận là 12,3 nghìn tỷ đồng. Trong năm nay, lợi nhuận dự báo sẽ tăng mạnh khi Techcombank đã thu về 9,1 nghìn tỷ lợi nhuận ròng chỉ sau 6 tháng.

  1. Hòa Phát

Tập đoàn Hòa Phát là tập đoàn đa ngành, với lĩnh vực kinh doanh chủ đạo là sản xuất thép, chiếm hơn 80% tổng doanh thu.

Được thành lập năm 1992 là một công ty chuyên bán buôn các loại máy xây dựng, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực nội thất, ống thép, thép, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Hòa Phát là nhà sản xuất thép số một Việt Nam, với sản lượng trên 5 triệu tấn vào năm 2020.

Hòa Phát ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế kỷ lục 13,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2020, tăng 78% so với năm trước nhờ sản lượng thép tăng mạnh.

  1. EVN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt kinh doanh đa ngành, với ngành chính là sản xuất, điều độ, mua bán điện năng, xuất nhập khẩu điện năng, đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.

Với vị thế độc quyền trong ngành điện Việt Nam, EVN là doanh nghiệp lớn thứ 2 trong nước tính theo doanh thu, sau Samsung Thái Nguyên, đạt 409,8 nghìn tỷ đồng trong năm ngoái. Về lợi nhuận, doanh nghiệp nhà nước này thu về 14,5 nghìn tỷ đồng lãi sau thuế cùng năm.

  1. Vingroup

Vingroup là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam và đứng đầu về doanh thu trong khối tư nhân trong nước. Về lợi nhuận, Vingroup xếp thứ 9, đạt 4,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Người đồng sáng lập và chủ tịch của tập đoàn đa ngành này là ông Phạm Nhật Vượng – người giàu nhất Việt Nam.

Vingroup được thành lập vào ngày 8/8/1993, tiền thân là công ty Technocom chuyên sản xuất mì ăn liền tại Ukraine. Thương hiệu này sau đó được bán lại cho Nestle khi Vingroup trở về Việt Nam đề đầu tư đa ngành vào năm 2004.

Lợi nhuận của Vingroup đến hoàn toàn từ mảng kinh doanh bất động sản, với công ty con chính là Vinhomes. Khoản lãi từ lĩnh vực này đang bù đắp cho khoản lỗ ở các lĩnh vực khác, đặc biệt là mảng sản xuất ô tô với công ty con VinFast.

  1. Vinamilk

Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) là công ty thực phẩm lớn nhất của đất nước. Năm 2020, lợi nhuận ròng của Vinamilk là 11,1 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng nhẹ trong những năm gần đây. Thương hiệu của doanh nghiệp được định giá 2,4 tỷ USD bởi Brand Fiance, nằm trong số 10 thương hiệu sữa giá trị nhất thế giới.

Vinamilk được thành lập ngày 20/8/1976, trên cơ sở quốc hữu hóa 3 nhà máy sữa ở TP.HCM là: Nhà máy sữa Thống Nhất, Nhà máy sữa Trường Thọ và Nhà máy sữa bột Dielac. Tính đến hết năm 2020, Vinamilk có đàn bò 132.000 con, 9.361 nhân viên và xuất khẩu sản phẩm ra 55 nước trên thế giới.