VNReport»Top»10 doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận cao nhất quý 2/2022

10 doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận cao nhất quý 2/2022

15:09 - 03/08/2022

Các ngân hàng vẫn chiếm đa số những vị trí dẫn đầu, nhưng ở vị trí số 1 là một doanh nghiệp dầu khí.

Các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022. Trong đó, nhóm ngân hàng – thường chiếm đa số những vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng lợi nhuận – tiếp tục có một quý thành công. Ngoài ra, nhóm dầu khí cũng ghi nhận kết quả kinh doanh bùng nổ nhờ giá dầu tăng cao trong quý.

  1. Lọc hóa dầu Bình Sơn (10.466 tỷ)

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt mức lợi nhuận trước thuế cao nhất trong quý là 10.466 tỷ đồng nhờ giá dầu tăng cao và biên lợi nhuận kỷ lục từ hoạt động lọc dầu.

Lợi nhuận quý 2 của BSR gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sau nửa đầu năm, đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đạt lợi nhuận 12.930 tỷ đồng, tăng 259% so với nửa đầu 2021.

  1. Vietcombank (7.423 tỷ)

Vietcombank lấy lại vị trí đứng đầu về lợi nhuận trong ngành ngân hàng sau khi xếp sau VPBank trong quý 1. Cụ thể, ngân hàng này ghi nhận lãi trước thuế tăng 50% so với cùng kỳ năm trước lên 7.423 tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.

Vietcombank cũng là doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận lớn nhất từ đầu năm, với lãi trước thuế ở mốc bán niên đạt 17.373 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.

  1. Techcombank (7.321 tỷ)

Techcombank báo cáo lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 7.321 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận nửa đầu năm đạt 14.106 tỷ đồng, cũng tăng 22%.

Nguồn thu của Techcombank tăng trưởng tốt cả từ lãi cũng như hoạt động dịch vụ. Ngân hàng cho biết đã tăng cường cho vay nhiều hơn đối với nhóm khách hàng cá nhân. Phân khúc này chiếm 46,6% dư nợ tín dụng vào cuối tháng 6, tăng từ 38,8% vào cuối tháng 3.

  1. BIDV (6.570 tỷ)

Sau khi ghi nhận lãi trước thuế trong quý 1 tăng 33% so với cùng kỳ, BIDV tiếp tục có một quý thành công nữa với lợi nhuận tăng 41% lên 6.570 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, ngân hàng này tăng trưởng lợi nhuận 38% lên mức 11.084 tỷ đồng.

Năm 2022, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 20.600 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2021. Như vậy, ở mốc giữa năm, BIDV đã hoàn thành 54% kế hoạch của cả năm.

  1. PV Gas (6.401 tỷ)

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) hưởng lợi từ giá nhiên liệu tăng, ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong quý 2. Lãi trước thuế của PV Gas lên đến 6.401 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ 2020.

Quý vừa qua cũng đưa kết quả kinh doanh nửa đầu năm của đại gia khí đốt lên mức cao nhất từ trước đến nay, với lãi trước thuế 10.782 tỷ đồng, tăng 94%.

  1. MB (5.987 tỷ)

MB ghi nhận lãi trước thuế trong quý 2 tăng 76% so với cùng kỳ lên 5.987 tr đồng. Lũy kế từ đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng này tăng 49% lên 11.896 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm nay, lãi thuần từ tín dụng và kinh doanh ngoại hối của MB tăng mạnh, nhưng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đi ngang. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng lên 1,2% vào cuối tháng 6, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống 220%.

  1. VietinBank (5.785 tỷ)

Trong nhóm các ngân hàng lớn, VietinBank có mức tăng trưởng lợi nhuận quý cao nhất là 107% lên 5.785 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây lại là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm thấp nhất, chỉ 7% lên 11.608 tỷ đồng. Lý do là VietinBank đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý 1 nên lợi nhuận 3 tháng đầu năm thấp.

Trong khi hoạt động kinh doanh tín dụng của ngân hàng tăng trưởng tốt trong quý 2, các hoạt động phi tín dụng như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư … tăng trưởng đặc biệt mạnh.

  1. ACB (4.914 tỷ)

Lợi nhuận trước thuế quý 2 của ACB tăng 51% lên 4.914 tỷ đồng, đưa lợi nhuận lũy kế 6 tháng của ngân hàng lên 9.028 tỷ đồng – tăng 42% so vói cùng kỳ. Đây là quý có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của ACB.

Các mảng kinh doanh từ tín dụng đến phi tín dụng đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong quý, ACB không những không phải trích lập thêm dự phòng rủi ro tín dụng mà còn hoàn nhập 267 tỷ đồng nhờ xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng từ trước.

  1. Hòa Phát (4.379 tỷ)

Hòa Phát ghi nhận lãi trước thuế quý 2 giảm đến 58% xuống còn 4.379 tỷ đồng. Điều đó khiến lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của doanh nghiệp đầu ngành thép giảm 26% xuống còn 13.301 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp duy nhất trong danh sách này có lợi nhuận nửa đầu năm giảm so với cùng kỳ.

Sau năm 2021 phá kỷ lục, kết quả kinh doanh năm nay của Hòa Phát suy giảm vì chi phí sản xuất thép tăng mạnh và giá bán thép liên tục giảm.

  1. VPBank (4.177 tỷ)

VPBank cũng ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý 2 xuống còn 4.177 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với cùng kỳ. Nhưng không giống như Hòa Phát, VPBank vẫn có lợi nhuận bán niên tăng trưởng mạnh, ở mức 70% lên 15.323 tỷ đồng, với mức lãi trong quý 1 đứng đầu tất cả các doanh nghiệp niêm yết.

VPBank cho biết kết quả kỷ lục trong năm nay xuất phát từ tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng lợi nhuận giảm trong quý 2 do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 33%.