VNReport»Top»10 doanh nghiệp niêm yết lỗ nặng nhất trong năm 2021

10 doanh nghiệp niêm yết lỗ nặng nhất trong năm 2021

16:29 - 04/04/2022

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành hàng không, vận tải, du lịch lỗ nặng trong năm 2021, đứng đầu là Vietnam Airlines.

Bất chấp dịch Covid-19 hoành hành, năm 2021 vẫn chứng kiến tình hình kinh doanh nhìn chung rất tích cực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Theo ước tính của Công ty chứng khoán VNDirect, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 42,4% trong năm ngoái, sau khi giảm 5,2% trong năm 2020.

Nhưng vẫn có những doanh nghiệp thua lỗ lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19 như hàng không, vận tải, du lịch. Một số doanh nghiệp tiếp tục chìm vào vòng xoáy thua lỗ từ trước đó trong khi một số khác, như Vingroup, bất ngờ báo lỗ lần đầu trong nhiều năm.

  1. Vietnam Airlines (HVN, 12.966 tỷ đồng)

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tiếp tục là quán quân lỗ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2021, hãng hàng không quốc gia ghi nhận khoản lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ lên tới 12.966 tỷ đồng, cao hơn 19% so với khoản lỗ khổng lồ 10.886 tỷ đồng năm 2020.

Hai năm qua, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines và ngành hàng không nói chung vô cùng bết bát, trong bối cảnh lĩnh vực này đối mặt với hàng loạt các hạn chế liên quan đến dịch Covid-19. Lỗ lũy kế của Vietnam Airlines, hầu hết tích tụ từ năm 2020 đến nay, hiện đã lên tới gần 1 tỷ USD.

  1. Vingroup (VIC, 2.771 tỷ đồng)

Vingroup ghi nhận lỗ hợp nhất sau thuế trong quý IV năm ngoái lên đến 9.249 tỷ đồng. Quý lỗ đầu tiên của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam kể từ khi công khai báo cáo tài chính khiến Vingroup lỗ hợp nhất sau thuế 7.523 tỷ đồng trong cả năm 2021. Khoản lỗ đối với cổ đông công ty mẹ là 2.771 tỷ đồng.

Lãnh đạo tập đoàn cho biết nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ trong quý IV và cả năm 2021 là hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí của Vingroup bị ảnh hưởng lớn bởi giãn cách xã hội kéo dài.

Theo tờ Nikkei Asia, Vingroup đã thua lỗ khoảng 23,9 nghìn tỷ đồng – tức hơn 1 tỷ USD – trong lĩnh vực sản xuất do doanh số ô tô xăng VinFast thấp và khoản đầu tư vào ô tô điện.

  1. HAGL Agrico (HNG, 1.119 tỷ đồng)

Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) ghi nhận doanh thu năm 2021 chỉ là 1.199 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2020. Điều này khiến công ty ghi nhận lỗ ròng hơn 1.119 tỷ đồng, sau khoản lãi nhẹ một năm trước đó.

Tính đến cuối năm 2021, công ty nông nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) sáng lập ghi nhận lỗ lũy kế lên đến hơn 2.400 tỷ đồng. Mặc dù cổ phần kiểm soát đã được chuyển giao cho Thaco trong năm ngoái, nhưng có vẻ như HAGL Agrico vẫn chưa giải quyết được bài toán lợi nhuận.

  1. Thuduc House (TDH, 942 tỷ đồng)

Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) ghi nhận lỗ năm thứ 2 liên tiếp, với khoản lỗ năm 2021 lên tới 942 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với mức lỗ 363 tỷ đồng năm 2020.

Những lý do dẫn đến khoản lỗ kỷ lục của Thuduc House, chủ yếu được ghi nhận trong quý IV, là việc phải trả tiền nộp phạt thuế, hàng bán bị trả lại, thu hồi hàng đã bán. Đáng chú ý, sau kiểm toán, công ty ghi nhận lỗ thêm 366 tỷ đồng so với trước kiểm toán.

Chỉ trong quý đầu năm 2022, Thuduc House đã 2 lần thay chủ tịch HĐQT. Tháng 11/2021, tổng giám đốc công ty khi đó là ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

  1. Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, 332 tỷ đồng)

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) lỗ 332 tỷ đồng trong năm 2021, sau khi báo lỗ 375 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm.

Theo giải trình, nguyên nhân thua lỗ là do tình hình giãn cách xã hội vì Covid-19 gây ảnh hưởng đến lưu lượng xe lưu thông, làm giảm doanh thu thu phí các dự án cầu đường. Các dự án xây dựng cũng tạm ngừng hoạt động khiến doanh thu bất động sản giảm.

  1. Vinasun (VNS, 274 tỷ đồng)

Năm 2021 tiếp tục ghi nhận tình hình kinh doanh tiêu cực của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), với khoản lỗ sau thuế 274 tỷ đồng, tăng 32% so với mức lỗ 207 tỷ đồng một năm trước.

Từ đầu năm 2020, ông lớn ngành taxi đã ghi nhận 8 quý lỗ liên tiếp. Và nếu tiếp tục lỗ trong năm 2022, Vinasun sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc vì thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Theo giải trình của công ty, các hạn chế theo quy định của Nhà nước liên quan đến dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến các xe taxi phải ngừng hoặc giảm mạnh hoạt động. Hầu như không có khách quốc tế và nhu cầu đi lại trong nước thấp. Một khó khăn nữa của Vinasun là sự cạnh tranh đến từ các hãng taxi công nghệ.

  1. Vietravel (VTR, 257 tỷ đồng)

Một doanh nghiệp nữa cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các biện pháp chống Covid-19 là Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel. Năm ngoái, đơn vị du lịch này ghi nhận khoản lỗ lên đến hơn 257 tỷ đồng, mặc dù lãi 228 tỷ đồng trong quý cuối năm nhờ doanh thu tài chính.

Khoản lỗ năm 2021 của Vietravel tăng gần 3 lần so với năm 2020 do các hoạt động du lịch, hàng không cốt lõi bị thiệt hại nặng nề trong năm ngoái.

  1. Fortex (FTM, 224 tỷ đồng)

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) có nguy cơ bị hủy giao dịch sau khi báo lỗ năm thứ 3 liên tiếp với mức lỗ 224 tỷ đồng trong năm 2021.

Doanh nghiệp sản xuất sợi này đã lỗ 12 quý liên tiếp, với mức lỗ cao nhất là 92 tỷ đồng vào quý IV/2021.

Trong quá khứ, cổ phiếu FTM của Fortex từng gây chú ý trên thị trường với chuỗi giảm sàn 30 phiên liên tục từ 15/8 đến 26/9/2019.

  1. Đường sắt Sài Gòn (SRT, 139 tỷ đồng)

Một doanh nghiệp vận tải nữa chịu ảnh hưởng nặng nề của các hạn chế liên quan đến Covid-19 là Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT). Trong 2 năm qua, doanh nghiệp này đã lỗ hơn 356 tỷ đồng, với 139 tỷ đồng trong số đó đến vào năm ngoái.

SRT đã lỗ liên tiếp 8 quý kể từ đầu năm 2020. Theo giải trình, doanh nghiệp cho biết lý do chính đến từ những biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, làm SRT phải cắt giảm toàn bộ các chuyến tàu khách trong thời gian dài.

  1. Thép Việt Ý (VIS, 132 tỷ đồng)

Công ty cổ phần Thép Việt Ý lỗ 132 tỷ đồng trong năm 2021, làm tăng khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp lên 647 tỷ đồng. Sau 4 năm liên tiếp ghi nhận lỗ lũy kế, Thép Việt Ý đã bị HoSE hủy niêm yết, theo quyết định có hiệu lực từ ngày 22/4/2022.

VIS giải trình rằng nguyên nhân thua lỗ trong năm ngoái là do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đầu ra sản phẩm gần như đóng băng. Bên cạnh đó, giá các nguyên vật liệu thép, chi phí đầu vào cùng với giá thép đầu ra đều tăng lên.