VNReport»Top»10 hồ lớn nhất Việt Nam

10 hồ lớn nhất Việt Nam

14:34 - 05/10/2021

Đây là danh sách Top 10 hồ lớn nhất Việt Nam tính theo tiêu chí dung tích toàn phần, tức sức chứa đầy đủ của hồ.

Hồ Thủy điện Hòa Bình

Hồ Hòa Bình hay hồ thủy điện Hòa Bình là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm trên sông Đà với chiều dài 230 km từ Hoà Bình đi Sơn La. Đập chính của hồ nằm tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Dung tích của hồ vào khoảng 10,8 tỷ m3 và có tất cả 12 cửa xả đáy.

Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được khởi công tháng 11/1979 và khánh thành tháng 12/1994 với sự giúp đỡ, hỗ trợ công tác xây dựng và hướng dẫn vận hành của Liên Xô. Với công suất thiết kế 1920 MW, Thủy điện Hòa Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 trước khi bị Thủy điện Sơn La vượt qua vào năm 2012.

Hồ Thủy điện Sơn La

Hồ Thủy điện Sơn La là hồ chứa nước của Nhà máy Thủy điện Sơn La – nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Việt Nam với 2.400 MW, được xây dựng từ năm 2005 đến năm 2012.

Hồ có dung tích 9,26 tỷ m3 với chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5km, chiều dài lòng hồ tính từ đập ngăn đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La ngược lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay, tỉnh Lai Châu vào khoảng 120km.

Ngoài công suất lớn nhất, công trình thủy điện Sơn La còn nắm giữ một số kỷ lục khác như khối lượng công việc thi công nhiều nhất, lực lượng thi công đông đảo nhất với thời kỳ cao điểm có tới hơn 12.000 công nhân thường xuyên làm việc và công trình có dự án di dân đông nhất với 20.260 hộ.

Hồ Trị An

Hồ Trị An là một hồ nước nhân tạo nằm trên sông Đồng Nai, thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất và Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai. Hồ là nơi trữ nước để cung cấp cho Nhà máy thủy điện Trị An có công suất 400 MW.

Hồ Trị An được khởi công vào năm 1984 và hoàn thành đầu năm 1987. Hồ có dung tích toàn phần 2,765 tỷ m3, dung tích hữu ích 2,547 tỷ m3 và diện tích mặt hồ là 323 km2.

Phía thượng nguồn của hồ Trị An là Vườn quốc gia Cát Tiên – nơi có nhiều thảm thực vật quý còn sót lại với nhiều loài động vật quý hiếm.

Hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà là nguồn cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái. Hồ nằm cách Hà Nội 180 km theo quốc lộ 2 hoặc quốc lộ 32 về phía tây bắc.

Hồ Thác Bà được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà được xây dựng làm nghẽn dòng sông Chảy và tạo ra hồ. Ngoài sông Chảy là nguồn cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống sông ngòi lớn như: ngòi Hành, ngòi Cát… đổ về, làm tăng lượng phù sa lớn và các loài sinh vật phong phú cho hồ.

Hồ Thác Bà có dung tích 2,49 tỷ m3 với diện tích mặt nước trên 190 km2. Lòng hồ có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và phong cảnh đẹp. Không chỉ là một thắng cảnh đẹp, hồ Thác Bà còn là chứng tích lịch sử nổi tiếng và đã được công nhận là quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996.

Hồ Na Hang

Hồ Na Hang là vùng hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Na Hang, nay đổi tên thành thủy điện Tuyên Quang. Hồ được tạo thành từ đập thủy điện ngăn dòng sông Gâm thuộc địa phận thị trấn Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Hồ Na Hang có tổng diện tích mặt nước hơn 8.000 ha, dung tích 2,26 tỷ m3 nước.

Thủy điện Tuyên Quang có công suất 342 MW với 3 tổ máy, khởi công năm 2002 và hoàn thành năm 2008. Đây là nhà máy thuỷ điện có công suất lớn thứ năm của miền Bắc sau các Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhà máy thủy điện Lai Châu và nhà máy thủy điện Huổi Quảng.

Ngoài phục vụ sản xuất điện, Hồ Na Hang còn góp phần phòng chống lũ cho thị xã Tuyên Quang và tham gia giảm lũ và tạo nguồn cấp nước mùa khô cho đồng bằng sông Hồng.

Hồ Thủy điện Lai Châu

Hồ Thủy điện Lai Châu là hồ lớn thứ 6 cả nước với dung tích 2,14 tỷ m3. Hồ Thủy điện Lai Châu cùng với Nhà máy Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia của Việt Nam, được xây dựng trên dòng chính của sông Đà tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Thủy điện Lai Châu có công suất 1.200 MW với 3 tổ máy, khởi công xây dựng tháng 1/2011 và khánh thành tháng 12/2016, sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu đề ra.

Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà tại Việt Nam. Đây là công trình thủy điện không chỉ có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển – kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên.

Hồ Bản Vẽ

Hồ Bản Vẽ là hồ tích nước cho Thuỷ điện Bản Vẽ có dung tích 1,8 tỷ m3, nằm tại thượng nguồn sông Lam. Đập chính và nhà máy điện đặt tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, được khởi công xây dựng năm 2005 và khánh thành năm 2010.

Thuỷ điện Bản Vẽ có công suất thiết kế 320 MW, sản lượng điện hàng năm 1084 triệu KWh. Đây là công trình thuỷ điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung và tỉnh Nghệ An. Công trình đồng thời cung cấp một phần điện cho nước Lào. Ngoài ra, hồ thuỷ điện Bản Vẽ còn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, đẩy mặn, chống lũ cho vùng hạ lưu sông Cả.

Hồ Dầu Tiếng

Hồ Dầu Tiếng có dung tích 1,74 tỷ m3 nằm trên địa phận huyện Dương Minh Châu và một phần nhỏ trên địa phận huyện Tân Châu, thuộc tỉnh Tây Ninh.

Hồ được khởi công xây dựng vào tháng 4/1981 và hoàn thành vào tháng 1/1985. Công trình này từng huy động gần hết người dân ở độ tuổi thanh niên ở tỉnh Tây Ninh tham gia đào hồ.

Hồ Dầu Tiếng có một đập xả lũ ra đầu nguồn sông Sài Gòn cùng hai kênh Đông và Tây tưới mát cho những cánh đồng mì, mía, lúa không chỉ ở Tây Ninh mà còn ở Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), Đức Hoà (Long An) và một phần tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, Hồ Dầu Tiếng còn cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Hóc Môn.

Hồ Đồng Nai

Hồ Đồng Nai là hồ cấp nước cho Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, được xây dựng trên sông Đồng Nai, tại vùng đất xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đăk Nông và xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đây là bậc thang thủy điện thứ 4 tính từ thượng nguồn sông Đồng Nai, sau các thủy điện Đa Nhim (Đơn Dương), Đại Ninh và Đồng Nai 2.

Thủy điện Đồng Nai 3 có công suất 180 MW với 2 tổ máy, khởi công tháng 12/2004 và hoàn thành tháng 2/2012. Đập thủy điện Đồng Nai 3 tạo ra hồ lớn thứ 9 Việt Nam với dung tích toàn phần 1,69 tỷ m3, thu nước từ lưu vực rộng 2.441 km2.

Hồ Cửa Đạt

Hồ Cửa Đạt là hồ tích và cung cấp sức nước cho Nhà máy thủy điện Cửa Đạt, một cụm công trình thủy điện xây dựng trên sông Chu. Thủy điện Cửa Đạt có công suất 97 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 430 triệu KWh, khởi công tháng 2/2004 và hoàn thành tháng 11/2010.

Hồ Cửa Đạt còn được xếp hạng công trình trọng điểm quốc gia với mục đích tạo nguồn nước tưới ổn định cho gần 87.000 ha đất canh tác; đóng vai trò quan trọng vào việc giảm lũ, bổ sung nước mùa hạn cho hạ lưu sông Mã; tạo điều kiện phát triển du lịch, thúc đẩy quá trình đô thị hóa vùng Tây Nam tỉnh Thanh Hóa.