VNReport»Top»10 kỳ Olympic tốn kém nhất

10 kỳ Olympic tốn kém nhất

13:52 - 22/07/2021

Olympic là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới với hơn 200 nước tham dự. Vì vậy, chi phí để tổ chức sự kiện này cũng rất lớn.

Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, chi phí liên quan đến thể thao cho các kỳ Olympic Mùa hè từ năm 1960 trung bình là 5,2 tỷ USD và với Olympic Mùa đông là 393,1 triệu USD.

Sau đây là 10 kỳ Olympic tốn kém nhất mọi thời đại.

1. Sochi 2014 (51 tỷ USD)

Olympic Mùa đông 2014 ở Sochi, Nga là kỳ Thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử. Mặc dù ngân sách ban đầu là 12 tỷ USD, chi phí đã tăng cao lên tới 51 tỷ USD, vượt cả Olympic Mùa hè năm 2008. Chi phí này cũng cao hơn chi phí của tất cả các kỳ Olympic Mùa đông trước đó cộng lại.

Chỉ khoảng 1/5 trong con số 51 tỷ USD là chi phí tổ chức các sự kiện Olympic. Phần còn lại là chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Sochi như đường bộ, đường sắt, nhà máy điện để hỗ trợ quá trình chuyển đổi thành phố bên bờ biển Đen của nước Nga thành một điểm đến du lịch nghỉ dưỡng.

2. Bắc Kinh 2008 (44 tỷ USD)

Bắc Kinh 2008 là kỳ Thế vận hội Mùa hè tốn kém nhất trong lịch sử, với chi phí ước tính là 40-44 tỷ USD.

Con số này bao gồm việc xây dựng 31 địa điểm tổ chức các sự kiện Olympic ở Bắc Kinh và các địa điểm khác ở một số địa phương ngoài thủ đô của Trung Quốc. Trong số này có Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh, còn được biết đến với biệt danh “Tổ chim”, với chi phí 423 triệu USD. Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford, chỉ 6,8 tỷ USD trong số này trực tiếp dành cho việc tổ chức các cuộc tranh tài.

3. London 2012 (15 tỷ USD)

Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford, Olympic 2012 ở London, Anh tiêu tốn khoảng 15 tỷ USD, vượt ngân sách 76%. Con số này không bao gồm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thường bằng hoặc vượt chi phí đăng cai các sự kiện thể thao.

Phần lớn ngân sách của kỳ Thế vận hội này dành cho xây dựng cơ sở vật chất, bao gồm Công viên Olympic rộng 200 ha. Chi phí thuộc nhóm này được tài trợ bằng nguồn vốn công, trong khi các chi phí khác sử dụng nguồn vốn tư nhân. Chi phí đảm bảo an ninh là 553 triệu bảng Anh (758 triệu USD)

4. Rio de Janeiro 2016 (13,2 tỷ USD)

Mặc dù nền kinh tế Brazil đã trì trệ trong hàng thập kỷ, chính phủ nước này vẫn quyết định đăng cai Olympic Mùa hè 2016. Điều này đã gây ra hậu quả lớn về tài chính, khi chi phí của Thế vận hội tổ chức tại Rio de Janeiro lên đến 13,2 tỷ USD, cao hơn 4,4 tỷ USD so với ngân sách của cả thành phố.

Trên thực tế, chi phí đã tăng vọt ngay sau khi quá trình chuẩn bị cho Olympic bắt đầu. Các quan chức đã phải mở rộng hệ thống tàu điện ngầm, cải tạo cảng, làm sạch Vịnh Guanabara và xây dựng một phòng xét nghiệm doping đắt tiền.

5. Pyeongchang 2018 (12,9 tỷ USD)

Năm 2018, Hàn Quốc đăng cai Olympic Mùa đông tốn kém thứ 2 lịch sử, sau Sochi. Chi phí của Thế vận hội tổ chức ở Pyeongchang là 12,9 tỷ USD. Con số này cao hơn ước tính 3,5 đến 9,5 tỷ USD do Hàn Quốc đề xuất với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) khi giành quyền đăng cai Thế vận hội.

Số tiền này được dùng để xây Làng Olympic, một đường sắt tốc độ cao kết nối Pyeongchang với thủ đô Seoul, và các địa điểm được sử dụng để đăng cai Thế vận hội.

6. Barcelona 1992 (9,7 tỷ USD)

Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, chi phí ước tính cho Thế vận hội Mùa hè 1992 ở Barcelona, Tây Ban Nha là 9,7 tỷ USD, vượt dự tính tới 266%. Con số này không bao gồm chi phí cơ sở hạ tầng không trực tiếp như xây dựng và nâng cấp đường bộ, đường sắt, sân bay hay hệ thống khách sạn.

Sau kỳ Olympic này, Barcelona trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Âu, với số khách du lịch xếp thứ 4 ở châu lục này, sau Paris, London và Rome.

7. Vancouver 2010 (6,4 tỷ USD)

Chi phí của Thế vận hội Mùa đông 2010 ở Vancouver, tỉnh British Columbia, Canada được ước tính là 6,4 tỷ USD, so với chi phí dự tính là 1,3 tỷ USD. Trong số này, 2,9 tỷ USD dành cho các công việc liên quan trực tiếp đến các sự kiện của Thế vận hội, 3,5 tỷ USD dành cho các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng khác được xây mới hoặc nâng cấp để phục vụ Olympic.

Một nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers ước tính Olympic đã đóng góp cho nền kinh tế của British Columbia 2,3 tỷ USD và tạo ra 45.000 việc làm. Con số này thấp hơn nhiều mức dự báo 10 tỷ USD. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đăng cai Olympic là một trong nhiều lý do khiến nợ công của British Columbia tăng 24 tỷ USD trong thập kỷ 2000.

8. Moscow 1980 (6,3 tỷ USD)

Olympic 1980 ở Moscow, Liên Xô đánh dấu lần đầu tiên Thế vận hội được tổ chức ở một nước Đông Âu. Tuy nhiên, kỳ Olympic này không thành công về mặt tài chính, một phần do nhiều nước đã tẩy chay Thế vận hội do Liên Xô can dự vào cuộc chiến tranh ở Afghanistan năm 1979. Số nước tham dự kỳ Olympic này chỉ là 80.

Chi phí của kỳ Thế vận hội này là 6,3 tỷ USD, theo ước tính từ một nghiên cứu của Đại học Oxford. Phần lớn số tiền này được dùng để tổ chức các cuộc tranh tài, xây dựng Làng Olympic và các địa điểm thi đấu.

9. Montreal 1976 (6,1 tỷ USD)

Thế vận hội Mùa hè năm 1976 ở Montreal là một ví dụ điển hình cho tác động kinh tế tiêu cực của Olympic lên nước chủ nhà. Với chi phí lên đến 6,1 tỷ USD, thành phố lớn thứ hai của Canada đã phải mất đến 30 năm mới trả hết số nợ phát sinh trong quá trình chuẩn bị.

Khoản đầu tư lớn nhất là xây mới Sân vận động Olympic với các công nghệ tiên tiến. Nhưng khi Thế vận hội khai mạc, công trình này vẫn chưa xây xong mái che di động. Sân vận động này đã được gán biệt danh “Khoản nợ lớn” do chi phí xây dựng khổng lồ.

10. Sydney 2000 (5 tỷ USD)

Được biết đến là “Thế vận hội của thiên niên kỷ mới”, Olympic 2000 tổ chức tại Sydney, Úc có ngân sách cao hơn 90% mức dự kiến ban đầu. Chi phí ước tính của kỳ Thế vận hội này là khoảng 5 tỷ USD, theo nghiên cứu của Đại học Oxford.

Phần lớn nguồn vốn được sử dụng để xây dựng các địa điểm trong Công viên Olympic Sydney. Sau khi Thế vận hội kết thúc, các địa điểm này đã không thu đủ doanh thu để chi trả cho việc bảo trì. Tuy vậy, việc tổ chức Thế vận hội được đánh giá cao. Nhiều kênh truyền thông gọi đây là kỳ Olympic thành công nhất trong lịch sử.