VNReport»Top»10 nền kinh tế lớn nhất thế giới

10 nền kinh tế lớn nhất thế giới

14:20 - 18/08/2022

Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm khoảng 2/3 kinh tế toàn cầu.

Quy mô của một nền kinh tế được tính bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trong lãnh thổ một nước trong một năm.

GDP danh nghĩa quy đổi giá trị hàng hóa và dịch vụ theo tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền, trong khi GDP theo sức mua tương đương (PPP) tính đến sự khác biệt trong chi phí sinh hoạt ở các nước.

Sau đây là 10 nước có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, tính theo GDP danh nghĩa năm 2021 do Ngân hàng Thế giới ước tính. Các nền kinh tế này có tổng GDP khoảng 65,1 nghìn tỷ USD – chiếm khoảng 2/3 GDP toàn cầu (96,1 tỷ USD).

  1. Mỹ (23,0 nghìn tỷ USD)

Mỹ giữ vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới trong hơn một thế kỷ, sau khi vượt qua Anh vào khoảng cuối thể kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. GDP của nước này năm 2021 ước tính là 23,0 nghìn tỷ USD.

Đồng USD là đồng tiền mạnh nhất trên thế giới và là loại tiền tệ phổ biến nhất trong thương mại. Mỹ là nơi có những công ty hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như Apple, Microsoft (công nghệ), Walmart (bán lẻ), Exxon Mobil (năng lượng) … Hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường – NYSE và Nasdaq – cũng nằm ở Mỹ.

  1. Trung Quốc (17,7 nghìn tỷ USD)

GDP danh nghĩa của Trung Quốc xếp thứ hai sau Mỹ, đạt 17,7 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, GDP quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) của nước này lớn nhất thế giới. Khoảng cách giữa GDP danh nghĩa của Mỹ và Trung Quốc thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây và nước này được dự đoán sẽ vượt Mỹ trong tương lai.

Mặc dù có quy mô kinh tế tổng thể lớn, GDP đầu người của Trung Quốc chỉ ở mức trung bình thế giới, đạt khoảng hơn 10.000 USD/người.

Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới, với giá trị xuất khẩu năm 2021 lên đến 3,4 nghìn tỷ USD, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gần gấp đôi so với nước ở vị trí thứ hai.

  1. Nhật Bản (4,9 nghìn tỷ USD)

Nhật Bản được biết đến với ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh, bao gồm những thương hiệu như Toyota, Honda hay Nissan. Ngoài ra, ngành điện tử của nước này cũng đóng góp lớn vào nền kinh tế trị giá 4,9 nghìn tỷ USD, với những doanh nghiệp như Sony, Panasonic, Toshiba …

Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến thập niên 1990. Tuy nhiên, sau khi bong bóng tài sản thập niên 1980 vỡ, kinh tế Nhật Bản trì trệ trong thời kỳ được gọi là “thập niên mất mát”.

  1. Đức (4,2 nghìn tỷ USD)

Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu với quy mô 4,2 nghìn tỷ USD năm 2021. Nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu những mặt hàng chất lượng cao trong các lĩnh vực bao gồm ô tô (BMW, Mercedes-Benz, Volkswagen); hóa chất (BASF), dược phẩm (Bayer) …

Kim ngạch xuất khẩu của Đức chỉ xếp sau Trung Quốc và Mỹ, theo WTO, và thặng dư thương mại của nước này xếp thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Nước này là thành viên quan trọng nhất của Liên minh châu Âu – khu vực cò tổng GDP hơn 17 nghìn tỷ USD trong năm 2021.

  1. Anh (3,2 nghìn tỷ USD)

Anh là nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu với quy mô 3,2 nghìn tỷ USD và được đánh giá có tính toàn cầu hóa vào hàng cao nhất thế giới.

Ngành dịch vụ đóng góp khoảng 80% tổng GDP, đặc biệt tập trung vào ngân hàng và tài chính. Thủ đô London là trung tâm tài chính lớn thứ hai thế giới sau New York. Các lính vực khác như công nghệ, hàng không vũ trụ hay dược phẩm của Anh cũng nằm trong top đầu thế giới.

Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nghiệp hóa vào thế kỷ 18. Sự vượt trội về công nghệ và hệ thống thuộc địa khổng lồ giúp Anh dẫn đầu thế giới về GDP cho đến cuối thể kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, khi nước này bị Mỹ vượt qua.

  1. Ấn Độ (3,2 nghìn tỷ USD)

Mặc dù Ấn Độ đứng thứ 5 về GDP danh nghĩa với 3,2 nghìn tỷ USD, nhưng xếp hạng theo GDP PPP thì nước này đứng thứ 3. GDP đầu người của Ấn Độ thấp nhất trong danh sách này, chỉ đạt khoảng 2.000 USD/người.

Ấn Độ có một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, tăng quy mô gấp 6 lần kể từ năm 2000. Là nước đang phát triển, đa số dân số nước này vẫn làm việc trong ngành nông nghiệp, với các sản phẩm chính bao gồm gạo, bông, chè, sữa, thủy sản ….

  1. Pháp (2,9 nghìn tỷ USD)

Lĩnh vực dịch vụ chiếm đến gần 80% nền kinh tế Pháp. Trong đó, ngành du lịch của nước này phát triển mạnh – thu hút nhiều khách du lịch quốc tế nhất thế giới trước dịch Covid-19. Ngành sản xuất của nước này cũng đáng nể với những doanh nghiệp như L’Oreal, LVMH, Sanofi, Groupe PSA …

Lĩnh vực nông nghiệp của Pháp cũng rất phát triển với những sản phẩm chất lượng cao bao gồm pho mát, rượu vang, thịt gia cầm … GDP của Pháp năm 2021 được ước tính là 2,9 nghìn tỷ USD.

  1. Ý (2,1 nghìn tỷ USD)

Nền kinh tế của Ý – có quy mô 2,1 tỷ USD – được phân chia giữa hai miền bắc và nam. Miền bắc công nghiệp hóa cao đóng góp phần lớn nền kinh tế quốc dân, trong khi miền nam kém phát triển hơn với mức độ nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Ý là trung tâm hàng xa xỉ lớn nhất ở châu Âu và thứ 3 trên toàn thế giới. Lĩnh vực sản xuất của họ bao gồm nhiều công ty vừa và nhỏ trong “tam giác công nghiệp” Milan, Turin và Genoa. Các khu vực phía bắc của Ý có những ngành công nghiệp như ô tô, hàng không vũ trụ …, trong khi phía nam thường tập trung vào nông nghiệp hay những lĩnh vực sản xuất như dệt may.

  1. Canada (2,0 nghìn tỷ USD)

Canada có giá trị tài nguyên thiên nhiên ước tính cao thứ 3 thế giới, được định giá 33,98 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Nước này sở hữu trữ lượng dầu mỏ đã chứng minh lớn thứ 3 thế giới, là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 4 và khí đốt tự nhiên lớn thứ 5. Nước này cũng nổi tiếng về khai thác kim loại quý và là nơi đặt trụ sở của một số công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới.

Ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên, Canada cũng có lĩnh vực sản xuất khá lớn, trong đó ngành ô tô và máy bay đặc biệt quan trọng. GDP năm 2021 của nước này là 2,0 nghìn tỷ USD.

  1. Hàn Quốc (1,8 nghìn tỷ USD)

Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ qua và hiện là một nền kinh tế phát triển với GDP năm 2021 đạt 1,8 nghìn tỷ USD.

Ngành công nghệ của nước này đóng góp lớn vào sự phát triển đó, với Samsung là hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Các doanh nghiệp lớn khác bao gồm nhà sản xuất ô tô Hyundai và Kia, nhà sản xuất thép POSCO … Các chaebol – những tập đoàn đa ngành thuộc sở hữu gia đình – thống trị nền kinh tế Hàn Quốc.