VNReport»Kinh tế»Tài chính»10 ngân hàng lợi nhuận cao nhất quý I/2023

10 ngân hàng lợi nhuận cao nhất quý I/2023

14:58 - 09/05/2023

Các ngân hàng lớn bắt đầu báo cáo lợi nhuận tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí giảm so với cùng kỳ.

Sau năm 2022 tăng trưởng mạnh, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đang chậm lại. 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I có tổng lợi nhuận trước thuế gần 66.000 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng lớn có lợi nhuận giảm mạnh nhất là VPBank, với kết quả kinh doanh đi xuống và không có thu nhập đột biến từ phí trả trước bảo hiểm như quý I/2022. Vietcombank giữ vững vị trí số một về lợi nhuận, bỏ xa BIDV ở vị trí thứ hai.

Nhìn chung, đa số các ngân hàng lớn ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vừa phải. Ngoài ra, nợ xấu ở các ngân hàng đang tăng khá mạnh.

  1. Vietcombank (11.221 tỷ đồng)

Vietcombank – quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng trong nhiều năm qua – tiếp tục giữ vững vị trí số một trong 3 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 11.221 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo tài chính quý I, ngân hàng cũng cho biết nợ xấu tính đến ngày 31/3 tăng 27,1% so với đầu năm, và tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,68% lên 0,85% trong cùng kỳ.

  1. BIDV (6.920 tỷ đồng)

BIDV ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất trong top 10: 53,3% so với cùng kỳ. Nhờ đó, ngân hàng này vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng với 6.920 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2023.

Với tổng tài sản hơn 2 triệu tỷ đồng, BIDV hiện là ngân hàng lớn nhất cả nước tính theo chỉ tiêu này.

  1. MB (6.512 tỷ đồng)

Lợi nhuận trước thuế quý I của MB tăng 10,2% so với cùng kỳ lên 6.512 tỷ đồng. Nhưng mức tăng này chủ yếu nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, ngoài tín dụng, thu nhập từ các mảng kinh doanh khác của ngân hàng đều đi xuống. Mảng tín dụng vẫn tăng trưởng nhờ chi phí vốn rẻ, mặc dù dự nợ tín dụng chỉ tăng nhẹ.

  1. VietinBank (5.980 tỷ đồng)

Lợi nhuận trước thuế của VietinBank tăng trưởng nhẹ trong quý I, ở mức 2,7% so với cùng kỳ lên 5.980 tỷ đồng.

Ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng trưởng 25%. Nhưng chi phí dự phòng rủi ro tăng 52% vì nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gấp đôi trong quý. Chi phí tăng thêm đó khiến lợi nhuận của ngân hàng ít thay đổi so với cùng kỳ.

  1. Techcombank (5.623 tỷ đồng)

Techcombank là một trong hai ngân hàng trong top 10 báo cáo lợi nhuận giảm sút trong 3 tháng đầu năm.

Lãi trước thuế của Techcombank trong quý I giảm 17,1% so với cùng kỳ xuống còn 5.623 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 20%, mà theo Techcombank là do chi phí đầu vào tăng cao vì ngân hàng phải hỗ trợ khách hàng bằng các gói tín dụng ưu đãi.

  1. ACB (5.156 tỷ đồng)

ACB báo cáo lợi nhuận tăng trưởng tốt: 25,3% lên 5.156 tỷ đồng trong quý I.

Mặc dù vậy, giống như nhiều ngân hàng khác, ACB cũng ghi nhận chất lượng tài sản kém đi, với số dư nợ xấu tăng 31,5% tính đến ngày 31/3/2023 so với cuối năm 2022 và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,74% lên 0,97%.

  1. SHB (3.620 tỷ đồng)

SHB đạt lợi nhuận trước thuế 3.620 tỷ đồng trong quý I, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng trưởng 38%, nhưng trích lập dự phòng rủi ro nhiều gấp 3 lần khiến SHB không đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tương ứng. Tỷ lệ nợ xấu trong 3 tháng đầu năm của ngân hàng tăng nhẹ từ 2,81% lên 2,83%.

  1. HDBank (2.743 tỷ đồng)

HDBank cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận vừa phải trong quý đầu năm: 8,5% so với cùng kỳ lên 2.743 tỷ đồng.

Tương tự như SHB, thu nhập lãi thuần của HDBank cũng tăng mạnh (gần 20%), nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng thêm 42,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng từ 1,67% vào đầu năm lên 1,85% vào ngày 31/3.

  1. VIB (2.694 tỷ đồng)

VIB là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý, từ mức 2,45% đầu năm lên 3,64% vào ngày 31/3. Điều này khiến chi phí dự phòng rủi ro trong quý I/2023 tăng 68,2% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, nhờ thu nhập lãi thuần tăng 22,4%, lợi nhuận trước thuế của VIB vẫn tăng 18,2% lên 2.694 tỷ đồng.

  1. VPBank (2.550 tỷ đồng)

Lợi nhuận trước thuế của VPBank giảm sâu nhất trong top 10, chỉ đạt 2.550 tỷ đồng trong quý I, thấp hơn 77,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý I/2022, ngân hàng này dẫn đầu toàn hệ thống với lãi trước thuế 11.146 tỷ đồng, một phần nhờ thu nhập đột biến từ phí trả trước bảo hiểm. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh chính của VPBank cũng đi xuống với thu nhập lãi thuần quý I/2023 giảm 3,6% so với cùng kỳ.