VNReport»Top»10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam tính theo tổng tài sản

10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam tính theo tổng tài sản

09:41 - 25/03/2023

4 ngân hàng quốc doanh bỏ xa khối ngân hàng tư nhân về quy mô tài sản.

Kết thúc năm 2022, 4 ngân hàng quốc doanh lớn tiếp tục bỏ xa khối ngân hàng tư nhân về quy mô tổng tài sản. Trong bối cảnh chưa có ngân hàng tư nhân nào đạt 1 triệu tỷ đồng tài sản, thì toàn bộ nhóm “Big 4” đã có quy mô tài sản trên 1,8 triệu tỷ đồng.

BIDV hiện là ngân hàng duy nhất có tổng tài sản trên 2 triệu tỷ đồng, theo sau là Agribank, Vietcombank và VietinBank. Trong khối ngân hàng tư nhân, SCB đứng đầu, mặc dù dữ liệu tài chính của ngân hàng này mới chỉ được cập nhất đến hết quý II/2022.

  1. BIDV (2,12 triệu tỷ đồng)

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng duy nhất của Việt Nam có tổng giá trị tài sản hơn 2 triệu tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của BIDV tăng hơn 20% so với cuối năm 2021 lên 2,12 triệu tỷ đồng.

Được thành lập từ năm 1957 với tên gọi “Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam”, BIDV là một trong những ngân hàng lâu đời nhất đang hoạt động ở nước ta. BIDV cho biết có hệ thống gồm 190 chi nhánh, 870 phòng giao dịch và 57.825 ATM và POS. Ngân hàng có tổng cộng 25.000 cán bộ, nhân viên.

  1. Agribank (1,87 triệu tỷ đồng)

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết tổng tài sản của mình tính đến cuối năm 2022 là 1,87 triệu tỷ đồng, đứng thứ hai trong hệ thống. Agribank cũng là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch ở toàn bộ 63 tỉnh, thành và có mặt tại 9/13 huyện đảo.

Agribank được thành lập năm 1988 với trọng tâm là cung cấp tín dụng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vì vậy, cơ cấu tín dụng của ngân hàng tập trung vào nhóm khách hàng này, với 70% dự nợ cho vay dành cho tín dụng “Tam nông”. Agribank cũng là ngân hàng lớn nhất chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

  1. Vietcombank (1,81 triệu tỷ đồng)

Với 1,81 triệu tỷ đồng tài sản tính đến ngày 31/12/2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng lớn thứ 3 tính theo tổng tài sản. Tuy nhiên, nó là ngân hàng lớn nhất – cũng như doanh nghiệp lớn nhất – tính theo giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán, đạt gần 431 nghìn tỷ đồng tính đến hết ngày 16/3.

Thành lập từ năm 1963, Vietcombank là ngân hàng hàng đầu về xử lý các giao dịch thương mại quốc tế và quản lý ngoại tệ. Nó cũng là ngân hàng có lãi nhất trong hệ thống, với lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng.

  1. VietinBank (1,81 triệu tỷ đồng)

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) được thành lập năm 1988 sau khi tách ra từ Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, VietinBank cho biết ngân hàng có 155 chi nhánh ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và gần 1.000 phòng giao dịch. VietinBank cũng có chi nhánh tại Đức, văn phòng đại diện tại Myanmar và ngân hàng con tại Lào.

Theo báo cáo tài chính của ngân hàng, tính đến ngày 31/12/2022, VietinBank có tổng tài sản 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2021. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 cũng tăng 20% so với năm 2021.

  1. SCB (762 nghìn tỷ đồng)

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là ngân hàng tư nhân lớn nhất cả nước tính theo tổng tài sản, đạt gần 762 nghìn tỷ đồng tính đến hết ngày 30/6/2022. Vì không niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, SCB không có nghĩa vụ phải công bố báo cáo tài chính hàng quý, nên dữ liệu tài chính của ngân hàng này mới được cập nhật đến quý II/2022.

SCB được thành lập vào năm 2012, trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng. Tháng 10 năm ngoái, ngân hàng này bị kéo vào vụ bê bối của Tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát, vì người gửi tiền lo ngại về mối quan hệ giữa SCB với Vạn Thịnh Phát.

  1. MB (729 nghìn tỷ đồng)

Với tổng tài sản gần 729 nghìn tỷ đồng tính đến hết ngày 31/12/2022 và lợi nhuận trước thuế 22,7 nghìn tỷ đồng trong năm ngoái, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là ngân hàng tư nhân niêm yết lớn nhất tính theo tổng tài sản và thứ hai tính theo lợi nhuận. Hai chỉ số này đều tăng trưởng mạnh so với một năm trước, lần lượt 20% và 38%.

MB được thành lập năm 1994, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Hệ thống của ngân hàng hiện bao gồm hơn 284 chi nhánh và phòng giao dịch ở 53 tỉnh, thành phố trên cả nước.

  1. Techcombank (699 nghìn tỷ đồng)

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) được thành lập vào năm 1993 bởi một nhóm Việt kiều trở về từ Đông Âu và Liên Xô. Sau 30 năm xây dựng, Techcombank hiện là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất, với tổng tài sản 699 nghìn tỷ đồng tính đến cuối năm 2022, lãi trước thuế 25,6 nghìn tỷ đồng.

Techcombank là một trong những ngân hàng đầu tiên miễn phí toàn bộ các giao dịch chuyển tiền. Điều này giúp ngân hàng đứng đầu hệ thống về tỷ lệ nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

  1. VPBank (631 nghìn tỷ đồng)

VPBank là ngân hàng tư nhân có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán, đạt 131 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 16/3. Xét theo tổng tài sản, ngân hàng này đứng thứ 4 trong khối tư nhân với 631 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022. Hệ thống của VPBank bao gồm 234 chi nhánh trên cả nước.

Trong thập kỷ vừa qua, VPBank tăng trưởng mạnh về quy mô tài sản cũng như lợi nhuận, một phần nhờ sự phát triển bùng nổ của công ty cho vay tiêu dùng FE Credit. Đơn vị này đóng góp khoảng một nửa lợi nhuận hợp nhất của VPBank vào năm 2019.

  1. ACB (608 nghìn tỷ đồng)

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có quy mô tổng tài sản 608 nghìn tỷ đồng tính đến cuối năm 2022, tăng 15% so với cuối năm 2021. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 17,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2022, tăng 43% so với năm 2021.

Thành lập vào năm 1993, ACB hiện có mạng lưới gồm 384 chi nhánh và phòng giao dịch, 11.000 máy ATM và 850 đại lý Western Union trên toàn quốc. Năm 2012, ACB từng bị ảnh hưởng xấu vì vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) – thành viên Hội đồng sáng lập ngân hàng.

  1. SHB (551 nghìn tỷ đồng)

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) là ngân hàng lớn thứ 10 ở Việt Nam với tổng tài sản 551 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022, tăng 9% so với một năm trước. Hệ thống của ngân hàng này bao gồm hơn 530 điểm giao dịch trong và ngoài nước.

SHB có mối quan hệ mật thiết với Tập đoàn T&T. Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đang đồng thời giữ chức Tổng giám đốc của T&T và Chủ tịch HĐQT của SHB.