VNReport»Top»10 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới

10 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới

11:55 - 13/09/2022

Trung Quốc có đến 5 trong số 10 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.

Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới hiện nay với tổng công suất lắp đặt hơn 1.300 GW. Đây là một nguồn năng lượng có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải carbon, mặc dù nó vẫn có những tác động tiêu cực khác đến môi trường.

Sau đây là 10 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới tính theo công suất lắp đặt. Có đến 5 trong số các nhà máy dưới đây đặt tại Trung Quốc, trong khi 4 nhà máy khác ở Nam Mỹ.

  1. Tam Hiệp (22,5 GW)

Được xây dựng trên sông Dương Tử, ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, đập Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Đập trọng lực bê tông dài 2,3 km được thiết kế để kiểm soát lũ lớn ở các phần thượng lưu của sông Dương Tử bằng cách chuyển hướng chúng xuống hạ lưu. Được trang bị 34 tua bin phát điện, nhà máy có công suất lắp đặt 22,5 GW.

Hoạt động từ năm 2003, nhà máy thủy điện trị giá 31 tỷ USD là nguồn cung cấp điện chính của miền đông, miền trung và miền nam Trung Quốc. Nó lập kỷ lục thế giới về sản lượng điện trong một năm từ một nhà máy thủy điện vào năm 2020, tạo ra 111.800 GWh điện. Nhà máy giúp tránh việc sử dụng 31,7 triệu tấn than đá, loại bỏ 86,7 triệu tấn carbon dioxide, 19.600 tấn nitơ oxit và 20.600 tấn sulfur dioxide.

Mặc dù con đập giúp sản xuất điện sạch hơn và giảm sự phụ thuộc vào than, nhưng dự án này phải đối mặt với câu hỏi về khả năng chống chọi với lũ lớn. Tam Hiệp ghi nhận đỉnh lũ lớn nhất kể từ khi hoạt động vào tháng 8/2020, sau khi những trận mưa xối xả làm tăng dòng chảy vào đập.

  1. Itaipu (14 GW)

Nhà máy thủy điện Itaipu nằm trên sông Parana, chạy qua biên giới giữa Brazil và Paraguay. Nó có 20 tổ máy phát điện với tổng công suất 14 GW. Thuộc sở hữu của các chính phủ Brazil và Paraguay, dự án được xây dựng bằng 12,3 triệu m3 bê tông. Thép và sắt được sử dụng trong dự án đủ để xây 380 tháp Eiffel.

Con đập dài 7,23 km cao 196 m. Nhà máy Itapu từng giữ kỷ lục thế giới về sản lượng điện hàng năm, sản xuất 103.090 GWh vào năm 2016. Quan trọng với lĩnh vực năng lượng của Brazil và Paraguay, nhà máy đáp ứng 15% nhu cầu điện của Brazil và 90% nhu cầu của Paraguay.

Đây là nhà máy có tổng sản lượng thủy điện cao nhất trong lịch sử. Đến cuối năm 2020, nó đạt sản lượng lũy kế 2,77 triệu GWh kể từ khi đi vào hoạt động năm 1984. Nhà máy được lên kế hoạch nâng cấp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Một chương trình hiện đại hóa dài hạn có thể giúp nhà máy hoạt động bền vững trong nhiều thập kỷ tới.

  1. Khê Lạc Độ (13,9 GW)

Nhà máy thủy điện Khê Lạc Độ trên sông Kim Sa, Trung Quốc, đi vào hoạt động hoàn chỉnh vào năm 2014. 18 tổ máy phát tua bin của nhà máy được lắp đặt cân bằng ở cả bờ trái và phải. Nhà máy thủy điện lớn thứ hai của Trung Quốc, Khê Lạc Độ có đập vòm cong kép bằng bê tông với chiều cao đập tối đa 285,5 m.

Các mục tiêu chính của dự án là phát điện, kiểm soát lũ, cũng như cải thiện điều kiện giao thông thủy. Dự án bao gồm 5 cửa lớn để kiểm soát dòng chảy của sông qua đập.

Nhà máy Khê Lạc Độ là một trong những nguồn năng lượng tái tạo chính ở Trung Quốc, hỗ trợ nỗ lực của đất nước để đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ trong khi giảm lượng khí thải và tiêu thụ than. Nó tạo ra 64.000 GWh năng lượng tái tạo mỗi năm.

  1. Belo Monte (11,2 GW)

Dự án thủy điện Belo Monte nằm trên sông Xingu trong rừng nhiệt đới Amazon ở bang Para, Brazil. Với công suất lắp đặt 11,23 GW, nó tạo ra nguồn điện đủ để đáp ứng 10% tổng nhu cầu năng lượng của Brazil. Công suất lắp đặt tương đương khoảng 7% tổng công suất phát điện của cả nước.

Nhà máy đạt công suất vận hành tối đa vào tháng 11/2019. Nó có 18 tổ máy với công suất 611,11MW mỗi tổ máy trong nhà máy chính và 6 tổ máy 38,85MW trong nhà máy phụ. Nhà máy được xây dựng bằng 3 triệu m3 bê tông và hơn 160.000 tấn thép.

Belo Monte là nhà máy thủy điện 100% vốn lớn nhất của Brazil vì nhà máy Itaipu được chia sẻ với Paraguay. Nhà máy này, được xây dựng trong thời kỳ bùng nổ thủy điện của Brazil, thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến mực nước thấp, cũng như về xã hội và môi trường.

  1. Guri (10,2 GW)

Nhà máy điện Guri trên sông Caroni ở bang Bolívar, Venezuela, bắt đầu hoạt động vào năm 1978, với việc kích hoạt 10 tổ máy phát điện đầu tiên. 10 tổ máy nữa được xây dựng vào năm 1985.

Với công suất lắp đặt 10,23 GW, nhà máy Guri là chìa khóa cho ngành năng lượng của Venezuela, cung cấp khoảng 80% điện năng của đất nước. Một chương trình hiện đại hóa được thực hiện để kéo dài tuổi thọ của nhà máy thêm 30 năm – tập trung vào việc nâng cấp hệ thống điều khiển, bảo vệ và đo đạc của dự án.

Guri – còn được gọi là Nhà máy Thủy điện Simon Bolivar – được tài trợ bởi Chính phủ Venezuela và Ngân hàng Thế giới. Đập trọng lực và kè bằng bê tông có chiều dài 7,42 km và cao 162 m, với hồ chứa rộng khoảng 4.600 km2. Trong những năm qua, tình trạng khô hạn nhiều lần ảnh hưởng đến sản xuất điện. Một đợt hạn hán kéo dài khiến mực nước ở đập Guri giảm mạnh vào năm 2010, gây ra khủng hoảng điện tại Venezuela. Một sự cố lớn khác ở đập vào năm 2019 khiến hầu hết đất nước bị mất điện.

  1. Ô Đông Đức (10,2 GW)

Đập Ô Đông Đức là một đập thủy điện lớn được xây dựng trên sông Kim Sa – một nhánh của sông Dương Tử ở các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc.

Đây là một trong những con đập cao nhất thế giới, với chiều cao 240 m, phát điện bằng 12 tua bin với công suất mỗi tua bin là 850 MW, đạt tổng công suất lắp đặt 10,2 GW.

Đập được khởi công từ năm 2015, với tổ máy đầu tiên vận hành từ tháng 7/2020 và toàn bộ dự án hoàn thành năm 2021. Sản lượng điện hàng năm của dự án ước tính khoảng 38.910 GWh.

  1. Tucurui (8,4 GW)

Đập Tucurui trên sông Tocantins ở bang Para, Brazil, có công suất phát điện 8,37 GW. Hoạt động từ năm 1984, nó đáp ứng khoảng 8% tổng nhu cầu năng lượng của cả nước.

Được xây dựng trong 2 giai đoạn, dự án tập trung vào phát điện và cải thiện giao thông thủy. Nhà máy gồm 25 tổ máy này là dự án thủy điện lớn đầu tiên trong rừng nhiệt đới Amazon của Brazil.

Giai đoạn đầu tiên hoàn thành xây dựng vào năm 1984, trong khi giai đoạn thứ hai hoàn thành vào năm 2010. Giai đoạn đầu tiên có 14 tổ máy phát điện và giai đoạn thứ hai bổ sung thêm 11 tổ máy.

  1. Bạch Hạc Than (8 GW)

Đập Bạch Hạc Than cũng được xây trên sông Kim Sa, Trung Quốc. Đây là một đập vòm cong cao 289 m với chiều dài đỉnh 709 m. Chiều rộng của nó là 72 m ở chân và 13 m ở đỉnh.

Vào tháng 6/2021, 2 tua bin đầu tiên của nhà máy bắt đầu vận hành. Tính đến nay, đã có 8 tua bin vận hành, với tổng công suất lắp đặt 8 GW. Theo quy hoạch, nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than khi hoàn thành sẽ có 16 tua bin với công suất 1 GW mỗi tua bin, đạt tổng công suất lắp đặt 16 GW – lớn hơn tất cả các nhà máy hiện tại trên thế giới trừ Tam Hiệp.

  1. Grand Coulee (6,8 GW)

Đập Grand Coulee có công suất 6,8 GW là nhà máy thủy điện lớn nhất ở Mỹ. Nằm trên sông Columbia ở phía tây Spokane, Washington, nó cũng là một trong những công trình kiến ​​trúc bê tông lớn nhất trên thế giới.

Nhà máy sản xuất tới 21.000 GWh điện mỗi năm. Được xây dựng như một phần của Dự án lưu vực sông Columbia, những mục đích chính của Grand Coulee là thủy điện, tưới tiêu và kiểm soát lũ.

Nguồn điện tạo ra từ dự án được cung cấp cho các bang Idaho, Nevada, Washington, Oregon, Arizona, California, Wyoming, Montana, Utah, New Mexico và Colorado. Dự án Đập Grand Coulee cung cấp năng lượng cho 4,2 triệu hộ gia đình ở Mỹ mỗi năm. Một cuộc đại tu kéo dài nhiều năm đối với nhà máy điện thứ ba của Grand Coulee đang được tiến hành để nâng cao hiệu suất và kéo dài tuổi thọ sử dụng thêm 40 năm.

  1. Hướng Gia Bá (6,4 GW)

Được xây dựng trên sông Kim Sa, một nhánh của sông Dương Tử ở phía tây nam Trung Quốc, nhà máy thủy điện Hướng Gia Bá có công suất 6,44 GW và sản xuất 30.700 GWh điện mỗi năm. Cùng với hồ chứa Tam Hiệp, cơ sở này chịu trách nhiệm kiểm soát lũ ở trung nguồn và hạ nguồn sông Dương Tử.

Tổ máy phát điện đầu tiên bắt đầu hoạt động năm 2012 trong khi tổ máy phát điện cuối cùng được đưa vào hoạt động năm 2014. Nguồn điện tạo ra được kết nối với đường dây dài 2.000 km để truyền tải trực tiếp đến Thượng Hải – một trong những đường dây truyền tải điện dài nhất thế giới.