VNReport»Top»10 nước cấm xuất khẩu nông sản

10 nước cấm xuất khẩu nông sản

09:29 - 31/05/2022

Ngày càng nhiều nước đang ra lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng nông sản để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt trên thị trường thế giới và giá cả tăng cao.

Một trong những hậu quả của chiến tranh Nga – Ukraine là khiến thị trường lương thực toàn cầu rơi vào khủng hoảng vì cả 2 nước là những nhà xuất khẩu lớn các mặt hàng lương thực cơ bản như lúa mì, ngô và dầu hướng dương.

Điều này khiến giá lương thực thế giới tăng vọt và làm cho nhiều nước sử dụng biện pháp cấm xuất khẩu để đảm bảo an ninh lượng thực trong nước. Tuy nhiên, những lệnh cấm này có thể làm cho tình hình trầm trọng hơn, đặc biệt đối với những nước phải nhập khẩu lương thực.

  1. Nga

Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/5 thị trường xuất khẩu toàn cầu. Năm 2021, nước này đã thiết lập hạn ngạch xuất khẩu để kiềm chế lạm phát giá lương thực trong nước.

Sau khi phát động chiến tranh ở Ukraine và bị phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt, Nga quyết định cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng, trong đó có các mặt hàng nông nghiệp như lúa mì, hạt hướng dương và đường.

  1. Ukraine

Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 thế giới, chiếm khoảng 9% thị trường xuất khẩu toàn cầu. Do chiến tranh, chính phủ nước này đã cấm xuất khẩu các mặt hàng lương thực cơ bản bao gồm lúa mì, yến mạch và đường để đảm bảo nguôc cung trong nước.

Cũng là nước xuất khẩu dầu hướng dương hàng đầu thế giới, Ukraine vẫn cho phép xuất khẩu mặt hàng này, nhưng chiến tranh làm gián đoạn khả năng vận chuyển các chuyến hàng ra nước ngoài.

  1. Indonesia

Indonesia – nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới – quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng này vào cuối tháng 4 nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và giảm giá trong nước. Chính phủ nước này cho biết người dân Indonesia thiếu hụt dầu ăn do các nhà sản xuất đầy mạnh xuất khẩu khi giá dầu thực vật tăng trên thị trường quốc tế sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.

Động thái này khiến giá dầu thực vật các loại trên thế giới đều tăng vọt.

  1. Ấn Độ

Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì nhằm giảm giá trong nước, mặc dù trước đó đặt mục tiêu xuất khẩu kỷ lục 10 triệu tấn trong năm nay. Chính quyền cho biết giá lúa mì trong nước đã tăng lên mức cao kỷ lục, khoảng 25.000 rupee (7,5 triệu đồng)/tấn. Cùng với giá nhiên liệu, giá thực phẩm đẩy lạm phát của Ấn Độ lên gần mức cao nhất trong 8 năm.

Động thái bất ngờ này của nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới khiến giá lúa mì trên các thị trường toàn cầu tăng vọt.

  1. Argentina

Để kiềm chế lạm phát – lên tới 50,9% trong năm 2021 – Argentina đã cấm xuất khẩu tất cả các sản phẩm thịt vào tháng 5 năm ngoái. Đến nay, một số hạn chế đã được nới lỏng, nhưng nước này vẫn cấm xuất khẩu 7 loại thịt bò cho đến năm 2023. Argentina là nước xuất khẩu thịt bò lớn thứ 5 thế giới, chiếm khoảng 6% thị trường toàn cầu.

Nước này cũng là nhà xuất khẩu khô dầu đậu tương và dầu đậu tương lớn nhất thế giới, nhưng đã quyết định tạm dừng xuất khẩu các mặt hàng này vào tháng 3 năm nay.

  1. Kazakhstan

Kazakhstan cấm xuất khẩu lúa mì và bột mì đến ngày 15/6, nhằm đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực trong nước. Giá lúa mì ở Kazakhstan đã tăng hơn 30% kể từ khi bùng nổ chiến tranh Nga-Ukraine.

Kazakhstan là một nhà xuất khẩu lúa mì lớn, chiếm khoảng 4% thị trường xuất khẩu toàn cầu. Họ là nhà cung cấp quan trọng cho các nước láng giềng Trung Á như Uzbekistan.

  1. Ai Cập

Đầu tháng 3, Ai Cập cho biết nước này sẽ cấm xuất khẩu các mặt hàng lương thực chủ lực, bao gồm lúa mì và bột mì, nhằm bảo vệ kho dự trữ lương thực trước tác động từ chiến tranh Nga-Ukraine.

Ai Cập nhập khẩu phần lớn lúa mì từ Nga và Ukraine, sử dụng nguồn cung này để thực hiện chương trình trợ cấp bánh mì cho hàng triệu người. Giá lúa mì thế giới tăng gây áp lực hơn nữa cho giá cả nước này, khi lạm phát đã tăng lên mức 8,8% vào tháng 2.

  1. Thổ Nhĩ Kỳ

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lệnh cấm tạm thời các mặt hàng nông sản xuất khẩu bao gồm ngũ cốc, dầu ăn, thịt bò, thịt cừu, thịt dê và bơ đến hết năm nay nhằm ổn định giá cả trong nước.

Giá thực phẩm ở Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cao và nước này phụ thuộc nhiều vào Ukraine và Russia cho nguồn cung ngũ cốc và dầu ăn.

  1. Serbia

Ngày 10/3, chính quyền Serbia áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì, yến mạch, dầu hướng dương và một số nông sản khác, với lý do là để phản ứng với những gián đoạn ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Sau đó, vào tháng 4, nước này nới lỏng các lệnh cấm trên, thay vào đó sử dụng hạn ngạch xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản theo từng tháng.

  1. Tunisia

Tunisia cấm xuất khẩu các loại rau quả tươi tới tất cả các nước, với lý do là để giảm bớt sự thiếu hụt trong nước và giảm giá sau khi ghi nhận mức giá kỷ lục từ đầu tháng lễ Ramadan năm nay. Ramadan là tháng lễ mà người Hồi giáo tiêu thụ nhiều rau quả tươi.

Lệnh cấm của Tunisia ảnh hưởng lớn đến nước láng giềng Libya – nhà nhập khẩu lớn nhất rau quả của Tunisia.