VNReport»Top»10 nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam nhất

10 nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam nhất

14:46 - 26/04/2022

Trung Quốc là nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất của Việt Nam trước đại dịch. Việc nước này đóng cửa biên giới vô thời hạn ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi của du lịch Việt Nam trong năm nay.

Trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch quốc tế. Năm 2019, nước ta đón trên 18 triệu lượt khách từ nước ngoài, tăng 16,2% so với năm 2018.

Nhưng ngành du lịch gần như “đóng băng” trong 2 năm qua. Sang năm 2022, khi mở cửa trở lại, đất nước đặt mục tiêu đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, bằng khoảng 1/4 lượng khách so với trước đại dịch.

Để hồi phục mạnh mẽ, ngành du lịch Việt Nam cần thu hút trở lại các thị trường nguồn lớn của mình. Tuy nhiên, một số thị trường nguồn như Trung Quốc đang gặp các vấn đề của riêng mình.

Sau đây là 10 nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam nhất trong năm 2019, theo số liệu trong Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2019 của Tổng cục Du lịch.

  1. Trung Quốc (5,8 triệu lượt khách)

Trung Quốc là thị trường nguồn lớn nhất, không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2019, 5,8 triệu lượt khách từ nước này đã đến Việt Nam, con số cao thứ 2 về thu hút khách Trung Quốc trong khu vực sau Thái Lan (11,0 triệu lượt khách).

Số lượng khách Trung Quốc năm đó chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong giai đoạn 2015-2019, khách Trung Quốc đến nước ta tăng 3,3 lần, trung bình 34,4% mỗi năm.

Với việc Trung Quốc đóng cửa biên giới vô thời hạn theo chính sách “zero Covid”, nhiều khả năng ngành du lịch Việt Nam sẽ không có được động lực nào từ thị trường này trong năm nay.

  1. Hàn Quốc (4,3 triệu lượt khách)

Du khách Hàn Quốc rất ưa thích Việt Nam, với số khách năm 2019 lên tới 4,3 triệu lượt, nhiều hơn số khách Hàn Quốc đến tất cả các nước Đông Nam Á khác cộng lại. Lượng khách Hàn Quốc năm đó chiếm 23,8% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam.

Trong giai đoạn 2015-2019, khách Hàn Quốc đến nước ta tăng 3,9 lần, tương đương 40,1% mỗi năm – cao nhất trong các thị trường nguồn. Riêng trong năm 2019, con số này tăng 23,1% – mức tăng trưởng rất ấn tượng khi số lượt người Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài chỉ tăng 0,1%.

Ngày càng nhiều khách Hàn Quốc chọn Việt Nam làm điểm du lịch vì quan hệ hợp tác, giao lưu giữa 2 nước được tăng cường, kết nối hàng không mở rộng, và thị trường Việt Nam đang có nhiều hơn các sản phẩm du lịch phục vụ khách Hàn Quốc.

  1. Nhật Bản (952 nghìn lượt khách)

Nhật Bản là thị trường nguồn khách du lịch lớn thứ 3 của Việt Nam, mặc dù số khách năm 2019 chỉ bằng chưa đến 1/4 so với Hàn Quốc, đạt 952 nghìn lượt.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019, lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng chậm, ở mức 9,1%/năm. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng lên cao nhất trong giai đoạn này với mức tăng 15,2%.

  1. Đài Loan (927 nghìn lượt khách)

Năm 2019, gần 927 nghìn lượt khách Đài Loan đến du lịch tại Việt Nam. Con số đó tăng đến gần 30% so với năm 2018. Trong giai đoạn 2015-2019, lượng khách Đài Loan đến Việt Nam tăng 2,1 lần, bình quân 20,5% mỗi năm.

Việt Nam dẫn đầu trong số các nước ASEAN về thu hút khách Đài Loan. Năm 2019 cũng là năm lượng khách Đài Loan đến Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2015-2019.

  1. Mỹ (746 nghìn lượt khách)

Trong năm 2019, Mỹ duy trì vị trí thứ 5 trong danh sách các thị trường nguồn lớn nhất của du lịch Việt Nam. Lượng khách Mỹ đến Việt Nam trước đại dịch đạt 746 nghìn lượt, cao nhất trong số các thị trường nguồn ngoài khu vực Đông Á.

Số lượng khách Mỹ đến du lịch ở nước ta năm 2019 tăng 8,6%, và tăng 1,5 lần so với năm 2015, bình quân 11% mỗi năm trong giai đoạn này.

Thông thường, khách Mỹ đến Việt Nam cao nhất vào những tháng đầu năm. Việc mở các đường bay thẳng đến Mỹ năm nay có thể sẽ thu hút thêm khách từ thị trường này.

  1. Nga (647 nghìn lượt khách)

Việt Nam thu hút 647 nghìn lượt khách du lịch đến từ Nga – con số nhiều thứ 2 trong khu vực ASEAN sau Thái Lan. Đáng chú ý, khách Nga có thời gian lưu trú và mức chi tiêu cao nhất trong số các thị trường nguồn của Việt Nam, ghi nhận các mức trung bình tương ứng là 15,33 ngày và 1.830,1 USD.

Năm 2019, lượng khách Nga đến Việt Nam tăng 6,6% và cao hơn 1,9 lần so với năm 2015 – tăng bình quân 17,5% mỗi năm trong giai đoạn này. Khách Nga thường chọn đến Việt Nam vào những tháng mùa đông.

Năm nay, lượng khách Nga đến Việt Nam nhiều khả năng vẫn kém xa mức trước đại dịch do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh giữa nước này với Ukraine.

  1. Malaysia (606 nghìn lượt khách)

Trong số các thị trường nguồn trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia có lượng khách đến Việt Nam đông đảo nhất, ghi nhận 606 nghìn lượt trong năm 2019, tăng 12,2% so với năm trước.

Trong giai đoạn 2015-2019, lượng khách Malaysia đến Việt Nam tăng trưởng tương đối ổn định, trung bình 15% mỗi năm. Ở chiều ngược lại, cũng có đến hơn 400.000 lượt khách Việt Nam đến du lịch Malaysia,

  1. Thái Lan (510 nghìn lượt khách)

Năm 2019, Thái Lan là thị trường nguồn có tốc độ tăng trưởng khách đến Việt Nam cao nhất: tăng 45,9% so với năm trước lến 510 nghìn lượt. Điều đó giúp nước này vượt Úc để trở thành thị trường nguồn lớn thứ 8 của du lịch Việt Nam.

Trong giai đoạn 2015-2019, lượng khách Thái Lan đến Việt Nam tăng đến 2,4 lần, tương đương bình quân 24,1% mỗi năm. Trong bối cảnh kết nối hàng không giữa 2 nước ngày càng thuận tiện, đây là một thị trường nguồn có thể hồi phục mạnh mẽ trong năm nay.

  1. Úc (384 nghìn lượt khách)

Năm 2019, Úc là thị trường nguồn du lịch duy nhất của Việt Nam chứng kiến lượng khách giảm so với năm 2018. Theo đó, nước này tụt xuống vị trí thứ 9 trong danh sách với 384 nghìn lượt khách đến Việt Nam trước đại dịch.

Trong những năm trước đó, lượng khách Úc đến Việt Nam có tăng trưởng nhưng không đặc biệt mạnh, đạt trung bình 6%/năm trong giai đoạn 2015-2019.

Du khách Úc đến Việt Nam có mức chi tiêu cao, trung bình 1.541,66 USD/lượt khách.

  1. Anh (315 nghìn lượt khách)

Sau Nga, du khách Anh đến Việt Nam có thời gian lưu trú và mức chi tiêu nhiều thứ 2, lần lượt ghi nhận mức bình quân 14,46 ngày và 1.715,82 USD, theo kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch.

Năm 2019, có hơn 315 nghìn lượt khách Anh đến Việt Nam, tăng nhẹ 5,7% và tăng bình quân 10,3%/năm từ năm 2015 đến trước đại dịch.

Anh nói chung, và các nước Tây Âu nói riêng, có xu hướng chi tiêu cao, thời gian lưu trú lâu dài và được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam thường xuyên tổ chức các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở Tây Âu để thúc đẩy khai thác các thị trường tiềm năng này.