VNReport»Top»10 nước thu hút nhiều FDI nhất

10 nước thu hút nhiều FDI nhất

15:28 - 13/10/2021

FDI toàn cầu nhìn chung giảm mạnh trong năm ngoái, nhưng một số nước vẫn chứng kiến sự tăng trưởng.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là các khoản đầu tư dưới hình thức sở hữu chỉ phối của cá nhân hay công ty nước này vào một doanh nghiệp tại công ty nước khác. Với nhiều quốc gia trên thế giới, FDI là động lực quan trọng của nền kinh tế vì tạo ra việc làm, thu nhập và cơ hội cải thiện thị trường, công nghệ cho nước sở tại.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, FDI toàn cầu giảm mạnh 42%, xuống chỉ còn 859 tỷ USD từ 1,5 nghìn tỷ USD trong năm 2019, theo số liệu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

  1. Mỹ (156 tỷ USD)

Mỹ thu hút FDI nhiều nhất thế giới trong năm 2020, đạt 156 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này giảm mạnh hơn 40% so với năm 2019, khi nước này thu hút 261 tỷ USD vốn FDI.

Mỹ thu hút nhiều FDI nhờ vào cơ sở người tiêu dùng lớn, hệ thống tư pháp minh bạch và ổn định, lực lượng lao động hiệu quả, cơ sở hạ tầng phát triển cao và môi trường kinh doanh thúc đẩy sự đổi mới. Các quốc gia đầu tư chính ở Mỹ là Anh, Canada, Nhật Bản, Đức, Ireland và Pháp. Hầu hết các khoản đầu tư này là vào các hoạt động sản xuất, tài chính, bảo hiểm và thương mại.

  1. Trung Quốc (149 tỷ USD)

Trung Quốc là một trong số các nước chứng kiến dòng vốn FDI tăng trong năm ngoái, đạt 149 tỷ USD so với con số 141 tỷ USD của năm 2020. Đây là kết quả của chiến dịch kiểm soát dịch bệnh thành công, giúp nước này là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương trong năm ngoái.

70% FDI vào Trung Quốc thuộc về lĩnh vực dịch vụ và dòng vốn nước ngoài đang tăng trưởng nhanh trong các ngành công nghệ. Tổng FDI lũy kế tính đến hết năm 2020 đạt 1.918 tỷ USD, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2010, khi con số này mới chỉ là 587 tỷ USD.

  1. Hong Kong (119 tỷ USD)

Dòng vốn FDI vào Hong Kong tăng trưởng ở mức rất ấn tượng là 62%, lên 119 tỷ USD trong năm ngoái, với động lực chính là dòng vốn từ Trung Quốc đại lục. FDI Trung Quốc đóng góp 28% vào lượng vốn FDI lũy kế ở Hong Kong tính đến hết năm 2020, và đang tăng lên nhanh chóng.

Hong Kong là trung tâm cho trụ sở khu vực của các tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy, vốn FDI vào thành phố này chủ yếu ở các lĩnh vực dịch vụ như tài chính.

  1. Singapore (91 tỷ USD)

Singapore chứng kiến dòng vốn FDI giảm nhẹ từ 92 tỷ USD trong năm 2019 xuống còn 91 tỷ USD năm ngoái. Tổng vốn lũy kế mà nước này thu hút tính đến cuối năm 2020 là khoảng 1.7 nghìn tỷ USD.

Các nhà đầu tư chính vào Singapore là Mỹ, Quần đảo Cayman, Quần đào Virgin thuộc Anh và Hà Lan. Các lĩnh vực thu hút đầu tư chủ chốt ở quốc gia Đông Nam Á này là bảo hiểm và tài chính, chiếm hơn một nửa vốn FDI lũy kế. Theo sau là bán buôn, bán lẻ và sản xuất.

  1. Ấn Độ (64 tỷ USD)

Ấn Độ thu hút lượng vốn FDI kỷ lục trong năm 2020, đạt 64 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước. Tính đến hết năm, tổng vốn FDI lũy kế vào Ấn Độ đạt 480 tỷ USD.

Mặc dù gặp khó khăn vì Covid-19, Ấn Độ vẫn thu hút vốn đầu tư mạnh nhờ các thương vụ mua lại trong ngành công nghệ thông tin và xây dựng. Giá trị các thương vụ mua lại xuyên biên giới tăng 83% lên 27 tỷ USD trong năm ngoái.

Sự tăng trưởng FDI trong những năm qua ở Ấn Độ là nhờ lực lượng lao động giá rẻ có khả năng nói tiếng Anh tốt và thị trường tiềm năng hơn 1 tỷ người.

  1. Luxembourg (62 tỷ USD)

Luxembourg có môi trường kinh doanh phù hợp với đầu tư nước ngoài, với hệ thống thuế rất hấp dẫn. Trong năm 2020, dòng vốn FDI vào nước này đạt 62 tỷ USD, tăng hơn 4 lần so với năm 2019, đưa tổng FDI lũy kế lên gần 200 tỷ USD.

Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một nửa nguồn vốn nước ngoài mà Luxembourg nhận được đến từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU), mặc dù nhà đầu tư số một là Bermuda (chiếm 13,5%). Các hoạt động tài chính và bảo hiểm chiếm 81,6% dòng vốn FDI vào nước này.

  1. Đức (36 tỷ USD)

Đức được coi là một điểm đến hấp dẫn cho FDI, nhưng cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro sau đó đã ảnh hưởng đến FDI trong những năm gần đây.

Năm 2020, dòng vốn FDI vào Đức giảm gần 34% xuống còn 36 tỷ USD, so với 54 tỷ USD năm trước, bất chấp lượng giao dịch sáp nhập và mua lại xuyên biên giới tăng. Tổng vốn FDI lũy kế của Đức cũng đã vượt 1.000 tỷ USD trong năm qua. Các khoản đầu tư tập trung vào tài chính và bảo hiểm, sản xuất và thương mại, công nghệ thông tin, bất động sản.

  1. Ireland (33 tỷ USD)

Với mức thuế thu nhập doanh nghiệp vào hàng thấp nhất thế giới, Ireland là một điểm đến hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia. Mỹ là nước đầu tư nhiều nhất vào Ireland, sau đó là các trung tâm tài chính nước ngoài như Luxembourg. Dòng vốn FDI chủ yếu nhắm vào các ngành sản xuất, trung gian tài chính, công nghệ thông tin và dịch vụ hành chính.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, dòng vốn FDI vào Ireland giảm mạnh 59% xuống còn 33 tỷ USD, đưa tổng vốn lũy kế lên mức 1.350 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

  1. Mexico (29 tỷ USD)

Mexico là một trong những nền kinh tế mới nổi mở cửa nhất với FDI. Trong năm 2020, dòng vốn vào nước này đạt 29 tỷ USD, giảm 15% so với năm trước, mức giảm thấp so với các nước khác trong cùng khu vực. Tổng vốn FDI lũy kế đạt 597 tỷ USD.

Nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ Mỹ, Tây Ban Nha, Canada và Đức. Các lĩnh vực nhận được đầu tư nước ngoài lớn là sản xuất (đặc biệt là sản xuất ô tô), dịch vụ tài chính và bảo hiểm, thương mại, và viễn thông. Các vùng gần biên giới Mỹ của Mexico – nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất – nhận hầu hết FDI,

  1. Thụy Điển (26 tỷ USD)

Dòng vốn FDI vào Thụy Điển tăng bất chấp đại dịch Covid-19 lên 26 tỷ USD trong năm ngoái, cao hơn 158% so với mức 10 tỷ USD của năm 2019, nâng tổng vốn lũy kế lên 409 tỷ USD.

Luxembourg, Thụy Sĩ và Anh là các nhà đầu tư lớn vào Thụy Điển. Lĩnh vực chủ chốt thu hút đầu tư nước ngoài là sản xuất, sau đó là thương mại. Lý do giúp nước này thu hút nhà đầu tư nước ngoài là lực lượng lao động chất lượng cao và đa ngôn ngữ, sức mua trên đầu người rất cao, và nền kinh tế đi đầu trong công nghệ và đổi mới.