VNReport»Top»10 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới

10 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới

16:18 - 17/12/2021

Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ. Các nước châu Á chiếm hầu hết các vị trí dẫn đầu trong danh sách.

Gạo là loại lương thực hàng đầu của hơn một nửa thế giới, tập trung chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Vì đây là loại cây trồng phù hợp với khí hậu nóng ẩm, các nước Nam Á và Đông Nam Á phát triển rất mạnh ngành nông nghiệp lúa gạo.

Sau đây là 10 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới trong năm thương mại 2020/2021 (từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021). Dữ liệu về sản lượng xuất khẩu do Statista thu thập.

  1. Ấn Độ (15,5 triệu tấn)

Trong năm thương mại 2020/2021, Ấn Độ có sản lượng xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, ở mức 15,5 triệu tấn. Nước này cũng là nhà sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, với sản lượng 120 triệu tấn trong cùng năm, chiếm 20% tổng sản lượng toàn cầu.

Lúa gạo là cây trồng chính của Ấn Độ và là loại lương thực quan trọng nhất đối với người dân ở các vùng phía đông và phía nam đất nước. Về xuất khẩu, gạo Ấn Độ chủ yếu được vận chuyển đến các nước láng giềng Nam Á và châu Phí. Nước này cũng xuất khẩu khoảng 4,4 triệu tấn gạo Basmati mỗi năm. Đây là loại gạo đặc trưng của vùng nam Á với hạt dài và có mùi thơm.

  1. Việt Nam (6,4 triệu tấn)

Gạo là lương thực chủ yếu của người Việt Nam, với mức tiêu thụ đứng thứ 5 thế giới. Nguồn đất đai nông nghiệp dồi dào và điều kiện phù hợp với lúa gạo giúp Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ 2 trên thế giới, đạt sản lượng xuất khẩu 6,4 triệu tấn trong năm thương mại 2020/2021. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là Philippines, Trung Quốc và các nước châu Phi.

Khoảng 80% đất canh tác của Việt Nam được dùng để trồng lúa. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là khu vực trồng lúa lớn nhất của đất nước, thường được gọi là “vựa lúa” của Việt Nam. Khu vực này có đến 80% người dân tham gia trồng lúa, đóng góp hơn 50% sản lượng gạo và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của đất nước.

  1. Thái Lan (6,2 triệu tấn)

Sản xuất gạo là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế và cơ cấu lao động của Thái Lan. Nước này sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo mỗi năm, và trong năm thương mại 2020/2021, 6,2 triệu tấn trong số đó được xuất khẩu sang các nước bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Canada, các nước Đông Nam Á…

Ngành lúa gạo đóng góp 15% vào tổng giá trị toàn nền nông nghiệp Thái Lan. Nước này nổi tiếng với giống gạo jasmine (gạo thơm hoa nhài). Loại gạo này thường có giá gấp đôi các loại gạo khác trên thị trường thế giới, nhưng có năng suất thấp hơn đáng kể.

  1. Pakistan (4 triệu tấn)

Lúa gạo là một cây trồng quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp Pakistan. Vụ lúa quan trong nhất là vào mùa mưa, từ khoảng tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, còn gọi là vụ Kharif. Các vùng trồng lúa chính nằm ở phía nam và phía đông nước này.

2E6HEP2 Women plant rice in a field outside Lahore, Pakistan July 12, 2016. REUTERS/Caren Firouz TPX IMAGES OF THE DAY

Trong năm thương mại 2020/2021, nước này xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng 7,4 triệu tấn. Các thị trường xuất khẩu chính của Pakistan là những nước láng giềng Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Giống như Ấn Độ, Pakistan là nhà sản xuất lớn của loại gạo Basmati.

  1. Mỹ (3 triệu tấn)

Sau ngô và lúa mỳ, lúa gạo là cây lương thực được trồng phổ biến thứ 3 ở Mỹ. Nước này xuất khẩu 3 triệu tấn gạo trong năm thương mại 2020/2021, đến các thị trường chính là Mexico, châu Mỹ Latinh, Đông Bắc Á, Trung Đông, châu Âu, châu Phi.

Lúa gạo ở Mỹ được trồng chủ yếu ở 6 bang, bao gồm 5 bang ở miền nam đất nước và California. Mỹ xuất khẩu nhiều sản phẩm gạo gồm gạo thô, gạo đồ, gạo lứt và gạo xay. Trong đó, gạo thô chiếm 1/3 sản lượng xuất khẩu, và Mỹ là nước duy nhất xuất khẩu loại gạo này.

  1. Trung Quốc (2,3 triệu tấn)

Trung Quốc là nhà sản xuất gạo số một thế giới, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng toàn cầu với năng suất hơn 140 triệu tấn mỗi năm. Nước này cũng tiêu thụ nhiều gạo nhất thế giới. Vì vậy, sản lượng xuất khẩu gạo của Trung Quốc chỉ đạt 2,3 triệu tấn trong năm thương mại 2020/2021.

Lúa gạo được trồng trên khắp Trung Quốc và được cho là đã được thuần hóa ở vùng đồng bằng sông Dương Tử vào khoảng 7.000 năm trước Công nguyên. Gạo là loại lương thực hàng đầu cho khoảng 2/3 dân số đất nước, với mức tiêu thụ bình quân hàng năm khoảng 77 kg/người.

  1. Myanmar (2,1 triệu tấn)

Myanmar là nước sản xuất và xuất khẩu gạo đứng thứ 7 thế giới, đạt lần lượt 12,7 triệu tấn và 2,1 triệu tấn trong năm thương mại gần nhất. Ngành lúa gạo chiếm khoảng 43% tổng sản lượng nông nghiệp của Myanmar. Trong 67,6 triệu ha lãnh thổ của Myanmar, khoảng 12,8 triệu ha được dùng để trồng lúa.

Lúa gạo là cây trồng truyền thống của nước này. Cho đến nay, việc trồng lúa vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp canh tác truyền thống, sử dụng sức người và sức động vật. Nhưng các phương pháp canh tác hiện đại đang được giới thiệu nhờ hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Myanmar là Trung Quốc và ASEAN.

  1. Campuchia (1,45 triệu tấn)

Gạo là lương thực chủ lực của Campuchia, và nước này xuất khẩu 1,45 triệu tấn gạo trong năm thương mại 2020/2021. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của nước này là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Lúa gạo được trồng trên khắp Campuchia. Trong đó, khu vực đạt năng suất cao nhất nằm gần Biển Hồ. Nước này có 2 vụ lúa chính mỗi năm, vụ dài vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 12, và vụ ngắn vào mua khô, từ tháng 11 đến tháng 2. Trong đó, vụ mùa mưa thường chiếm khoảng 85% tổng sản lượng gạo của Campuchia. Năng suất trên ha của lúa gạo Campuchia thuộc hàng thấp nhất châu Á.

  1. Brazil (900.000 tấn)

Brazil từng là nước nhập khẩu gạo trong những năm 1980 và 1990, đạt mức đỉnh 2 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu từ các nước láng giềng Uruguay và Argentina. Nhưng tình hình sản xuất của nước này đã được cải thiện nhiều nhờ việc mở rộng diện tích canh tác. Trong năm thương mại 2020/2021, Brazil xuất khẩu 900.000 tấn gạo.

Bang Rio Grande do Sul ở cực nam của Brazil là vùng sản xuất lúa gạo chính của đất nước, chiếm khoảng 70% sản lượng gạo toàn quốc.

  1. Uruguay (780.000 tấn)

Uruguay xuất khẩu 780.000 tấn gạo trong năm thương mại 2020/2021. Đây là mặt hàng nông sản quan trọng thứ 3 ở nước này, sau thịt bò và len. Lúa gạo chủ yếu được trồng ở phía bắc, đông bắc và phía đông. Khoảng 90% sản lượng gạo của Uruguay được dùng để xuất khẩu, chủ yếu sang Brazil.

Trong thập niên 1980 và 1990, sản lượng gạo tăng mạnh nhờ diện tích canh tác tăng đồng thời với năng suất được cải thiện thông qua các giống lúa mới. Nhưng sản lượng gạo của Uruguay chững lại trong những năm gần đây.