VNReport»Top»10 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới

10 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới

15:10 - 23/08/2022

Các quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới nằm giữ khối tài sản trị giá hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ USD.

Quỹ đầu tư quốc gia là một quỹ đầu tư do nhà nước sở hữu. Các quỹ này thường lấy nguồn tiền từ dự trữ ngoại hối hoặc lợi nhuận dầu lửa.

Theo dữ liệu do Statista tổng hợp tính đến tháng 6/2022, dưới đây là 10 quỹ đầu tư quốc giá lớn nhất thế giới, tính theo giá trị tài sản quản lý.

  1. Quỹ Quản lý Đầu tư Norges Bank (Na Uy)

Quỹ Quản lý Đầu tư Norges Bank, viết tắt là NBIM, là đơn vị đầu tư thuộc ngân hàng trung ương Na Uy. NBIM chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hưu trí chính phủ toàn cầu của Na Uy – một quỹ đầu tư bằng nguồn lợi nhuận khổng lồ từ dầu lửa của đất nước Bắc Âu. NBIM cũng quản lý kho dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương.

NBIM đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu quốc tế, các tài sản thị trường tiền tệ và chứng khoán phái sinh, với tổng giá trị tài sản 1,36 nghìn tỷ USD tính đến tháng 6/2022 – là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.

  1. Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc

Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc (CIC) chịu trách nhiệm quản lý một phần dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. CIC được thành lập năm 2007 với giá trị tài sản quản lý khoảng 200 tỷ USD. Tính đến giữa năm 2022, giá trị tài sản quản lý của đơn vị này ước tính 1,22 nghìn tỷ USD – là quỹ đầu tư nhà nước lớn nhất Trung Quốc và thứ hai thế giới.

Ngoài chứng khoán niêm yết công khai, CIC cũng đầu tư vào chứng khoán tư nhân và bất động sản. Đáng chú ý, hơn một nửa quỹ này được đầu tư vào các tài sản ở Mỹ tính đến cuối năm 2020.

  1. Cơ quan Quản lý Nhà nước về Ngoại hối (Trung Quốc)

Cơ quan Quản lý Nhà nước về Ngoại hối (SAFE) là cơ quan thuộc Quốc vụ Viện Trung Quốc chịu trách nhiệm soạn thảo luật và quy định về thị trường ngoại hối, cũng như quản lý dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Tại thời điểm giữa năm 2022, SAFE đang quản lý số tài sản trị giá 980 tỷ USD.

SAFE có chi nhánh và văn phòng trên khắp các địa phương của Trung Quốc, cũng như ở Hong Kong, Singapore, London và New York.

  1. Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (UAE)

Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (ADIA) là quỹ đầu tư quốc gia thành lập bởi Tiểu vương quốc Abu Dhabi (thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE). Mục đích là thay mặt Chính phủ Abu Dhabi đầu tư lợi nhuận dư thừa từ dầu mỏ của Tiểu vương quốc.

Được thành lập từ năm 1976, ADIA là một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới với giá trị tài sản quản lý ước tính khoảng 829 triệu USD. Danh mục đầu tư của ADIA bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, cơ sở hạ tầng, bất động sản, cổ phần tư nhân và thậm chí là các quỹ đầu tư mạo hiểm.

  1. Tổng công ty Đầu tư Chính phủ Singapore

Tổng công ty Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) là quỹ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý dự trữ ngoại hối của quốc đảo này. Được thành lập năm 1981, nhiệm vụ của nó là duy trì và tăng cường sức mua quốc tế của dự trữ ngoại hối, đạt lợi suất cao hơn lạm phát toàn cầu trong dài hạn.

Với mạng lưới 10 văn phòng ở các thủ đô tài chính lớn trên thế giới, GIC đầu tư vào chứng khoán ở các thị trường phát triển cũng như mới nổi, cổ phần tư nhân và bất động sản. Giá trị tài sản của quỹ được ước tính là 799 tỷ USD vào tháng 6/2022.

  1. Cơ quan Đầu tư Kuwait

Cơ quan Đầu tư Kuwait (KIA) là quỹ đầu tư nhà nước lâu đời nhất thế giới, được thành lập ngày 23/21953 để quản lý tài sản của Chính phủ Kuwait, thu được từ lợi nhuận dầu mỏ.

Ban giám đốc của KIA do bộ trưởng tài chính Kuwait đứng đầu, với các vị trí khác được phân bổ cho bộ trưởng năng lượng, thống đốc ngân hàng trung ương, thứ trưởng bộ tài chính và 5 chuyên gia khác. Giá trị tài sản do KIA quản lý hiện khoảng 693 tỷ USD.

  1. Quỹ Đầu tư Công (Ả Rập Xê Út)

Quỹ Đầu tư Công (PIF) của Ả Rập Xê Út là một trong những quỹ đầu tư nhà nước lớn nhất thế giới với giá trị tài sản quản lý 620 tỷ USD. Nó được lập ra vào năm 1971 để thay mặt nhà nước Ả Rập Xê Út đầu tư thặng dư từ dầu mỏ. Chủ tịch hiện tại của PIF là Thái tử Mohammed bin Salman, người cũng là nhà lãnh đạo trên thực tế của đất nước.

PIF bị một số tổ chức đánh giá là một trong những quỹ đầu tư nhà nước thiếu minh bạch nhất. Năm 2021, PIF dẫn đầu một liên minh mua lại câu lạc bộ Newcastle United thuộc giải bóng đá Ngoại hạng Anh.

  1. Cơ quan Tiền tệ Hong Kong

Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) đóng vai trò như một ngân hàng trung ương của Đặc khu Hành chính Hong Kong, được thành lập vào năm 1993. HKMA báo cáo trực tiếp lên Bộ trưởng Tài chính Hong Kong.

Cơ quan này quản lý dự trữ ngoại hối của Hong Kong – một trong những trung tâm tài chính lớn của châu Á và thế giới. Tính đến tháng 6/2022, giá trị tài sản quản lý của HKMA là 587 tỷ USD.

  1. Quỹ An sinh Xã hội Quốc gia (Trung Quốc)

Quỹ An sinh Xã hội Quốc gia (NSSF) là một quỹ quản lý nguồn tài chính cho lĩnh vực an sinh xã hội của Trung Quốc. Quỹ này được thành lập vào năm 2000.

NSSF có giá trị tài sản quản lý ước tính 452 tỷ USD, trong đó một phần nhỏ là tài sản quốc tế và hầu hết là tài sản trong nước. Những kênh đầu tư chính của quỹ này bao gồm trái phiếu, cổ phiếu, tài sản cổ phần và tiền mặt.

  1. Cơ quan Đầu tư Qatar

Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) do Nhà nước Qatar thành lập vào năm 2005, để tăng cường nền kinh tế Qatar thông qua đa dạng hóa vào các lớp tài sản mới. Tính đến giữa năm 2022, giá trị của quỹ ước tính là 445 tỷ USD.

QIA chú trọng đầu tư vào châu Âu, từng nắm giữ cổ phần ở sân bay Heathrow (London), Volkswagen, Barclays. Quỹ cũng sở hữu nhiều bất động sản ở London và New York. Năm 2011, QSI – một đơn vị thuộc QIA – mua lại câu lạc bộ bóng đá Pháp Paris Saint-Germain