VNReport»Top»10 sân bay quốc tế ở Việt Nam

10 sân bay quốc tế ở Việt Nam

12:14 - 15/09/2022

Các sân bay quốc tế lâu đời nhất được xây dựng từ thời Pháp thuộc, trong khi sân bay quốc tế mới nhất là Vân Đồn khánh thành vào năm 2018.

Sự phát triển của lĩnh vực hàng không khiến ngày càng nhiều sân bay được xây dựng trong thời gian gần đây và được lên kế hoạch xây dựng trong thời gian tới. Hiện nay, Việt Nam có 22 sân bay dân sự đang hoạt động, trong đó có 10 sân bay quốc tế. Các sân bay quốc tế lâu đời nhất được xây dựng từ thời Pháp thuộc, trong khi sân bay quốc tế mới nhất là Vân Đồn mới đi vào hoạt động từ năm 2018.

  1. Tân Sơn Nhất

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay bận rộn nhất ở Việt Nam, phục vụ hơn 40 triệu lượt hành khách vào năm 2019. Sân bay này phục vụ TP HCM cũng như vùng Đồng Nam Bộ. Vì lượng hành khách đi qua sân bay lớn hơn đáng kể so với năng lực phục vụ, Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn.

Khởi thủy sân bay do chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào năm 1930 ở làng Tân Sơn Nhứt, phía tây bắc thành phố Sài Gòn. Năm 1956, chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam Cộng hòa mở rộng sân bay với việc xây đường băng bằng bê tông dài 2.200 m, phục vụ như một căn cứ quân sự quan trọng trong chiến tranh.

  1. Vinh

Sân bay quốc tế Vinh – nằm ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An – là một sân bay dân dụng/quân sự hỗn hợp. Nó từng là một trong hai căn cứ không quân lớn ở Việt Nam, cùng với sân bay Gia Lâm ở Hà Nội.

Trong giai đoạn 2002-2015, sân bay ghi nhận tốc độ tăng trưởng số lượt khách trung bình 44%/năm, cao nhất trong cả nước. Năm 2018, sân bay Vinh phục vụ 1,8 triệu lượt hành khách.

Sân bay Vinh do chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào năm 1937. Năm 1994, chính phủ đầu tư 20 tỷ đồng để cải tạo sân bay nhằm đón các chuyến bay thương mại.

  1. Đà Nẵng

Sân bay quốc tế Đà Nẵng nằm ở thành phố Đà Nẵng và là một cửa ngõ hàng không quan trọng ở miền Trung. Ngoài hoạt động dân dụng, sân bay cũng được sử dụng cho một số hoạt động quân sự. Năm 2019, sân bay này phục vụ 15,5 triệu lượt khách, nhiều thứ 3 ở Việt Nam sau Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Sân bay Đà Nẵng được xây dựng bởi chính quyền thực dân Pháp năm 1940. Sân bay này từng được Nhật Bản dùng làm căn cứ không quân trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, sau đó được sử dụng với mục đích hỗn hợp trong thời kỳ Việt Nam Cộng hòa.

  1. Phú Bài

Sân bay quốc tế Phú Bài nằm ở thị xã Hương Thủy, phía nam thành phố Huế, phục vụ cho thành phố này và tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là nơi đặt trụ sở của hãng hàng không Vietravel Airlines, và đón 2 triệu lượt khách vào năm 2020.

Sân bay này được xây dựng từ năm 1948 bởi chính quyền thực dân Pháp. Năm 2005, Phú Bài đón chuyến bay quốc tế đầu tiên kể từ năm 1975, trở thành sân bay quốc tế thứ 4 tại Việt Nam. Đường băng của sân bay hiện dài 2700 m và rộng 45 m.

  1. Cần Thơ

Sân bay Trà Nóc được xây dựng năm 1961 bỏi Không quân Mỹ với vai trò là một căn cứ không quân. Sau năm 1975, sân bay này chỉ thỉnh thoảng được sử dụng cho một số chuyến bay khu vực. Sau đó, nó được mở rộng và nâng cấp lên thành một sân bay quốc tế, khánh thành với cái tên Sân bay quốc tế Cần Thơ vào ngày 1/1/2011.

Năm 2020, số lượt khách qua sân bay Cần Thơ đạt kỷ lục 2,2 triệu lượt, nhưng con số này giảm xuống chỉ còn 513.000 lượt khách trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19.

  1. Cam Ranh

Sân bay quốc tế Cam Ranh ở Vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, phục vụ chủ yếu cho thành phố Nha Tranh cách đó 30 km. Năm 2019, sân bay này phục vụ hơn 9,7 triệu lượt khách, nhiều thứ 4 ở Việt Nam sau 3 sân bay ở TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Sân bay này được xây dựng năm 1965 bởi Hải quân Mỹ với mục đich quân sự. Từ năm 1979 đến 2002, sân bay Cam Ranh được không quân Liên Xô và sau đó là Nga sử dụng theo hiệp ước thuê 25 năm.

  1. Nội Bài

Sân bay quốc tế Nội Bài là sân bay lớn nhất Việt Nam về tổng công suất, và lớn thứ 2 tính theo lượng hành khách phục vụ, sau Tân Sơn Nhất. Đây là sân bay chính phục vụ thành phố Hà Nội, và là trung tâm hoạt động chính của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air và Pacific Airlines.

Sân bay này được xây ngay cạnh căn cứ một không quân và mở cửa vào ngày 2/1/1978. Nhà ga hành khách T1 khánh thành vào tháng 10/2001 và nhà ga T2 – chuyên phục vụ các chuyến bay quốc tế – khánh thành vào tháng 1/2015.

  1. Cát Bi

Sân bay Cát Bi là sân bay quốc tế ở thành phố Hải Phòng. Năm 2019, sân bay này đón 2,6 triệu lượt khách, là sân bay bận rộn thứ 6 trên cả nước và thứ 2 ở miền Bắc, sau Nội Bài.

Sân bay Cát Bi được xây dựng dưới thời Pháp thuộc để làm một căn cứ cho Không quân Pháp. Sau năm 1954, sân bay này được Việt Nam sử dụng với mục đích quân sự. Từ năm 1985, Cát Bi cũng bắt đầu được sử dụng cho mục đích dân sự.

  1. Phú Quốc

Sân bay Phú Quốc phục vụ cho đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nó có diện tích gần 90 ha ở xã Dương Tơ, bên ngoài trung tâm Phú Quốc. Sân bay được định hướng giúp chuyên chở hành khách quốc tế đến Phú Quốc, góp phần đưa hòn đảo lớn nhất Việt Nam trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Sân bay này được xây dựng với chi phí hơn 16.000 tỷ đồng, nhằm thay thế sân bay Dương Đông cách đó 10 km. Sân bay Phú Quốc có công suất tối đa 7 triệu hành khách/năm sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn. Nó được khánh thành vào ngày 2/12/2012

  1. Vân Đồn

Sân bay Vân Đồn là sân bay quốc tế mới nhất của Việt Nam, nằm ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long khoảng 50 km. Nó đón chuyến bay đầu tiên vào ngày 11/6/2018 và chính thức khánh thành vào ngày 30/12/2018.

Đây là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, do Sun Group xây dựng và vận hành. Dự án được khởi công vào năm 2015, xây theo 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn vào năm 2030, sân bay sẽ có công suất 5 triệu hành khách/năm.