VNReport»Top»10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2021

10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2021

11:32 - 28/12/2021

Covid-19 vẫn là chủ đề gây chú ý nhất trên thế giới trong năm vừa qua. Các sự kiện lớn khác bao gồm thay đổi lãnh đạo ở Mỹ và Đức, bất ổn chính trị, các vấn đề của nền kinh tế thế giới …

  1. Covid-19

Covid-19 tiếp tục hoành hành trên thế giới, với hơn 280 triệu người nhiễm và hơn 5,4 triệu người tử vong kể từ đầu dịch. Không những không suy giảm, dịch bệnh năm nay còn nghiêm trọng hơn tính theo cả số ca nhiễm cũng như số người tử vong. Đây là dịch bệnh chết chóc trong nhất trong lịch sử loài người sau dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Dù việc tiêm vaccine bắt đầu triển khai từ cuối năm 2020 và tính đến cuối năm 2021, hơn 8,7 tỷ mũi vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới, các đợt bùng dịch vẫn liên tục xuất hiện. Đáng chú ý là các đợt bùng phát vào hồi tháng 1 năm nay ở Mỹ và châu Âu, đợt bùng phát hồi tháng 4 ở Ấn Độ và tháng 8 trên toàn thế giới do biến thể Delta, và đợt bùng phát cuối năm do biến thể Delta và Omicron.

  1. Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ

Sau cuộc bầu cử năm 2020 đầy tranh cãi, ông Joe Biden – với cam kết đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch và trở lại bình thường – trở thành Tổng thống thứ 46 của đất nước vào tháng 1 năm nay.

Trái ngược với người tiền nhiệm, ông Biden đưa Mỹ tham gia trở lại một loạt các hiệp định đa phương như Hiệp định khí hậu Paris và thúc đẩy hàng loạt cam kết với các đồng minh. Về đối nội, ông Biden ban hành gói hỗ trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD và đề xuất kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong năm đâu tiên tại vị, tỷ lệ ủng hộ ông liên tục suy giảm do lạm phát tăng cao phủ bóng đen lên đà phục hồi kinh tế, dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành và chiến dịch rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan.

  1. Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan

Một trong những thất bại lớn nhất của ông Biden trong năm đầu tiên ở Nhà Trắng là chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan. Khi Mỹ bắt đầu rút quân ra khỏi đất nước hồi tháng 5, Taliban bắt đầu triển khai chiến dịch nhằm giành lại quyền kiểm soát Afghanistan sau 20 năm. Với những chiến thắng dễ dàng trước quân đội chính phủ do Mỹ hậu thuẫn, Taliban lần lượt chiếm các vùng nông thôn và các tỉnh của Afghanistan chỉ trong khoảng 3 tháng, rồi tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8 và thành lập chính phủ mới, kiểm soát toàn bộ đất nước.

Chiến thắng của Taliban được coi là thất bại của Mỹ ở Afghanistan, nơi nước này đã đổ vào gần 2.300 tỷ USD và thiệt hại sinh mạng 2.420 quân nhân trong hơn 20 năm chiến tranh. Chiến dịch rút quân của ông Biden bị chỉ trích đặc biệt nặng nề với các cuộc di tản hỗn loạn, cho thấy Washington dường như không có một chiến lược rõ ràng trong việc kết thúc cuộc chiến này.

  1. Trung Quốc tuyên bố xây dựng “thịnh vượng chung”

Trong năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính quyền nước này tuyên bố đặt mục tiêu xây dựng xã hội “thịnh vượng chung”. Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 8 năm nay kêu gọi “điều chỉnh thu nhập dư thừa một cách hợp lý” và khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp giàu có “trả lại xã hội nhiều hơn”.

Thể hiện chủ trương này, trong năm nay, Trung Quốc liên tục siết chặt quy định đối với các doanh nghiệp công nghệ lớn bao gồm Alibaba, Didi, Tencent … Điều này khiến giá trị các công ty này sụt giảm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, vào cuối năm, giới chức nước này bắt đầu có động thái kêu gọi tập trung hơn vào tăng trưởng. Đây được cho là phản ứng với nguy cơ suy thoái trong lĩnh vực bất động sản xuất phát từ cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande – tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc.

  1. Khủng hoảng năng lượng

Giá khí đốt tăng gần 3 lần từ đầu năm. Giá dầu mỏ tăng hơn 40%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá than leo thang khoảng 60%. Việc các mặt hàng năng lượng tăng giá cao phản ánh nguồn cung thiếu hụt, trong khi nhu cầu hồi phục mạnh sau năm 2020 – khi nhiều nước trên thế giới hạn chế người dân đi lại nhằm kiểm soát dịch Covid-19.

Giá năng lượng tăng cao gây ra áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế thế giới và đời sống của người dân. Ở một số nước như Trung Quốc, tình trạng thiếu điện đã xảy ra, ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đặt ra bài toán khó cho thế giới khi phải đảm bảo an ninh năng lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong khi vẫn phải thực hiện những cam kết về chống biến đổi khí hậu.

  1. Gián đoạn chuỗi cung ứng

Một yếu tố khác khiến lạm phát tăng vọt trong năm 2021 là những gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng trên toàn thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu chậm lại do các nhà sản xuất tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô vì lý do an toàn. Trong khi đó, với những gói hỗ trợ khổng lồ, nhu cầu của người tiêu dùng ở các nước phát triển bắt đầu tăng mạnh trong năm 2021 đối với những mặt hàng như đồ điện tử, quần áo, giày dép, đồ nội thất …

Tuy nhiên, những đợt bùng phát Covid-19 trong năm nay ở các nước sản xuất như Việt Nam khiến nhiều nhà máy tiếp tục phải ngừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động. Ngoài ra, chi phí vận tải tăng mạnh do các quy định phòng chống dịch không nhất quán giữa các nước cũng gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

  1. Angela Merkel rời chính trường

Nhà lãnh đạo quyền lực nhất ở chính trường châu Âu từ đầu thế kỷ 21 đến nay quyết định kết thúc 16 năm trên cương vị Thủ tướng Đức. Sau 4 nhiệm kỳ dẫn dắt đất nước và Liên minh châu Âu, bà Angela Merkel đã nhường lại ghế Thủ tướng cho ông Olaf Scholz.

Trong các nhiệm kỳ của mình, bà Merkel chú trọng vào hợp tác quốc tế, đặc biệt là quan hệ về kinh tế trong nội bộ Liên minh châu Âu cũng như đối với Mỹ và Nga. Bà có vai trò quan trọng trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sau đó. Về đối nội, bà thi hành chính sách năng lượng mới, chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch và hạt nhân sang năng lượng tái tạo. Ngoài ra, bà cũng đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng di cư châu Âu năm 2015.

  1. Đảo chính Myanmar

Ngày 1/2, quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ dân sự, bắt cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, thành lập chính quyền quân sự. Cuộc đảo chính này châm ngòi cho làn sóng biểu tình quy mô lớn trong nước, với hơn 1.100 người thiệt mạng.

Chính quyền quân sự Myanmar hứng chỉ trích quyết liệt của cộng đồng quốc tế. Mỹ, Anh và EU lên án cuộc đảo chính và đàn áp biểu tình ở Myanmar, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt với quan chức quân đội nước này. Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc lên án bạo lực, ủng hộ tiến trình dân chủ và kêu gọi các bên đối thoại hòa bình. ASEAN cũng thống nhất không mời lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar dự hội nghị thượng đỉnh.

Khủng hoảng chính trị còn đẩy Myanmar vào khủng hoảng kinh tế, có thể khiến 25 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói trong năm tới, theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc.

  1. COP26

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), tổ chức ở Glasgow (Vương quốc Anh) được tổ chức từ ngày 31/10-13/11 năm nay. Kết quả của Hội nghị là Hiệp ước khí hậu Glasgow, với sự đồng thuận của toàn bộ 197 bên tham gia. Đây là hiệp ước khí hậu đầu tiên nói rõ về việc giảm sử dụng than đá. Ngoài ra, Hiệp ước cũng khuyến khích các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính cấp bách hơn và hứa hẹn có thêm các khoản tài trợ khí hậu từ các nước giàu đến các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, do sự can thiệp muộn của Ấn Độ và Trung Quốc, Hiệp ước thông qua điều khoản ít nghiêm khắc hơn so với dự kiến. Theo đó, thay vì cam kết “loại bỏ” than đá, Hiệp ước chỉ yêu cầu “giảm” việc sử dụng loại nhiên liệu hóa thạch này.

  1. Du lịch vũ trụ

Năm 2021 là một năm vượt bậc của ngành công nghiệp du lịch vũ trụ. Ngày 11/7, công ty Virgin Galatic của tỷ phú Richard Branson hoàn thành chuyến bay thử nghiệm với 4 hành khách. Trong khi đó, công ty Blue Origin lần đầu tiên đưa người vào vũ trụ với 4 hành khách trong chuyến bay ngày 20/7, trong đó bao gồm nhà sáng lập công ty – ông trùm Amazon Jeff Bezos. Còn SpaceX của ông chủ Tesla Elon Musk cũng đưa 4 hành khách vào vũ trụ trong chuyến bay toàn phi hành gia nghiệp dư đầu tiên vào ngày 16/9.

Sự bùng nổ của du lịch vũ trụ đánh dấu cột mốc mới trongg công cuộc chinh phục không gian của nhân loại. Đặc biết, với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp tư nhân, ngành công nghiệp này dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới, phổ biến rộng rãi hơn khả năng tiếp cận không gian.