VNReport»Top»10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2022

10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2022

17:12 - 26/12/2022

Chiến tranh Nga – Ukraine, lạm phát cao kỷ lục, kinh tế tăng trưởng trì trệ … là những sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2022.

Đối với thế giới, năm 2022 được xác định bởi một sự kiện nổi bật nhất: Nga xâm lược Ukraine. Cuộc chiến tranh lớn đầu tiên ở châu Âu sau nhiều thập kỷ kéo theo hàng loạt hệ quả về chính trị và kinh tế. Năm nay cũng ghi nhận đại dịch Covid-19 về cơ bản đã kết thúc, với ngoại lệ duy nhất là Trung Quốc – nơi Tập Cận Bình phá vỡ tiền lệ khi có nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba liên tiếp.

  1. Chiến tranh Nga – Ukraine

Ngày 24/2, Nga xâm lược Ukraine trong một hành động mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, Nga thực hiện một chiến dịch tấn công thẳng vào Kyiv. Sau khi thất bại trong nỗ lực chiếm thủ đô Ukraine, Nga chuyển mục tiêu sang tập trung vào các khu vực phía đông và phía nam của Ukraine, chiếm được một số thành phố lớn như Kherson và Mariupol.

Quân Ukraine triển khai các chiến dịch phản công ở miền nam vào tháng 8 và ở miền đông vào tháng 9. Sau đó, Nga tuyên bố thôn tính 4 tỉnh của Ukraine mà Moscow đang chiếm đóng một phần. Vào tháng 11, Ukraine giành lại quyền kiểm soát Kherson.

Số lượng thương vong của cuộc chiến tranh này được ước tính lên tới hàng chục nghìn người. Nó cũng gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Vào tháng 3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết lên án cuộc xâm lược và yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi Ukraine. Nhiều nước áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga và đồng minh Belarus, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga và thế giới.

  1. Lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ

Năm 2022 chứng kiến tỷ lệ lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn tăng lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Ở Mỹ và châu Âu, lạm phát đã tăng lên mức cao từ năm 2021 do những gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến Covid-19, cùng với đó là lãi suất thấp lịch sử và hàng loạt biện pháp kích cầu của các chính phủ trong thời kỳ đại dịch.

Sang đến năm nay, tình hình càng trầm trọng hơn sau khi Nga xâm lược Ukraine, làm tăng vọt giá nhiều loại hàng hóa, bao gồm năng lượng và thực phẩm. Điều này khiến lạm phát ở Mỹ tăng lên mức đỉnh 9,1% trong tháng 6 năm nay, lạm phát ở châu Âu đạt 10,7% vào tháng 10.

Các nền kinh tế đang phát triển cũng ghi nhận lạm phát tăng lên cao do ảnh hưởng của giá hàng hóa. Ngoài ra, vì Mỹ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, tỷ giá USD tăng, càng thúc đẩy thêm áp lực lạm phát ở các nước khác và gây ra khó khăn tài chính ở một số thị trường mới nổi.

  1. Các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, kinh tế thế giới trì trệ

Để đối phó với lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương trên thế giới thực hiện chiến dịch tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ vào năm nay. Điều đó khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và có thể gây suy thoái trong năm 2023.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là ngân hàng trung ương dẫn đầu trong chu kỳ tăng lãi suất lần này. Trong năm nay, Fed đã có 7 lần tăng lãi suất liên tiếp, bao gồm 4 lần tăng 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất chủ chốt lên mức 4,25-4,5% từ mức gần 0 hồi đầu năm. Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất 4 lần từ mức 0 lên 2,5%. Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất 9 lần từ 0,1% lên 3,5%.

Việc tăng lãi suất càng gây thêm áp lực lên các nền kinh tế lớn – vốn đã chịu ảnh hưởng từ lạm phát – khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP năm nay nhiều khả năng kém xa so với dự báo hồi đầu năm. Tốc độ tăng lãi suất đặc biệt nhanh của Mỹ khiến tỷ giá đồng USD tăng vọt, gây áp lực lên các nền kinh tế mới nổi.

  1. Thế giới kết thúc các biện pháp kiểm soát Covid-19

Năm 2022 cũng ghi nhận sự kết thúc của các biện pháp kiểm soát Covid-19 trên hầu hết thế giới. Gần như tất cả các quốc gia đã mở cửa biên giới, mở lại trường học và các cơ sở kinh doanh. Nhiều yêu cầu về đeo khẩu trang và tiêm vaccine cũng được dỡ bỏ. Không có làn sóng lây nhiễm lớn nào trên toàn cầu kể từ làn sóng Omicron hồi đầu năm.

Các chính phủ và người dân ở hầu hết các nước về cơ bản coi đại dịch như đã kết thúc. Và mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng, tổ chức này nói rằng sự kết thúc của đại dịch đang “ở trước mắt”.

Ngoại lệ lớn duy nhất là Trung Quốc. Trong hầu hết năm nay, nước này vẫn kiên định với chính sách “zero Covid” – xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa nghiêm ngặt nhằm dập tắt hoàn toàn virus. Tuy nhiên, đến tháng 12, Bắc Kinh cuối cùng cũng phải từ bỏ chính sách đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cuộc sống của người dân.

  1. Tập Cận Bình củng cố quyền lực

Trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10, Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Có thêm các đồng minh trong Bộ Chính trị mà không có người kế nhiệm rõ ràng, ông Tập trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông.

Nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập với tư cách Tổng bí thư phá vỡ tiền lệ 2 nhiệm kỳ của những nhà lãnh đạo trước đó. Vào năm 2018, ông Tập cũng đã xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước, mở đường cho nhiệm kỳ thứ ba của mình ở cương vị này vào năm 2023.

Việc ông Tập củng cố quyền lực báo hiệu rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục những chính sách cơ bản đã thực hiện trong 10 năm qua, bao gồm việc tăng quyền kiểm soát của nhà nước với nền kinh tế – trái với xu hướng ủng hộ thị trường của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm – và chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.

  1. Bất ổn chính trường Anh

Năm 2022 chứng kiến nước Anh đối mặt với bất ổn về chính trị khi có đến 3 thủ tướng chỉ trong vòng 2 tháng. Vào tháng 7 năm nay, Boris Johnson – Thủ tướng Anh từ năm 2019 – rời số 10 phố Downing sau khi hàng chục thành viên nội các từ chức vì những bê bối trong thời gian tại vị.

Sau đó, Liz Truss kế nhiệm ông Johnson sau một cuộc bỏ phiếu trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Nhiệm kỳ Thủ tướng của bà Truss kéo dài chỉ 41 ngày – ngắn nhất trong lịch sử. Sự thất bại của bà Truss đến từ một kế hoạch cắt giảm thuế, khiến nhà đầu tư lo lắng về sự an toàn tài chính của Chính phủ Anh, làm cho giá trị đồng bảng lao dốc.

Rishi Sunak – một trong những thành viên nội các khiến ông Johnson phải từ chức – trở thành Thủ tướng Anh thứ 3 trong năm nay vào cuối tháng 10. Ông phải đối mặt với những thách thức lớn bao gồm lạm phát 2 chữ số, một cuộc suy thoái sắp tới và nhiều cuộc đình công được tổ chức vào mùa đông năm nay.

  1. Khủng hoảng năng lượng châu Âu

Các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược Ukraine khiến giá năng lượng thế giới tăng vọt. Điều này ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, nhưng châu Âu chịu tác động đặc biệt lớn vì sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga để sưởi ấm các ngôi nhà và vận hành các nhà máy. Khí đốt cũng là nguồn năng lượng quan trọng để phát điện ở châu Âu.

Nga phản ứng với các lệnh trừng phạt của châu Âu bằng cách giảm dần lượng khí đốt giao cho họ thông qua đường ống Nord Stream 1, và dừng hoàn toàn vào tháng 9. Điều này khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng lên mức đỉnh vào tháng 9, gấp khoảng 25 lần so với 2 năm trước đó, Giá hiện tại bằng khoảng 1/4 so với mức đỉnh.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, châu Âu tăng cường nhập khẩu khí đốt hóa lỏng để thay thế cho khí đốt qua đường ống của Nga. Liên minh châu Âu cũng đưa ra những chính sách để giảm sử dụng năng lượng.

  1. Nữ hoàng Anh băng hà

Nữ hoàng Elizabeth II – quốc vương tại vị lâu nhất trong lịch sử nước Anh – băng hà vào ngày 8/9 ở tuổi 96. Sau 70 năm dưới sự trị vì của bà, Anh và 14 nước khác có nguyên thủ quốc gia mới là Vua Charles III, con trai bà.

Đối với nhiều người Anh, Nữ hoàng là hiện thân cho bản sắc của đất nước. Việc Nữ hoàng băng hà càng làm cho tâm trạng của người dân thêm u ám khi nền kinh tế Anh rơi vào khủng hoảng với lạm phát cao và nền chính trị có nhiều bất ổn.

Nước Anh tổ chức quốc tang trong 10 ngày. Lễ an táng Nữ hoàng diễn ra tại Hội trường Westminster từ 14 đến 19/9. Trong thời gian đó, ước tính có khoảng 250.000 người đến xếp hàng để bày tỏ lòng thành kính với bà.

  1. World Cup nhiều tranh cãi ở Qatar

Kỳ World Cup lần thứ 22 ở Qatar là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức ở thế giới Ả Rập. Đội tuyển Argentina giành chức vô địch, nhưng những vấn đề ngoài sân cỏ cũng thu hút rất nhiều sự chú ý.

Ngay từ khi kỳ World Cup 2022 được FIFA trao cho Qatar 12 năm trước, đã xuất hiện những lo ngại về khí hậu nóng và sự thiếu vắng văn hóa bóng đá của nước này, sau đó là những cáo buộc về hối lộ và tham nhũng của FIFA liên quan đến quyết định đó. Những lời chỉ trích khác nhằm vào hồ sơ nhân quyền của Qatar, cụ thể là cách đối xử của họ với lao động nhập cư, phụ nữ và người LGBT. Cựu chủ tịch Sepp Blatter từng hai lần nói rằng việc trao World Cup cho Qatar là một sai lầm.

  1. Dân số thế giới vượt 8 tỷ người

Ngày 15/11, Liên Hợp Quốc cho biết dân số thế giới vượt 8 tỷ người. Theo Liên Hợp Quốc, cột mốc này cho thấy những thành tựu của nhân loại trong y học, dinh dưỡng, y tế cộng đồng và vệ sinh cá nhân. Cột mốc này cũng đến sớm hơn dự báo cũ của Liên Hợp Quốc. Năm 1999, tổ chức này ước tính rằng thế giới sẽ đạt mốc 8 tỷ người vào năm 2028.

Khoảng 2 thiên niên kỷ trước, có khoảng 300 người trên Trái Đất. Dân số dao động trong nhiều thế kỷ sau đó, chủ yếu vì dịch bệnh và thiên tai. Nhưng dân số thế giới bắt đầu tăng tốc từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, lên 1 tỷ người vào năm 1804, 4 tỷ vào năm 1974 và 7 tỷ vào năm 2011. Các nhà nhân khẩu học dự báo thế giới sẽ đạt mốc tiếp theo – 9 tỷ người – vào khoảng năm 2037. Dân số thế giới được dự báo đạt đỉnh là 10,4 tỷ vào thập kỷ 2080.

Cột mốc mới khiến một số người lo ngại về khả năng dân số loài người trở nên quá lớn để Trái Đất có thể duy trì được. Một số người khác lại lo lắng rằng tốc độ tăng trưởng dân số ngày càng chậm lại cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ về nhân khẩu học.