VNReport»Top»15 nước có công suất lắp đặt thủy điện lớn nhất thế giới

15 nước có công suất lắp đặt thủy điện lớn nhất thế giới

07:59 - 17/06/2023

Thủy điện là nguồn năng lượng quan trọng của nhiều nước trên thế giới, như Trung Quốc, Brazil, Việt Nam …

Thủy điện sử dụng dòng chảy của nước để sản xuất điện. Đây là nguồn năng lượng không phát thải lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 17% tổng công suất phát điện toàn cầu, chỉ xếp sau than đá và khí đốt.

Thủy điện được coi là một trong những nguồn năng lượng rẻ nhất. Sau khi xây dựng và lắp đặt nhà máy thủy điện, việc phát điện không phát sinh thêm chi phí nào về lý thuyết.

Tuy nhiên, thủy điện cũng gặp phải một số vấn đề, bao gồm tác động đến hệ sinh thái và dân cư. Thời tiết hạn hán có thể tác động nghiêm trọng đến khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện, điều đang xảy ra ở Việt Nam trong mùa hè năm nay.

Các quốc gia sau đây có công suất lắp đặt thủy điện lớn nhất thế giới, theo báo cáo của Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) với dữ liệu đến cuối năm 2021.

  1. Trung Quốc (391 GW)

Với các thung lũng cao và những con sông lớn, Trung Quốc thu lợi rất nhiều từ việc phát triển nguồn tài nguyên nước trong những thập kỷ gần đây. Thủy điện hiện là nguồn năng lượng lớn thứ hai của Trung Quốc sau than đá.

Nước này dẫn đầu thế giới về tổng công suất lắp đặt thủy điện với hơn 390 gigawatt (GW). Nhà máy thủy điện lớn nhất của Trung Quốc, Tam Hiệp, có công suất phát điện tức thời lớn nhất thế giới là 22.500 MW, đứng thứ hai là Bạch Hạc Than với công suất 16.000 MW.

  1. Brazil (109,4 GW)

Brazil có một số con sông lớn, độ cao thay đổi và lượng mưa lớn lý tưởng cho thủy điện. Với tổng công suất lắp đặt khoảng 109,4 GW, thủy điện là nguồn phát điện chính ở Brazil, chiếm khoảng 55% sản lượng điện cả nước vào năm 2021.

Thủy điện sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong sản xuất điện ở Brazil, dự kiến chịu trách nhiệm cho 58% tổng sản lượng điện hàng năm vào năm 2030.

  1. Mỹ (101,9 GW)

Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo lớn thứ hai về cả sản lượng và công suất (sau gió) ở Mỹ. Vào năm 2021, thủy điện chiếm 31,5% tổng lượng điện tái tạo và khoảng 6,3% tổng lượng điện của nước này, với công suất lắp đạt 101,9 GW.

Các công trình thủy điện như Đập Hoover và Đập Grand Coulee đã trở thành thắng cảnh thu hút khách du lịch ở Mỹ.

  1. Canada (82,3 GW)

Với nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, Canada có công suất lắp đặt thủy điện 82,3 GW. Vì hầu hết các đập có hồ chứa lớn được hoàn thành trước năm 1990, nên những dự án gần đây chủ yếu là thủy điện trên sông.

  1. Nga (55,7 GW)

Với tổng công suất lắp đặt khoảng 55,7 GW và sản lượng hàng năm khoảng 165 tỷ kWh, Nga đứng thứ 5 thế giới về thủy điện. Ngoài ra, nước này đứng thứ hai thế giới về nguồn thủy điện chưa phát triển, với tiềm năng kinh tế 852 tỷ kWh/năm.

Hiện tại, Nga chỉ công nhận những dự án thủy điện có công suất tối đa 25 MW là nguồn năng lượng tái tạo và theo Dự thảo Chiến lược Năng lượng của nước này, sản lượng thủy điện sẽ tăng lên 30% vào năm 2035.

  1. Ấn Độ (51,4 GW)

Công suất thủy điện ở Ấn Độ dự kiến đạt 70 GW vào năm 2030, theo Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo. Vào cuối năm 2021, tổng công suất thủy điện của quốc gia Nam Á này là hơn 51,4 GW – bao gồm 45,4 GW công suất thủy điện lớn (trên 10 MW).

  1. Nhật Bản (49,6 GW)

Một trong những nước tiêu thụ điện nhiều nhất thế giới, Nhật Bản được xem là đã phát triển gần như toàn bộ tiềm năng thủy điện của mình. Do đó, các dự án gần đây có quy mô nhỏ hơn, chủ yếu là phát triển các nhà máy tích năng.

Năm 2021, công suất phát điện của thủy điện ở Nhật Bản đạt khoảng 50 GW và con số này không thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.

  1. Na Uy (33,4 GW)

Với các cao nguyên, hồ tự nhiên, thung lũng dốc và vịnh hẹp, địa hình của Na Uy rất phù hợp để phát triển thủy điện. Thủy điện là nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa đất nước vào cuối thế kỷ 19, và vẫn là xương sống của hệ thống điện tại đây, với công suất lắp đặt 33,4 GW.

Khoảng 90% sản lượng điện của Na Uy đến từ thủy điện. Hàng năm, nước này tích đầy nước cho các hồ thủy điện để dành phát điện cho những tháng mùa đông có nhu cầu dùng điện cao nhất.

  1. Thổ Nhĩ Kỳ (31,5 GW)

Với nguồn tài nguyên thủy điện dồi dào và định hướng của chính phủ, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đi đầu về thủy điện ở châu Âu và có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Hơn 700 nhà máy thủy điện đã được xây dựng và thủy điện chiếm khoảng 30% công suất phát điện của cả nước, tương đương 31,5 GW.

  1. Pháp (25,7 GW)

Nhờ thủy điện và năng lượng hạt nhân, Pháp đã tách biệt được lượng phát thải khí nhà kính khỏi GDP kể từ năm 2005, với lượng phát thải không tăng lên trong khi kinh tế tăng trưởng.

Là nước sản xuất thủy điện lớn thứ ba ở châu Âu chỉ sau Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp có một nửa nguồn cung năng lượng tái tạo từ thủy điện. Năm 2021, Pháp sản xuất khoảng 59 tỷ kWh thủy điện, với công suất lắp đặt 25,7 GW.

  1. Ý (22,6 GW)

Với lịch sử bắt nguồn từ cuối thập kỷ 19, thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo lâu đời nhất của Ý. Mặc dù mặt trời và gió đang tăng trưởng nhanh, nhưng thủy điện vẫn chiếm hơn 1/3 nguồn năng lượng tái tạo của đất nước.

Phần lớn công suất thủy điện 22,6 GW của Ý nằm ở vùng phía bắc. Nước này có khoảng 4.400 nhà máy thủy điện.

  1. Tây Ban Nha (20,4 GW)

Tuy không bằng các dạng năng lượng tái tạo khác như gió, nhưng Tây Ban Nha có công suất thủy điện khá lớn, chiếm khoảng 11,4% tổng sản lượng điện của nước này vào năm 2021.

Trong giai đoạn 2009 đến 2022, sản lượng thủy điện trong nước trải qua những biến động, giảm sút sau khi đạt đỉnh vào năm 2014. Trong số 20,4 GW công suất thủy điện lắp đặt ở Tây Ban Nha, 3,329 GW là thủy điện tích năng. Thủy điện tích năng đóng vai trò quan trong trong cân bằng lưới điện với các nguồn điện tái tạo không liên tục.

  1. Việt Nam (17,3 GW)

Công suất lắp đặt thủy điện của Việt Nam là 17,3 GW, đóng góp khoảng 1/3 tổng công suất lắp đặt hệ thống điện quốc gia, là nguồn phát điện lớn thứ hai chỉ sau nhiệt điện than.

Theo Quy hoạch điện VIII, công suất thủy điện đến năm 2030 sẽ tăng lên 29,3 GW.

  1. Thụy Sĩ (16,8 GW)

Thủy điện là nền tảng trong chính sách năng lượng của Thụy Sĩ. Năm 2021, nước này tạo ra 61,5% điện năng từ thủy điện, trong khi 28,9% được tạo ra từ năng lượng hạt nhân, 1,9% từ nhiên liệu hóa thạch và 7,7% từ các nguồn tái tạo khác.

Do địa hình và lượng mưa hàng năm cao, Thụy Sĩ có điều kiện lý tưởng để phát triển thủy điện. Có khoảng 682 nhà máy thủy điện ở Thụy Sĩ, với tổng công suất lắp đặt 16,8 GW.

  1. Thụy Điển (16,5 GW)

Thủy điện – cùng với điện hạt nhân – là nền tảng của hệ thống điện Thụy Điển, khi chiếm khoảng 45% tổng sản lượng điện của nước này.

Các nhà máy thủy điện tập trung chủ yếu ở miền bắc và miền trung, nơi có nhiều sông hồ. Tổng công suất lắp đặt của nước này là 16,5 GW.