VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»165.000 shop bán hàng rời sàn thương mại điện tử

165.000 shop bán hàng rời sàn thương mại điện tử

09:38 - 12/02/2025

Thương mại điện tử đã trở thành một kênh bán hàng phổ biến và mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, trong năm 2024, 165.000 shop đã phải rời bỏ các sàn thương mại điện tử cho thấy đây là “chiến trường” vô cùng khốc liệt.

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong những năm gần đây đạt được nhiều thành tích ấn tượng, cả về quy mô và doanh thu. Theo đó, trong 4 năm trở lại đây, thị trường TMĐT Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16 – 30%. Từ 2021 – 2024, mỗi năm thị trường đều duy trì mức tăng trưởng 21 – 25%. Giai đoạn 2022 – 2023, thị trường đã tăng trưởng đến 25%

Thậm chí, cùng với những động lực tăng trưởng mới, dự báo thị trường này sẽ tăng vượt 31 tỷ USD trong năm nay.

Đặc biệt, theo “Báo cáo Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến” của Metric, tổng doanh số của 5 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam dự kiến đạt trên 318.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024, tăng trưởng hơn 37%. Điều này cho thấy sức mua trên thị trường vẫn cao, tạo đà cho tăng trưởng trong năm 2025. Mặc dù có nhiều triển vọng, nhưng không phải tất cả các đơn vị đều được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này, chỉ những đơn vị có kế hoạch kỹ lưỡng từ đầu năm mới có cơ hội thành công.

Song, chính vì sự kỳ vọng này nên thị trường TMĐT cũng trở thành chiến trường cạnh tranh đầy khốc liệt.

Điều này được thể hiện rõ ở số lượng cửa hàng phát sinh đơn giảm xuống đến 20%. Cụ thể, trong năm 2024 vừa qua, có đến 165.000 shop đã phải rời bỏ các sàn TMĐT. Trước đó, trong năm 2023 có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo cũng đã rời khỏi thị trường.

Nguyên nhân đến từ các yếu tố khách quan như nền kinh tế còn chưa ổn định, bất ổn địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt… Đặc biệt, sự đổ bộ của hàng xuyên biên giới cũng khiến các nhà bán hàng trên sàn TMĐT gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2024 vừa qua, có đến 165.000 shop đã phải rời bỏ các sàn TMĐT

Theo báo cáo của Metric, năm 2024 có hơn 324,1 triệu sản phẩm (+38%) là hàng nhập khẩu được đưa vào Việt Nam, tạo ra 14.200 tỷ đồng doanh số (+43%), tính riêng trên Shopee.

Metric cho rằng người tiêu dùng Việt Nam không còn quá e ngại khi đặt mua sản phẩm từ nước ngoài. Họ ưu ái hơn cho các sản phẩm này xuất phát từ hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro thất lạc hoặc giao hàng chậm.

Hơn nữa, hiện nay, các nền tảng TMĐT cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, giúp giảm rủi ro khi mua hàng từ nước ngoài.

Đồng thời, giá cả cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế cũng là yếu tố quan trọng khi nhiều sản phẩm nhập khẩu có giá tốt hơn nhờ vào chi phí sản xuất thấp. Đây là tín hiệu cảnh báo quan trọng cho các doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi việc phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá để có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

Trước tình trạng này, đầu năm 2025, các chuyên gia cho rằng, các nhà sản xuất thương hiệu nội địa Việt Nam không chỉ cần đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn phải hiểu rõ môi trường kinh doanh trên TMĐT để tăng trưởng doanh số.

Nền tảng bán hàng cũng có thêm ra các giải pháp thúc đẩy hàng Việt Nam tăng doanh số và cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Gần đây, Chính phủ đã dừng miễn thuế cho hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh, đồng thời tiếp tục giảm thuế VAT cho hàng sản xuất, kinh doanh xuống 8%. Những giải pháp này sẽ góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu, khuyến khích sản xuất trong nước.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, ngành hàng làm đẹp, nhà cửa đời sống và thời trang nữ là ba lĩnh vực mang lại doanh số nhiều nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên sàn TMĐT cần thay đổi chiến lược, phát triển trên các sàn TMĐT, đưa hàng trực tiếp từ nhà máy đến tay người tiêu dùng để đảm bảo giá tốt nhất.

Đặc biệt, xu hướng là bách hóa – thực phẩm đang nổi bật lên với mức tăng trưởng lên đến 76% – cao nhất trong số các ngành hàng đang cho thấy sự thay đổi đổi rõ rệt trong hành vi mua sắm. Sự phát triển của nhóm này được kỳ vọng sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp địa phương và kéo giảm khoảng cách chênh lệch TMĐT giữa các địa phương đang còn tồn tại nhiều năm nay.

https://vtv.vn/kinh-te/165000-shop-ban-hang-roi-san-thuong-mai-dien-tu-20250211203706846.htm