VNReport»Công nghệ»Thế giới số»2,4 tỷ sản phẩm được bán trên các sàn thương mại điện tử trong 9 tháng đầu năm

2,4 tỷ sản phẩm được bán trên các sàn thương mại điện tử trong 9 tháng đầu năm

10:01 - 13/11/2024

Báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) Metric đã cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, đã có 2,4 tỷ sản phẩm được bán trên các sàn TMĐT.

Cụ thể, báo cáo cho thấy, doanh số thương mại điện tử trong 9 tháng năm nay đạt hơn 227.000 tỷ đồng với sản lượng lên tới hơn 2,4 tỷ sản phẩm.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo New E-Commerce của Bain & Company, đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD.

Nói về sự bùng nổ này, ông Lê Nam Trung – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bật mí kế hoạch đồng hành của Bộ Thông tin và Truyền thông với doanh nghiệp.

“Nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển nhiều chương trình, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Ngoài ra, chúng tôi cam kết đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử”, ông Lê Nam Trung cho biết.

Về phía doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội chia sẻ rằng, để đảm bảo vị thế trên thị trường ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp cần ứng dụng các giải pháp số hóa nhằm tối ưu hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Doanh số thương mại điện tử trong 9 tháng năm nay đạt hơn 227.000 tỷ đồng với sản lượng lên tới hơn 2,4 tỷ sản phẩm.

Đáng chú ý, báo cáo cho biết, 2,4 tỷ sản phẩm được bán trên các sàn TMĐT đã trở thành động lực thúc đẩy thị trường logistics tại Việt Nam.

Theo đó, sự tăng trưởng mạnh của TMĐT có tác động rất lớn đến hành vi mua sắm của khách hàng, từ đó thúc đẩy logistics phát triển. Thông thường, logistics sẽ có nhiệm vụ đưa các mặt hàng đến với người tiêu dùng, hoặc đưa hàng hoá từ người tiêu dùng về với nhà sản xuất, đơn vị phân phối.

Trong bối cảnh TMĐT trở nên nhu cầu giao hàng tăng cao, đặc biệt là giao hàng chặng cuối (last-mile delivery). Nhu cầu này buộc các doanh nghiệp logistics phải đầu tư liên tục vào công nghệ, đồng thời không ngừng tìm kiếm giải pháp sáng tạo nhằm tối ưu hóa chi phí, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ người tiêu dùng.

Thực tế, theo bảng xếp hạng của Agility năm 2023, Việt Nam thuộc top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Về cơ hội logistics trong nước, Việt Nam đứng thứ 16 và về cơ hội logistics quốc tế, chúng ta đang đứng vị trí thứ 4. Điều kiện kinh doanh và chỉ số sẵn sàng công nghệ, chúng ta đang được đánh giá lần lượt ở vị trí thứ 19 và 15 của bảng xếp hạng.

Cùng với sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử, kéo theo nhu cầu gia tăng trong giao hàng B2C cũng như sự phát triển của các dịch vụ thương mại quốc tế đang tạo ra những cơ hội tốt thúc đẩy thị trường logistics của Việt Nam. Google dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 57 tỷ USD (CAGR là 51,5%) vào năm 2025.

Trong mùa mua sắm cao điểm cuối năm nay, Metric dự đoán doanh số thương mại điện tử đạt hơn 80.000 tỷ đồng trong quý IV. Trong bối cảnh đó, các công ty logistics hiện đang chuẩn bị sẵn sàng để xử lý khối lượng đơn hàng tăng vọt. Những cải tiến công nghệ không chỉ đáp ứng nhu cầu tăng cao mà còn tạo ra trải nghiệm giao hàng nhanh và an toàn cho khách hàng.

https://vtv.vn/kinh-te/24-ty-san-pham-duoc-ban-tren-cac-san-thuong-mai-dien-tu-20241112083436453.htm