VNReport»Kinh tế»3 rủi ro tài chính với người nghỉ hưu

3 rủi ro tài chính với người nghỉ hưu

08:53 - 30/08/2024

Một cuộc sống an nhàn, không còn áp lực tài chính là mục tiêu của người lao động khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người về hưu thường phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính khác nhau.

Căn cứ Điều 169 Bộ Luật lao động 2019, quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:

– Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

– Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Nghỉ hưu ở độ tuổi này, ngoài mục tiêu tiết kiệm sao cho đủ tiền để đảm bảo mức sống thì người nghỉ hưu cần lường trước các rủi ro có thể sẽ phát sinh. Thực tế, mỗi người sẽ có một mức kỳ vọng riêng vào cuộc sống sau khi nghỉ hưu, tuy nhiên, hầu hết mọi người đều phải đối mặt với những thách thức giống nhau sau khi nghỉ hưu, gồm dòng tiền đều đặn, sống thọ, lạm phát, đầu tư và chi phí y tế.

Đây là chia sẻ của ông Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Quản lý Tài sản và Tài chính cá nhân HSBC Việt Nam trên Vnexpress mới đây. Theo ông, khi lên kế hoạch về hưu, người lao động ở Việt Nam thường chỉ tập trung vào các mục tiêu tiết kiệm mà ít ai chú trọng vào các nhu cầu tài chính có thể phát sinh, gồm dòng tiền đều đặn, sống thọ, lạm phát, đầu tư và chi phí y tế.

Mỗi người sẽ có một mức kỳ vọng riêng vào cuộc sống sau khi nghỉ hưu

Lưu ý đến những vấn đề phát sinh sau khi nghỉ làm này không chỉ giúp người lao động đảm bảo cuộc sống ổn định về tài chính mà còn tạo điều kiện cho người lao động tận hưởng giai đoạn nghỉ hưu một cách trọn vẹn. Do đó, người lao động cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và điều chỉnh kế hoạch tài chính của mình theo những thay đổi trong quy định về tuổi nghỉ hưu, cũng như tình hình cá nhân và thị trường. Trong đó, ông Pramoth Rajendran khuyến nghị 3 rủi ro sau đây nên được tính đến:

Rủi ro tuổi thọ

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, tuổi thọ bình quân của nam giới là 71,1 năm và 76,5 năm đối với nữ. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73,7, tăng khoảng 5 năm so với cách đây 25 năm. Như vậy, dữ liệu cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam khá cao.

Ngày nay, việc sống lâu trăm tuổi không còn là điều mơ mộng khi công nghệ y tế ngày càng phát triển. Tuy nhiên, với nếu các nguồn dành dụm và chi trả cho hưu trí không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, sống thọ lại trở thành một rủi ro ít người nghĩ đến.

Chưa kể đến, ở góc độ kinh tế, khi sống càng thọ, các chi phí y tế nằm ngoài dự liệu cũng có thể phát sinh thêm.

Rủi ro lạm phát

Lạm phát là hiện tượng tăng giá chung một cách liên tục của hàng hoá và dịch vụ theo thời gian. Khi lạm phát xảy ra, giá trị của đồng tiền giảm, nghĩa là bạn sẽ cần nhiều tiền hơn để mua cùng một lượng hàng hóa hoặc dịch vụ so với trước đây.

Khi lạm phát tăng, giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng tăng theo. Điều này dẫn đến giảm sức mua của người nghỉ hưu, khiến họ phải chi tiêu nhiều hơn cho các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, y tế và nhà ở.

Đặc biệt với nhiều người nghỉ hưu không có khoản tiết kiệm mà chỉ phụ thuộc vào lương hưu cố định. Lương hưu cố định sẽ không được điều chỉnh theo lạm phát, nếu giá cả tăng, họ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì mức sống.

Rủi ro đầu tư

Đi kèm với rủi ro lạm phát là rủi ro đầu tư khi người về hưu thường cân nhắc đầu tư để đạt được tăng trị giá vốn (chênh lệch giá mua/bán).

Tuy nhiên, đầu tư rất mạo hiểm. Tài sản rủi ro như cổ phiếu chịu biến động giá lớn, nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn kỳ vọng. Tài sản rủi ro thấp như trái phiếu ít biến động hơn, song lợi nhuận thấp, có thể không giải quyết được rủi ro lạm phát.

Vì thế, theo ông Pramoth Rajendran, một danh mục đầu tư phù hợp với người về hưu phải tạo ra được dòng tiền đều đặn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, đồng thời giải quyết được rủi ro lạm phát nhờ tăng trị giá vốn.

Chia sẻ trên Vnexpress, chuyên gia này khuyến nghị người về hưu nên cân nhắc đưa vào danh mục một số loại trái phiếu, nhằm giảm mức độ biến động và tăng dòng tiền. Ngoài ra, danh mục cũng cần có một lượng phù hợp tài sản rủi ro như cổ phiếu, để nâng khả năng tăng trị giá vốn.

Thực tế, một trong những giải pháp đề phòng các rủi ro và tránh các áp lực tài chính cả ngắn hạn và dài hạn là hoạch định tài chính rõ ràng từ sớm.

Các kế hoạch tài chính phổ biến như gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, chứng khoán hay đầu tư học hành cho con cái… Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng là phương án được nhiều người lựa chọn để vừa tích lũy, vừa bảo vệ chính mình, đảm bảo tương lai và chuẩn bị tốt hơn cho việc nghỉ hưu sau này.

Theo: https://vnexpress.net/3-rui-ro-tai-chinh-it-nghi-den-cua-nguoi-nghi-huu-4752283.html