VNReport»Top»5 biến thể của Covid-19

5 biến thể của Covid-19

14:41 - 29/11/2021

Tính đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới phân loại 5 biến thể là “đáng lo ngại”, gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron.

Có rất nhiều biến thể của virus corona gây ra bệnh Covid-19. Có những biến thể được xếp vào dạng “biến thể đáng quan tâm” hoặc “biến thể đáng lo ngại” vì có khả năng tăng cường lây lan, tăng cường độc lực, và làm giảm hiệu quả của vaccine. Ngoài tên khoa học, tên thông thường của các biến thể này được Tổ chức Y tế Thế giới đặt từ bảng chữ cái Hy Lạp.

Tính đến nay, đã có 8 biến thể từng được xếp vào dạng “đáng quan tâm”, 6 trong số đó không còn nằm trong nhóm này nữa. Đặc biệt, có 5 biến thể được xếp vào dạng “đáng lo ngại”. Đây là các biến thể mà giới nghiên cứu xác nhận bằng chứng cho thấy chúng có khả năng lây lan, độc lực, hoặc lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn.

  1. Alpha

Biến thể Alpha, dòng B.1.1.7, lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 10/2020 ở Anh từ một mẫu được lấy vào tháng 9. Đây là “biến thể được điều tra” đầu tiên vào tháng 12/2020, sau đó được xếp lại vào dạng “biến thể đáng lo ngại”.

Từ tháng 10 đến tháng 12/2020, tỷ lệ mắc biến thể này tăng gấp đôi cứ sau 6,5 ngày. Sự gia tăng của biến thể Alpha cùng lúc với sự gia tăng đáng kể tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở Anh, một phần liên quan đến đột biến N501Y có trong biến thể này. Có một số bằng chứng cho thấy biến thể này có khả năng lây truyền tăng 40-80% so với virus ban đầu. Tuy các phân tích ban đầu cho thấy khả năng gây chết người gia tăng, nhưng nghiên cứu sau đó không tìm thấy bằng chứng về điều này. Tính đến tháng 5/2021, biến thể Alpha đã được phát hiện ở khoảng 120 quốc gia.

  1. Beta

Vào ngày 18/12/2020, biến thể Beta, dòng B.1.351, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và được báo cáo bởi bộ y tế nước này. Các nhà nghiên cứu và quan chức Nam Phi báo cáo rằng tỷ lệ lây nhiễm của biến thể này cao hơn ở những người trẻ tuổi không có bệnh lý nền, và dẫn đến bệnh nặng hơn trong những trường hợp đó so với những biến thể khác. Bộ y tế Nam Phi cũng chỉ ra rằng biến thể này có thể là nguyên nhân gây ra làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 ở nước này do lây lan với tốc độ nhanh hơn so với các biến thể trước đó của virus.

Biến thể Beta chứa một số đột biến cho phép nó gắn vào tế bào người dễ dàng hơn, bao gồm 3 đột biến trong protein gai của virus: N501Y, K417N, và E484K.

  1. Gamma

Biến thể Gamma hay còn gọi là dòng P.1, được xác định là “biến thể đáng lo ngại” vào tháng 1/2022. Biến thể này lần đầu được xác định ngày 6/1/2022 trong 4 người đến Tokyo từ Brazil vào ngày 2/1/2021, bởi Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản. Biến thể này có 17 thay đổi axit amin riêng biệt, 10 trong số đó ở protein gai của nó, bao gồm 3 đột biến đáng lo ngại: N501Y, E484K và K417T.

Biến thể mới không có trong các mẫu được thu thập từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2020 ở thành phố Manaus, Brazil, nhưng có trong 42% mẫu tại đây từ ngày 15 đến 23/12/2020, 52,2% trong thời gian từ 15 đến 31/12 và 85,4% trong thời gian từ ngày 1 đến 9/1/2021. Một nghiên cứu cho thấy những người nhiễm Gamma có thể tạo ra tải lượng virus cao hơn gần 10 lần. Gamma cũng cho thấy khả năng lây truyền cao hơn 2,2 lần.

  1. Delta

Biến thể Delta, còn được gọi là B.1.617.2, là biến thể hiện chiếm ưu thế trên toàn cầu và đã lan rộng đến ít nhất 185 quốc gia. Nó được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10/2020 và kể từ đó đã lan rộng ra toàn cầu. Delta được tuyên bố là “biến thể đáng lo ngại” vào ngày 6/5/2021.

Vào ngày 3/6/2021, cơ quan y tế công cộng của Anh báo cáo rằng biến thể này lây lan nhanh gần gấp đôi so với biến thể Alpha. Cũng trong tháng 6/2021, xuất hiện các báo cáo một biến thể của Delta với đột biến K417N. Đột biến này, cũng xuất hiện trong các biến thể Beta và Gamma, làm dấy lên lo ngại về khả năng giảm hiệu quả của vaccine và tăng nguy cơ tái nhiễm. Theo các nhà khoa học, biến thể này, có biệt danh “Delta Plus”, không có đủ khác biệt để được coi là biến thể riêng biệt với Delta gốc.

  1. Omicron

Biến thể Omicron, dòng B.1.1.529, được tuyên bố là “biến thể đáng lo ngại” bởi Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 26/11/2021; 2 ngày sau khi Nam Phi báo cáo về biến thể này.

Biến thể này có một số lượng lớn các đột biến, trong đó có một số đột biến đáng lo ngại. Cụ thể, Omicron có 32 đột biến ảnh hưởng đến protein gai, mục tiêu của kháng thể và các loại vaccine hiện nay, nhiều đột biến trong số đó hoàn toàn mới. Số trường hợp nhiễm Omicron đang tăng lên ở tất cả các khu vực của Nam Phi. Một số bằng chứng cho thấy biến thể này làm gia tăng nguy cơ tái nhiễm. Các nghiên cứu đang được tiến hành để đánh giá tác động chính xác đến khả năng lây truyền, tỷ lệ tử vong và các yếu tố khác.