VNReport»Top»5 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới năm 2022

5 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới năm 2022

15:44 - 04/01/2023

VN-Index là một trong những chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong năm 2022, cùng với các chỉ số ở những nơi như Nga – nước đang có chiến tranh và Sri Lanka – nước vỡ nợ vào năm ngoái.

2022 là một năm khó khăn với các thị trường chứng khoán toàn cầu, khi mà nhiều thị trường giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Dưới đây là 5 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong năm vừa qua.

  1. MOEX (-37,74%)

MOEX là chỉ số chính của thị trường chứng khoán Moscow, Nga. Đây là chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong năm 2022, mất 37,74% từ 153,22 điểm xuống còn 95,40 điểm.

Chứng khoán Nga giảm mạnh nhất thế giới năm ngoái sau khi nước này mở cuộc chiến tranh nhằm vào Ukraine ngày 24/2, dẫn đến các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây về kinh tế, tài chính, năng lượng … Chỉ số MOEX giảm hơn 20% vào ngày 24/2, trước khi sàn Moscow tạm dừng giao dịch gần 1 tháng và mở cửa trở lại từ ngày 21/3. Sàn giao dịch này cũng phải trực tiếp chịu những lệnh trừng phạt.

  1. Nasdaq (-33,10%)

Chỉ số Tổng hợp Nasdaq – đại diện cho các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ và thế giới – giảm đến 33,10% trong năm 2022, từ 15.644,97 điểm xuống 10.466,48 điểm.

Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm trong năm ngoái vì Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cao, nhưng Nasdaq giảm đặc biệt sâu vì sự nhạy cảm của lĩnh vực công nghệ đối với lãi suất. Đây là lĩnh vực được đánh giá là nhiều rủi ro hơn nền kinh tế chung, với định giá phụ thuộc nhiều vào lợi nhuận dự báo trong tương lai. Khi lãi suất tăng, nhà đầu tư chấp nhận rủi ro ít hơn, đồng thời giá trị của lợi nhuận tương lai chiết khấu về hiện tại cũng thấp hơn.

  1. VN-Index (-32,78%)

Năm 2022, VN-Index giảm từ 1.498,28 điểm xuống còn 1.007,09 điểm, tương đương 32,78%, bất chấp việc nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao: 8,02%. Thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng bởi một loạt các vấn đề trong và ngoài nước, và giảm mạnh từ tháng 4 sau 3 tháng đầu năm giao dịch khá tốt.

Các đợt tăng lãi suất của Fed và những ngân hàng trung ương lớn khác có tác động sâu sắc đến thị trường chứng khoán Việt Nam, với VN-Index giảm theo các thị trường quốc tế trong một số giai đoạn của năm ngoái. Đồng thời, những vụ bắt giữ các chủ doanh nghiệp lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát … và cuộc khủng hoảng thanh khoản bất động sản càng khiến nhà đầu tư tăng cường bán tháo.

  1. ASPI (-30,56%)

Chỉ số ASPI của sàn chứng khoán Colombo, Sri Lanka giảm 30,56% trong năm ngoái từ 12.226,01 điểm xuống 8.489,66 điểm, khi nước này vỡ nợ nước ngoài vào tháng 4, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến đợt biểu tình toàn quốc và buộc tổng thống phải từ chức.

Trước đó, vào năm 2021, chỉ số ASPI đã tăng hơn 80% và là một trong những chỉ số tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 2022, chỉ số này đảo chiều mạnh vì những cuộc khủng hoảng nói trên, có thời điểm rơi xuống dưới 7.000 điểm vào cuối tháng 4. Những tháng cuối năm, chứng khoán Sri Lanka tăng nhẹ khi tình hình giá cả ổn định hơn và những cuộc đàm phán với các chủ nợ tiến triển.

  1. KOSPI (-24,89%)

KOSPI là chỉ số của Sàn Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc. Năm ngoái là năm tệ nhất đối với chỉ số này kể từ 2008, khi nó giảm từ 2.977,65 điểm xuống 2.246,40 điểm, tương đương 24,89%.

ÃÔ¿µ Áø¿¬¼ö

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh vì động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, cũng như sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc do các đợt phong tỏa Covid liên tục trong năm 2022. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một rủi ro đối với chứng khoán Hàn Quốc. Ngoài ra, thị trường bất động sản trong nước đang rơi vào khủng hoảng, gây tác động dây chuyền lên thị trường tài chính.