VNReport»Top»5 công ty bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam

5 công ty bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam

15:05 - 10/02/2022

Petrolimex và PVOIL chiếm gần 70% thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam.

Hiện nay, cả nước có hơn 15.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm. Mặc dù có những lời kêu gọi mở cửa, thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn được điều hành theo chỉ đạo giá, với gần như toàn bộ thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước.

Sau đây là 5 công ty bán lẻ xăng dầu lớn nhất tại thị trường Việt Nam, xếp theo thị phần trong năm 2020.

  1. Petrolimex (49%)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là nhà bán lẻ lớn nhất trên thị trường xăng dầu trong nước, chiếm 49% thị phần. Doanh nghiệp này cũng có mạng lưới phân phối xăng dầu lớn nhất với 5.500 cửa hàng trên toàn quốc.

Petrolimex được hình thành từ việc cổ phần hóa và cấu trúc lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, chính thức thành lập vào ngày 1/12/2011. Năm 2017, Petrolimex bắt đầu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM với mã PLX.

Petrolimex có 43 đơn vị thành viên, bao gồm các công ty kinh doanh xăng dầu ở các địa phương trong nước, ở Lào và Singapore, một công ty nhiên liệu hàng không, và nhiều đơn vị khác trong các lĩnh vực hóa dầu, gas, bảo hiểm …

Công ty có vốn điều lệ 12,9 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2021, Petrolimex đạt doanh thu gần 169 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2020 nhờ giá xăng tăng. Bình quân mỗi ngày, công ty thu hơn 463 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.111 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm trước.

  1. PVOIL

Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty Cổ phần (PVOIL) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được thành lập vào ngày 6/6/2008. Doanh nghiệp này chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/8/2018. Hiện, cổ phiếu của công ty đang niêm yết ở sàn chứng khoán UPCoM dưới mã OIL.

Trong hệ thống PVN, PVOIL tham gia vào các mảng gồm xuất nhập khẩu và kinh doanh dầu thô, cả trong nước cũng như quốc tế; phân phối các sản phẩm xăng dầu; sản xuất, chế biến xăng dầu, dầu mỡ nhờn.

PVOIL chiếm vị trí thứ 2 trên thị trường xăng dầu trong nước với thị phần 19%, đạt sản lượng khoảng 3 triệu tấn/năm. Mạng lưới phân phối của công ty gồm 600 cửa hàng trực thuộc và hơn 3.000 cửa hàng đại lý. Ngoài ra, PVOIL còn có 125 cửa hàng ở Lào, nơi công ty là nhà phân phối xăng dầu lớn thứ 2 với khoảng 15% thị phần.

Năm 2021, PVOIL ước đạt doanh thu hợp nhất 55.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2020 và lợi nhuận trước thuế 884 tỷ đồng.

  1. Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ

Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ – Công ty Cổ phần, hay Thalexim, là nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 3 ở Việt Nam, với thị phần 8%. Mạng lưới phân phối của công ty gồm 900 cửa hàng và đại lý. Trong đó có 700 cửa hàng và đại lý ở 13 tỉnh thành phía Nam, 200 cửa hàng và đại lý ở 9 tỉnh phía Bắc.

Tiền thân của công ty là Xí nghiệp Quốc doanh sơn mài Thanh Lễ – thành lập ngày 25/2/1991. Sau đó, vào ngày 21/10/1992, UBND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) quyết định thành lập Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ theo mô hình doanh nghiệp nhà nước. Ngày 23/12/2017, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài bán lẻ xăng dầu, Thanh Lễ còn tham gia kinh doanh vận tải thủy, bất động sản công nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Thanh Lễ niêm yết cổ phiếu ở sàn UPCoM dưới mã TLP. Công ty chưa cung cấp kết quả kinh doanh quý IV/2021, nhưng trong 3 quý đầu năm ngoái, doanh thu của Thanh Lễ đạt 8,3 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận 46 tỷ đồng.

  1. Saigon Petro

Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, với các lĩnh vực kinh doanh gồm sản xuất, chế biến, bán buôn, bán lẻ xăng dầu và khí đốt; mua bán hóa chất, dung môi các loại.

Thành lập năm 1986 với những tên gọi trước đây là Xí nghiệp liên doanh chế biến Dầu khí TP HCM và Công ty Dầu khí TP HCM, Saigon Petro là một trong những đơn vị đầu mối xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, khí đốt. Tính đến năm 2020, thị phần của Saigon Petro trong thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam đạt khoảng 6%.

Theo giới thiệu của Saigon Petro, hệ thống phân phối xăng dầu của công ty gồm trên 35 tổng đại lý với hơn 1.000 đại lý bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh, thành phố từ Nam Trung Bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Ít công khai thông tin tài chính, nhưng số liệu năm 2019 cho thấy Saigon Petro đạt doanh thu 12.800 tỷ đồng và lợi nhuận thuần 143 tỷ đồng.

  1. Mipec

Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec) thành lập ngày 22/12/2003, hiện đang kinh doanh trong các lĩnh vực xăng dầu, mỡ nhờn, kho bãi cầu cảng, bất động sản, thương mại dịch vụ, bán lẻ, công nông nghiệp.

Cuối năm 2011, Mipec trở thành đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo giấp phép do Bộ Công thương cấp. Trong những năm sau đó, công ty thực hiện các chiến lược mở rộng và phát triển hệ thống phân phối, mạng lưới đại lý. Hiện tại, Mipec sở hữu hệ thống 74 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở cả 3 miền và chiếm thị phần khoảng 6% trên thị trường bán lẻ xăng dầu trong nước.

Trong lĩnh vực bất động sản, Mipec sở hữu các tài sản gồm Mipec City View, Mipec Riverside, Citadines Nha Trang … Công ty cũng có các tài sản trong lĩnh vực bán lẻ là trung tâm thương mại Mipec Long Biên và chuỗi cửa hàng điện máy Pico.

Năm 2020, tổng doanh thu của MIPEC đạt khoảng 5.700 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 7.000 tỷ đồng.