VNReport»Top»5 công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới

5 công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới

11:21 - 20/09/2022

Ngành chuyển phát nhanh tăng trưởng mạnh trong thời kỳ đại dịch nhờ sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến.

  1. UPS

United Parcel Service (UPS) là một công ty quản lý chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa đa quốc gia của Mỹ, được thành lập vào năm 1907. Ban đầu chuyên về điện tín, UPS đã phát triển trở thành một trong những hãng chuyển phát lớn nhất thế giới. Ngày nay, UPS chủ yếu được biết đến với dịch vụ vận chuyển mặt đắt cũng như UPS Store – một chuỗi cửa hàng phục vụ cho dịch vụ chuyển phát của hãng cũng như các dịch vụ cho doanh nghiệp nhỏ.

UPS là hãng chuyển phát có doanh thu lớn nhất thế giới, đạt hơn 97 tỷ USD trong năm 2021, xếp trên các đối thủ DHL và FedEx. Mức doanh thu này tăng mạnh 14% từ con số 85 tỷ USD năm 2020 nhờ nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao trong thời kỳ dịch Covid-19. Sân bay trung tâm quốc tế của UPS ở bang Kentucky là sân bay bận rộn thứ 5 trên thế giới về lưu lượng hàng hóa và thứ 3 ở Mỹ.

  1. FedEx

Tập đoàn FedEx là một công ty đa ngành của Mỹ tập trung vào các dịch vụ chuyển phát, thương mại điện tử và hỗ trợ kinh doanh có trụ sở tại thành phố Memphis, bang Tennessee. Tên hiện tại của công ty là là viết tắt của cái tên trước đây: Federal Express (Chuyển phát nhanh liên bang). FedEx được biết đến nhiều nhất với dịch vụ chuyển phát hàng không, FedEx Express, là một trong những công ty chuyển phát lớn đầu tiên cung cấp dịch vụ giao hàng qua đêm. Sau đó, FedEx cũng mở các dịch vụ vận chuyển đường bộ, chuỗi cung ứng, hỗ trợ kinh doanh … để cạnh tranh với đối thủ chính UPS.

Doanh thu trong năm tài chính gần nhất của FedEx là 93,5 tỷ USD, với lợi nhuận 3,8 tỷ USD. Công ty có 547.000 nhân viên tính đến tháng 5/2022. Sân bay Quốc tế Memphis – cảng hàng không trung tâm của FedEx ­– là sân bay bận rộn nhất thế giới về lưu lượng hàng hóa.

  1. DHL

DHL là bộ phận cung cấp dịch vụ chuyển phát thuộc công ty Deutsche Post của Đức. Nhóm công ty giao hơn 1,6 tỷ bưu kiện mỗi năm. DHL Express dẫn đầu thị trường chuyển phát bưu kiện ở Châu Âu và là nhà cung cấp dịch vụ bưu điện và chuyển phát chính của Đức. Năm 2021, doanh thu của DHL là 81,7 tỷ euro, và công ty sử dụng 400.000 nhân viên.

Bản thân công ty DHL được thành lập tại thành phố San Francisco, Mỹ vào năm 1969, sau đó mở rộng dịch vụ ra khắp thế giới vào cuối những năm 1970. Ban đầu, công ty chủ yếu quan tâm đến việc giao hàng ra nước ngoài và xuyên lục địa, nhưng sự thành công của FedEx thúc đẩy DHL mở rộng dịch vụ trong nội địa nước Mỹ từ năm 1983. Năm 1998, Deutsche Post bắt đầu mua lại cổ phần của DHL, đạt được quyền kiểm soát vào năm 2001 và mua lại tất cả các cổ phiếu đang lưu hành vào tháng 12/2002. Sau đó, Deutsche Post tiếp nhận DHL vào bộ phận chuyển phát nhanh của mình, đồng thời mở rộng thương hiệu DHL cho các bộ phận, đơn vị kinh doanh và công ty con khác của Deutsche Post.

  1. SF Express

SF Express là công ty chuyển phát và logistics đa quốc gia có trụ sở tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc, cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước cũng như quốc tế. SF Express có phi đội 69 máy bay chở hàng, gồm 37 máy bay Boeing 757, 17 máy bay Beoing 737, 13 máy bay Boeing 767 và 2 máy bay Boeing 747 chuyển chở hàng, do công ty con SF Airlines sở hữu.

SF Express được thành lập năm 1993, cung cấp dịch vụ chuyển phát giữa Hong Kong và tỉnh Quảng Đông. SF Airlines đi vào hoạt động từ năm 2009, đến nay đã chuyển chở hơn 2 triệu tấn hàng. Công ty giao dịch cổ phiếu ở sàn chứng khoán Thâm Quyền từ năm 2017. Doanh thu năm 2021 của SF Express là 88,34 tỷ nhân dân tệ.

  1. Tập đoàn Bưu chính Nhật Bản

Tập đoàn Bưu chính Nhật Bản (Japan Post Holdings Company) có trụ sở chính tại khu Chiyoda, Tokyo. Tập đoàn chủ yếu tham gia vào kinh doanh bưu chính và logistics, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ. Công ty cung cấp các dịch vụ vận chuyển thư từ và hàng hóa, bán tem, gửi tiền, cho vay và các sản phẩm bảo hiểm.

Tập đoàn được thành lập vào năm 2006, là kết quả của quá trình tư nhân hóa dịch vụ bưu chính công của Nhật Bản. Tháng 11/2015, tập đoàn này – cùng với 2 công ty con trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm – niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán Tokyo, chào bán 10% cổ phần của mỗi công ty. Đến nay, chính phủ Nhật Bản không còn sở hữu đa số tập đoàn, nhưng vẫn là cổ đông lớn nhất. Doanh thu của toàn bộ tập đoàn năm 2020 là 109,91 tỷ USD, với lợi nhuận 4,44 tỷ USD.