VNReport»Top»5 hãng hàng không Việt Nam

5 hãng hàng không Việt Nam

16:52 - 02/11/2021

Việt Nam hiện có 5 hãng hàng không nội địa chở khách thường xuyên gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines.

Thị trường hàng không Việt Nam ngày càng sôi động trong những năm gần đây. Từ việc chỉ có Vietnam Airlines và các công ty con độc quyền thị trường, sự gia nhập của Vietjet Air đã đẩy mạnh tính cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam. Bamboo Airways, với nguồn vốn dồi dào từ công ty mẹ FLC, là đối thủ đáng gờm mới trên thị trường.

  1. Vietnam Airlines

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1956 với tư cách là Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam sau khi quốc hữu hóa sân bay Gia Lâm. Năm 1989, hãng chính thức trở thành doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước. Vietnam Airlines có trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội, và bay đến 64 điểm đến ở 17 quốc gia với đội tàu bay hơn 100 chiếc.

Trước thập niên 1990, Vietnam Airlines gặp khó khăn về thiết bị do tình hình kinh tế – chính trị chung của đất nước. Sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, hãng có điều kiện mở rộng, cải thiện sản phẩm, dịch vụ và hiện đại hóa đội tàu bay của mình. Năm 1996, chính phủ hợp nhất 20 công ty con để thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Hội đồng quản trị Vietnam Airlines do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chịu trách nhiệm điều hành công ty.

Nhờ vị thế độc quyền của mình cho đến năm 2011, Vietnam Airlines vẫn chiếm thị phần lớn nhất ở thị trường Việt Nam, đạt doanh thu hơn 40 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Hãng còn nắm giữ 100% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines. Hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 86% vốn của Vietnam Airlines.

  1. Vietjet Air

Công ty Cổ phần Hàng không VietJet là hãng hàng không quốc tế giá rẻ lớn nhất Việt Nam. Năm 2007, hãng được Bộ trưởng Bộ Tài chính cho phép hoạt động, là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của đất nước. Vào tháng 11/2011, Vietjet Air bắt đầu thực hiện những chuyến bay đầu tiên. Các chủ sở hữu lớn của Vietjet gồm Sovico Holdings và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP HCM (HDBank). CEO của hãng là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam.

Việc trì hoãn cất cánh từ năm 2007 đến 2011 là do các vấn đề về pháp lý và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tháng 2/2010, hãng hàng không giá rẻ của Malaysia AirAsia lên kế hoạch mua 30% cổ phần của Vietjet, nhưng sau đó rút lại vì “không đạt được sự chấp thuận pháp lý của Việt Nam”.

Vietjet đạt cột mốc 10 triệu khách hàng vào tháng 12/2014, và mốc 100 triệu khách hàng vào cuối năm 2019. Hãng đang sở hữu đội tàu bay gồm 78 máy bay, khai thác 197 đường bay nội địa tại Việt Nam, Thái Lan và đường bay quốc tế tới các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, …

  1. Bamboo Airways

Bamboo Airways là hãng hàng không thuộc sở hữu của tập đoàn FLC, với trụ sở ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Được thành lập năm 2017, hãng bắt đầu cất cánh năm 2019. Đội tàu bay của Bamboo kết hợp cả máy bay thân hẹp lẫn thân rộng, với các trạm trung chuyển chính là sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau khi thành lập, tập đoàn FLC mua 24 máy bay Airbus A320neo trị giá 3,1 tỷ USD vào tháng 3/2018. Sau đó, tập đoàn của tỷ phú USD thứ 2 của Việt Nam – Trịnh Văn Quyết – đặt hàng thêm 20 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner mới trị giá 5,6 tỷ USD. Chuyến bay đầu tiên của Bamboo được thực hiện ngày 16/1/2019, từ TP HCM đến Hà Nội.

Mô hình kinh doanh của Bamboo là kết hợp giữa truyền thống và giá rẻ, mang lại dịch vụ tốt hơn cho hành khách so với các hãng giá rẻ nhưng với chi phí thấp hơn những hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines. Hãng hiện có 29 máy bay đi đến 20 điểm đến trong nước và các điểm đến ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

  1. Pacific Airlines

Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ có trụ sở ở quận Tân bình, TP HCM. Với trạm trung chuyển là sân bay Tân Sơn Nhất, hãng điều hành các chuyến bay nội địa và quốc tế. Từ năm 2008 đến 2020, hãng có tên Jetstar Pacific.

Pacific Airlines bắt đầu vận hành từ năm 1991 với dịch vụ chở hàng. Sau đó, hãng mở rộng sang chở hành khách, dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và sau đó chuyển quyền sở hữu về Nhà nước. Năm 2007, chính phủ bán một phần vốn cho hãng hàng không lớn nhất nước Úc Qantas và bắt đầu chuyển sang mô hình hàng không giá rẻ và đổi tên thành Jetstar Pacific từ tháng 5/2008.

Vào tháng 2/2012, Vietnam Airlines mua lại 70% cổ phần Jetstar Pacific. Cuối năm 2020, Qantas bán lại cổ phần của mình cho Vietnam Airlines và Jetstar Pacific trở về tên cũ là Pacific Airlines. Đội bay của hãng bao gồm 17 chiếc máy bay thân hẹp Airbus A320-200. Trước dịch, hãng có 40 chuyến bay mỗi ngày đến các sân bay trong nước từ sân bay Tân Sơn Nhất và một số chuyến bay đến các nước trong khu vực.

  1. Vietravel Airlines

Công ty TNHH hàng không Lữ hành Việt Nam là hãng hàng không thuộc sở hữu của công ty du lịch Vietravel, có trụ sở tại Huế. Hãng hàng không này bắt đầu vận hành từ tháng 12/2020, với số vốn điều lệ 700 tỷ đồng, do Vietravel góp 100%.

Vietravel đề xuất và gửi hồ sơ thành lập hãng hàng không từ năm 2018. Tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép thành lập Vietravel Airlines. Ngày 26/12/2020, hãng thực hiện những chuyến bay đầu tiên giữa Hà Nội, Huế và TP HCM.

Đội tàu bay của hãng gồm 3 máy bay Airbus A321-200 đi thuê và 1 máy bay Airbus A321neo đang đặt hàng. Hiện, hãng vận hành các chuyến bay nội địa đến 7 điểm đến gồm Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, TP.HCM, Phú Quốc.