VNReport»Top»5 lần dịch bệnh bắt nguồn từ phòng thí nghiệm

5 lần dịch bệnh bắt nguồn từ phòng thí nghiệm

17:09 - 10/06/2021

Điểm lại những lần mầm bệnh từ phòng thí nghiệm là nguyên nhân gây ra các đại dịch.

1. Bùng phát dịch đậu mùa ở Aral (1971)

Vụ bùng phát dịch đậu mùa ở Aral xảy ra vào ngày 30/7/1971 do kết quả của một thử nghiệm vũ khí sinh học của một phòng thí nghiệm của Liên Xô tại một hòn đảo ở biển Aral thuộc vùng Trung Á.

Virus đã lây nhiễm cho 10 người, trong số 3 người tử vong. Đến năm 2002, vụ việc này mới được công bố cho công chúng.

Vào năm 1954, một cơ sở thử nghiệm vũ khí sinh học ở đảo Vozrozhdeniya ở biển Aral đã được mở rộng bởi Bộ Quốc phòng Liên Xô và có tên Aralsk-7. Để có chỗ ở cho các nhân viên và nhà khoa học của phòng thí nghiệm, Liên Xô đã xây dựng thị trấn Kantubek tại đây.

Theo tướng Liên Xô Pyotr Burgasov, việc thử nghiệm 400 gam virus đậu mùa đã làm bùng phát dịch bệnh. Trong 3 nạn nhân tử vong, có 2 trẻ em và một phụ nữ chưa tiêm vaccine, và đều mắc đậu mùa dạng xuất huyết.

Phản ứng với vụ việc này, Liên Xô đã cho tiêm vaccine với khoảng 50.000 cư dân ở Aral. Các lệnh cách ly trong gia đình cũng được ban bố. Giao thông ra vào thành phố bị cấm hoàn toàn, và nhà chức trách đã thiêu hủy 18 tấn đồ gia dụng và khoảng 5.000 m2 không gian sống.

2. Dịch cúm Nga (1977)

Dịch cúm Nga được báo cáo lần đầu vào năm 1977 và kéo dài cho đến 1977. Dịch lần đầu tiên được phát hiện ở miền bắc Trung Quốc vào tháng 5/1977, sớm hơn một chút so với Liên Xô.

Dịch bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những người dưới 25-26 tuổi và khiến 700.000 người chết trên toàn cầu. Một chúng cúm H1N1 gần giống với chủng virus đã xuất hiện trên toàn thế giới từ 1946 đến 1957 là nguyên nhân của đại dịch.

Quá trình phân tích gen và một số các đặc điểm bất thường của chủng cúm này khiến nhiều nhà nghiên cứu kết luận rằng virus đã thoát ra từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm hoặc do một thử nghiệm vaccine thất bại ở Liên Xô hoặc bắc Trung Quốc. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là sự giống nhau đáng kể giữa RNA của virus này và chủng đã xuất hiện từ 1946 đến 1957, khó có thể xảy ra trong tự nhiên do hiện tượng “trôi kháng nguyên” (antigenic drift).

Cả Trung Quốc và Nga đều đã phủ nhận kết luận này.

3. Bùng phát dịch đậu mùa ở Anh (1978)

Dịch đậu mùa ở Anh năm 1978 dẫn đến cái chết của Janet Parker, một nhiếp ảnh gia y tế người Anh, người cuối cùng được ghi nhận chết vì bệnh đậu mùa.

Cuộc điều tra do các chuyên gia chính phủ kết luận rằng Parker đã tình cờ tiếp xúc với một chủng virus đậu mùa được nuôi trong phòng thí nghiệm ở tầng dưới nơi làm việc của cô tại Trường Y Đại học Birmingham. Cách lây nhiễm ban đầu được cho là qua không khí thông qua ống thông khí ít được vệ sinh giữa hai tầng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia sau đó cho rằng điều này khó có thể xảy ra.

Parker tử vong vào ngày 11/9/1978. Trước đó, vào ngày 5/9, người bố 71 tuổi của cô, Frederick Witcomb, chết khi đang cách ly, nguyên nhân được cho là ngừng tim. Tuy nhiên, khám nghiệm tử thi đối với ông không được thực hiện vì nguy cơ lây nhiễm đậu mùa.

Vụ việc này đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong việc nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm ở Anh.

4. Rò rì vi khuẩn than ở Sverdlovsk (1979)

Vào ngày 2/4/1979, bào tử của vi khuẩn than (Bacillus anthracis) đã vô tình rò rỉ từ cơ sở nghiên cứu của quân đội Liên Xô tại thành phố Sverdlovsk, Nga (bây giờ là Yekaterinburg).

Vào ngày 30/3/1979, vi khuẩn bị phát tán từ Doanh trại Quân đội 19, do nhân viên ở đây vận hành máy sấy vi khuẩn than trong khi một bộ lọc ống thải bị tháo ra. Ngày hôm sau, tất cả công nhân ở một nhà máy gốm đối diện bị ốm và hầu hết họ chết trong một tuần sau đó. Đợt bùng phát này đã khiến ít nhất 66 người tử vong.

Nguyên nhân của đợt bùng phát đã bị nhà chức trách Liên Xô phủ nhận trong nhiều năm. Họ đổ lỗi cho việc sử dụng thịt bị nhiễm bẩn ở trong vùng và phơi nhiễm dưới da do những người bán thịt xử lý thịt nhiễm bẩn. Tất cả các hồ sơ y tế của các nạn nhân bị xóa để che giấu việc vi phạm Công ước Vũ khí Sinh học đã có hiệu lực từ 1975. Tuy nhiên, cựu tổng thống Nga Boris Yeltsin, người khi đó là một quan chức tại Sverdlovsk, đã thừa nhận nguyên nhân thật của sự kiện này.

Vụ việc này đôi khi được gọi là “Chernobyl sinh học”.

5. Bùng phát dịch lở mồm long móng ở Anh (2007)

Dịch lở mồm long móng ở Anh xảy ra sau khi virus gây bệnh bị rò rỉ tình cờ từ một phòng thí nghiệm của Viện Thú y ở Surrey, có thể là thông qua hệ thống đường ống hỏng và miệng cống tràn không đậy nắp.

Các dấu hiệu của bệnh được báo cáo lần đầu vào ngày 2/6/2007 tại một trang trại ở Normandy, Surrey. Sau đó, dịch bệnh đã lây lan cho 3 trang trại khác gần đó. Vào ngày 4/8, tất cả gia súc ở 3 địa điểm khác nhau đã bị tiêu hủy. Một lệnh cấm di chuyển bò và lợn được áp dụng toàn quốc. Tổng cộng, dịch bệnh này đã làm chết 2.000 con vật.

Anh đã lập các vùng cách ly ở các khu vực có liên quan. Các đối tác thương mại chính cũng phản ứng bằng cách thiết lập các hạn chế tạm thời đối với các sản phẩm thịt và sữa xuất khẩu của Anh.