VNReport»Top»5 nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất năm 2021

5 nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất năm 2021

11:54 - 28/01/2022

Nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng mạnh trong năm 2021 sau khi rơi vào suy thoái một năm trước.

Sau khi suy thoái ở mức 3,1% trong năm 2020 vì những hạn chế liên quan đến Covid-19, nền kinh tế thế giới phục hồi mạnh – tăng 5,9% trong năm vừa qua theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi tăng trưởng 6,5%. Các nền kinh tế tiên tiến cũng tăng cao, ở mức 5,0%.

Sau đây là 5 nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2021, theo ước tính của IMF.

  1. Thổ Nhĩ Kỳ (11,0%)

Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2021, đạt 11,0%. Để có được mức tăng trưởng này, nước này thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Theo đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan yêu cầu ngân hàng trung ương giảm lãi suất từ 19% xuống 14% để kích thích nền kinh tế. Điều này được các chuyên gia kinh tế cho là liều lĩnh trong bối cảnh lạm phát tăng cao và đồng lira giảm giá nghiêm trọng.

Theo đó, tỷ lệ lạm phát trong năm của Thổ Nhĩ Kỳ là 19,6%. Còn đồng lira mất 44% giá trị so với đồng USD trong năm 2021, mức giảm lớn nhất trong 2 thập kỷ.

Trong 2 năm tới, IMF dự báo nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3,3% mỗi năm.

  1. Argentina (10,0%)

Nền kinh tế Argentina tăng mạnh 10,0% trong năm ngoái, một phần lớn nhờ hiệu ứng mẫu số khi năm 2020, GDP nước này thu hẹp 9,9% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm vừa qua cũng đánh dấu việc Argentina thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu vào năm 2018, vốn trầm trọng thêm trong năm đầu đại dịch.

Nền kinh tế lớn thứ 2 của khu vực Nam Mỹ hồi phục bất chấp ồn ào chính trị liên quan đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 và sự không chắc chắn về cuộc đàm phán nợ với IMF.

Mặc dù tăng mạnh trong năm qua, GDP của Argentina vẫn chưa trở về mức trước đại dịch. Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy sự hồi phục của nước này không bền vững, trong đó có mức lạm phát 50,9% năm vừa qua – cao hàng đầu thế giới.

  1. Ấn Độ (9,0%)

Nền kinh tế Ấn Độ ước tính tăng trưởng 9,0% trong năm 2021 và theo dự báo của IMF, đây cũng là năm đánh dấu việc nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á trở lại với quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch sau khi giảm đến 7,3% trong năm 2020. Tổ chức này dự báo tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ lần lượt là 9,0% và 7,1% trong năm 2022 và 2023.

Tuy có mức tăng trưởng cao, Ấn Độ vẫn phải đối mặt với các vấn đề như lạm phát và việc làm. Tính đến tháng 11/2021, giá tiêu dùng ở nước này đã tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị cao hơn 9%. Theo Sabyasachi Kar thuộc Viện Tăng trưởng Kinh tế, sự hồi phục trong năm 2021 là do nhu cầu của tầng lớp khá giả trong xã hội. Trong khi đó, gần 1/10 các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở nước này phải đóng cửa.

  1. Trung Quốc (8,1%)

Là một trong số rất ít nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020, Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng 8,1% năm vừa qua.

Động lực lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là sản xuất công nghiệp – tăng ổn định trong năm nhờ nhu cầu được giải phóng ở các thị trường tiêu thụ lớn hàng hóa Trung Quốc như Mỹ và châu Âu. Điều này giúp bù đắp cho sự hụt hơi của doanh số bán lẻ.

Một mối lo ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay và các năm sau là sức khỏe của lĩnh vực bất động sản. Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn của nước này như tập đoàn Evergrande đang gặp vấn đề về nợ nần và sự yếu kém trong lĩnh vực quan trọng này có thể lan ra hệ thống tài chính và cả nền kinh tế chung. Trong năm 2022, IMF dự báo GDP của Trung Quốc tăng 4,8%.

  1. Anh (7,2%)

Năm 2021, Anh có nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến (G7). Tuy nhiên, mức tăng 7,2% năm vừa qua vẫn chưa đủ để giúp kinh tế nước này trở về mức trước đại dịch, sau khi giảm đến 9,4% trong năm 2020. Thực tế, trong tháng 11/2021, GDP của Anh đã vượt mức trước đại dịch, nhưng sau đó lại giảm xuống vì đợt lây nhiễm biến thể Omicron hồi cuối năm. Năm 2022, IMF cũng dự báo nước này tiếp tục đứng đầu nhóm G7 với mức tăng trưởng 4,7%.

Nền kinh tế Anh vẫn đối mặt với rủi ro do các hạn chế biên giới liên quan đến đại dịch, gây ra tình trạng thiếu lao động và làm gián đoạn sự di chuyển của hàng hóa. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng. Một rủi ro khác là lạm phát, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do giá năng lượng tăng vọt, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân.