VNReport»Top»5 nước phát thải nhiều khí CO2 nhất

5 nước phát thải nhiều khí CO2 nhất

15:36 - 15/12/2022

Trung Quốc phát thải nhiều khí CO2 nhất thế giới trong năm 2021, cao hơn gấp đôi mức phát thải của Mỹ ở vị trí thứ hai.

Carbon dioxide (CO2) là một loại khí không mùi rất quan trọng đối với sự sống trên Trái đất. Nhưng nồng độ quá cao của loại khí này có thể phá vỡ sự điều hòa nhiệt độ tự nhiên trong khí quyển và dẫn đến nóng lên toàn cầu.

Theo dữ liệu gần đây nhất từ Global Carbon Atlas, trong năm 2021, 5 nước phát thải nhiều khí CO2 nhất là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga và Nhật Bản.

  1. Trung Quốc (11,472 tỷ tấn)

Trung Quốc là nước phát thải khí carbon dioxide nhiều nhất thế giới, với 11,472 tỷ tấn trong năm 2021. Nguồn phát thải CO2 chính ở Trung Quốc là nhiên liệu hóa thạch, đáng chú ý nhất là than đá. Khoảng 55% tổng năng lượng do Trung Quốc tạo ra vào năm 2021 đến từ than đá – loại nhiên liệu phát thải khí CO2 vào khí quyển nhiều nhất.

Ngoài ra, Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu dầu lớn nhất. Diều này góp phần tạo ra lượng khí thải CO2 lớn thông qua các phương tiện giao thông. Trung Quốc có kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào than đá và giảm ô nhiễm nói chung ở các thành phố lớn trong tương lai bằng cách tạo ra nhiều điện hơn từ năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên.

  1. Mỹ (5,007 tỷ tấn)

Mỹ là quốc gia phát thải CO2 lớn thứ hai, với tổng lượng khí thải carbon dioxide 5,007 tỷ tấn vào năm 2021. Các nguồn phát thải CO2 lớn nhất ở Mỹ đến từ giao thông vận tải, sản xuất điện và công nghiệp. Những năm gần đây, Mỹ đã giảm đáng kể mức độ phụ thuộc vào than đá để phát điện, nhưng nước này trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới nhờ sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến vào thập kỷ 2010.

Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực giao thông vận tải, sử dụng xăng dầu cho xe tải, tàu thủy, tàu hỏa và máy bay. Người dân Mỹ đặc biệt phụ thuộc vào ô tô cá nhân làm phương tiện di chuyển chính và điều này cũng góp phần tạo ra khí thải CO2 thông qua xăng và dầu diesel.

Một yếu tố khác đóng góp lớn vào lượng khí thải CO2 ở Mỹ là công nghiệp – đốt nhiên liệu hóa thạch để lấy năng lượng. Ngoài ra, ngành hóa chất của Mỹ sử dụng nhiều phản ứng hóa học để sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu thô. Quá trình này thải ra CO2.

  1. Ấn Độ (2,710 tỷ tấn)

Ấn Độ là nước phát thải CO2 lớn thứ ba, với tổng lượng khí thải carbon dioxide năm 2020 là 2,442 tỷ tấn. Than là nguồn năng lượng chính của Ấn Độ, cung cấp khoảng 45% năng lượng trong nước. Dầu mỏ và các nhiên liệu lỏng khác cung cấp khoảng 26%.

Khí đốt tự nhiên chỉ chiếm 6% tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ. Tuy nhiên, nước này có kế hoạch tăng tỷ lệ sử dụng khí đốt lên 15% vào năm 2030 nhằm giảm ô nhiễm không khí và đốt nhiên liệu sạch hơn.

  1. Nga (1,756 tỷ tấn)

Nga là nước đóng góp lượng khí thải CO2 lớn thứ tư trên thế giới, thải ra 1.577 triệu tấn vào năm 2020. Nga có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, và khí đốt là nguồn năng lượng và phát điện chính trong nước.

Than đá – được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp hóa chất và vật liệu cơ bản khác, và để sản xuất điện – cũng là nguyên nhân chính gây ra lượng khí thải CO2 của Nga. Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn cho các nước khác, chủ yếu ở châu Âu. Tuy nhiên, các khách hàng châu Âu đã giảm nhập khẩu khí đốt của Nga vì cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine, và Nga cũng giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu.

  1. Nhật Bản (1,067 tỷ tấn)

Nhật Bản là nước phát thải CO2 lớn thứ năm, với 1,577 tỷ tấn vào năm 2020. Cơ cấu năng lượng của Nhật Bản đã thay đổi sau sự cố hạt nhân năm 2011 tại Fukushima. Dầu là nguồn năng lượng lớn nhất ở Nhật Bản, với tỷ trọng trong tổng tiêu thụ năng lượng đạt 40% vào năm 2019.

Than vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong tiêu thụ năng lượng ở Nhật Bản: 26%. Khí đốt đang trở nên phổ biến hơn ở Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân và hiện chiếm 21% mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2019. Kế hoạch năng lượng của nước này từ năm 2018 đặt mục tiêu tăng sản lượng điện hạt nhân vào năm 2030 để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.