VNReport»Top»5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu

5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu

17:12 - 15/07/2022

Tác động của biến đổi khí hậu được dự báo sẽ mạnh hơn và đến sớm hơn ở các nước đang phát triển.

Theo các nhà nghiên cứu, hậu quả của biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng hơn trong những thập kỷ gần đây với mực nước biển tăng lên, các hiện thượng thời tiết cực đoan, hạn hán, sa mạc hóa … Những tác động tiêu cực này được cho là sẽ mạnh hơn và đến sớm hơn ở các nước nhiệt đới, thường có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn.

Báo cáo “Hành tinh mong manh 2021” của HSBC Global Research đã xếp hạng 77 quốc gia về khả năng chống chịu hoặc dễ bị tổn thương trước những rủi ro khí hậu. Sau đây là 5 quốc gia được các nhà phân tích đánh giá là dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

  1. Bangladesh

Do vị trí địa lý, dân số đông đúc, thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp, điều kiện sống nghèo nàn và phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, Bangladesh thường được công nhận là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương về môi trường nhất thế giới.

Bão đặc biệt nguy hiểm ở Bangladesh. Một trong những trận tồi tệ nhất là bão Fani, tấn công cả Ấn Độ và Bangladesh vào tháng 5/2019, khiến 89 người thiệt mạng và 28 triệu người bị ảnh hưởng. Thiệt hại kinh tế của bão lên tới 8,1 tỷ USD.

Theo HSBC Global Research, từ năm 2011 đến năm 2020, Bangladesh ghi nhận tỷ lệ thiệt mạng trên dân số do điều kiện thời tiết khắc nghiệt cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Theo Hồ sơ về tình trạng dễ bị tổn thương của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về Bangladesh, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của môi trường theo 3 cách khác nhau. Thứ nhất là mực nước biển dâng cao (do mực nước biển dâng cao 50 cm vào năm 2050, đến 18 triệu người có thể buộc phải di dời). Thứ hai là lượng mưa gia tăng và thất thường hơn. Cuối cùng là tăng mức độ nghiêm trọng và độ dài thời gian của các hiểm họa tự nhiên.

Nước này được dự báo mất 11% diện tích đất do mực nước biển dâng. Lũ lụt và xói mòn sông trở nên khó lường hơn. Hạn hán khắc nghiệt làm mùa màng bị tàn phá.

  1. Nigeria

Theo Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến hàng triệu người di cư mới ở châu Phi hạ Sahara. Tại miền bắc Nigeria, tình trạng sa mạc hóa do biến đổi khí hậu đã buộc những người chăn nuôi ở miền nam phải tìm kiếm vùng đất thích hợp, gây ra những trận chiến chết người với các cộng đồng nông dân. Nhìn chung, Nigeria dễ bị tổn thương trước nhiều loại thiên tai bao gồm lũ lụt, bão, sóng biển, hạn hán và cháy rừng.

Bởi vì nước này dựa vào các ngành công nghiệp nhạy cảm với khí hậu (sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, dầu và khí đốt), sự chậm trễ trong việc giải quyết biến đổi khí hậu có thể tiêu tốn từ 6% đến 30% GDP của đất nước vào năm 2050, tương đương khoảng 100 đến 460 tỷ USD.

Nigeria dự báo sẽ đói mặt với lượng mưa lớn và các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm gián đoạn các con sông và dòng chảy nước mặt trong mùa hè. Sự khô cạn của Hồ Chad đã làm giảm diện tích của nó từ hơn 40.000 km2 xuống 1.300 km2 trong 40 năm qua. Sa mạc Sahara sẽ tiếp tục mở rộng do nhiệt độ tăng

  1. Tanzania

Do nhiệt độ và mực nước biển tăng, thời gian khô hạn kéo dài và những trận mưa lớn dữ dội hơn, Tanzania được coi là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước rủi ro khí hậu. Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), 32% dân số ở Tanzania sống ở các khu vực thành thị với 75% trong số họ sống trong các khu định cư không chính thức, nơi dễ bị tổn thương hơn do thiếu nước, lũ lụt và nhiệt độ bất thường.

Năng suất của các loại cây trồng thiết yếu ở Tanzania như ngô, đậu, cao lương và gạo dự kiến ​​sẽ giảm trong những thập kỷ tới, đe dọa sinh kế và an ninh lương thực. Nhiệt độ trung bình hàng năm tăng từ 1,4 đến 2,3°C. Các đợt nắng nóng tăng thêm từ 7 đến 22 ngày. Lượng mưa trung bình hàng năm tăng từ -3 đến +9%. Mực nước biển tăng từ 16 đến 42 cm. Các sông băng của Kilimanjaro (ngọn núi cao nhất châu Phi) sẽ tan chảy hoàn toàn vào năm 2050.

  1. Bờ Biển Ngà

Sản lượng nông nghiệp ở Bờ Biển Ngà chủ yếu nhờ nước mưa vì chỉ 0,2% tổng diện tích nông nghiệp toàn quốc hiện có nước từ thủy lợi. Do đó, nông dân sản xuất nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Điều này có thể làm giảm nguồn cung cấp lương thực của họ và gia tăng nguy cơ đói nghèo.

Đồng thời, lũ lụt thường ập đến Bờ Biển Ngà, đặc biệt là ở khu vực phía nam, nơi có nhiều mưa nhất. Ngoài ra, dịch bệnh ngày càng trầm trọng hơn do cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu nước sinh hoạt.

Ở phía bắc Bờ Biển Ngà, hạn hán sẽ trở nên tồi tệ hơn ở khu vực trảng cỏ bán khô hạn. Mực nước biển dâng 30 cm cũng sẽ làm giảm diện tích của đất nước có đường bờ biển dài 590 km. Lượng mưa cao hơn, cùng với việc thiếu hệ thống thoát nước thích hợp, làm tăng nguy cơ lũ lụt.

  1. Tunisia

Tunisia đã phải hứng chịu nhiều thiên tai như lũ quét, hạn hán, bão cát và động đất. Nhiệt độ của nước này tăng đáng kể kể từ năm 1900, đạt mức tăng nhiệt độ trung bình là 1,4°C.

Số đêm lạnh và các đợt lạnh ở Tunisia có thể giảm do biến đổi khí hậu. Sản lượng ngũ cốc dự kiến giảm 30% vào năm 2030. Lũ lụt và hạn hán sẽ tác động đến các khu vực ven biển, sa mạc và đô thị, cuối cùng dẫn đến mất mùa và mất ổn định lương thực.

Nhiệt độ tối đa hàng năm tăng 2,3-6,4°C vào năm 2080. Điều này có thể dẫn đến các đợt nắng nóng gay gắt hơn cũng như kéo dài hơn, thêm 78 ngày nắng nóng mỗi năm.