VNReport»Top»5 quốc gia sở hữu nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất

5 quốc gia sở hữu nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất

11:26 - 20/10/2022

Theo Báo cáo tình trạng ngành công nghiệp hạt nhân năm 2022, Mỹ hiện là cường quốc lớn nhất thế giới về năng lượng hạt nhân với 92 lò phản ứng đang hoạt động.

Mỹ

Mỹ hiện là cường quốc lớn nhất thế giới về năng lượng hạt nhân với 92 lò phản ứng đang hoạt động tính tới tháng 7/2022. Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân phát điện tại Mỹ được xây dựng trong giai đoạn 1967-1990, trước khi xảy ra vụ tai nạn tại Nhà máy Three Mile Island.

Năm 2020, điện hạt nhân của Mỹ đáp ứng gần 20% nhu cầu điện của cả nước. Mỹ có những lò phản ứng lâu đời nhất trên thế giới, với tuổi trung bình là 41,5 năm. Chính phủ nước này cũng đang trong quá trình thực hiện một chương trình trị giá 6 tỉ USD để hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân đang gặp khó khăn về tài chính, giúp các nhà máy điện hạt nhân có điều kiện duy trì các lò phản ứng

Pháp

Pháp là quốc gia phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới. Năm 2020, điện hạt nhân cung cấp khoảng 67% nhu cầu điện của Pháp. Hiện Pháp có 56 nhà máy điện vẫn đang hoạt động và một nhà máy đang được xây dựng. Các nhà máy điện có tuổi thọ trung bình gần 37 năm và lò phản ứng mới nhất đi vào hoạt động là năm 1999.

Ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp vô cùng phát triển nhưng đi kèm với đó lại là khoản lỗ lớn. Tính đến cuối năm 2022, nhà cung cấp năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước EDF – nơi điều hành các lò phản ứng của Pháp, dự kiến ​​sẽ có khoản nợ lên tới 60 tỷ euro. Hiện EDF vẫn phải đầu tư khoảng 100 tỷ euro để giữ cho các lò phản ứng cũ hoạt động đến năm 2030. Tuy vậy, mới đây, chính phủ nước này vẫn công bố kế hoạch xây dựng thêm 6 lò phản ứng mới dù vẫn chưa tìm được kho lưu trữ chất thải phóng xạ cao.

Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu sử dụng năng lượng hạt nhân từ đầu những năm 1990 và là quốc gia dẫn đầu thế giới về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Chỉ trong 10 năm qua, 37 lò phản ứng đã đi vào hoạt động. Hiện Trung Quốc có 55 lò phản ứng đang hoạt động và 22 lò phản ứng khác đang được xây dựng.

Tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu điện của Trung Quốc là gần 5% vào năm 2021. Theo Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA), các nhà máy điện hạt nhân đóng góp 2 GW công suất mới trong năm 2021 tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang khảo sát xây kho chứa chất thải phóng xạ cao tại sa mạc Gobi còn thời điểm hiện tại, chất thải hạt nhân vẫn đang được lưu trữ tại chỗ, ngay tại địa điểm các nhà máy điện hạt nhân hoạt động.

Nga

Nga đứng thứ tư trên thế giới về sở hữu các lò phản ứng hạt nhân với 37 lò phản ứng, tăng 4 lò so với thời điểm năm 2012. Hiện Nga đang lên kế hoạch mỗi thành phố, thị trấn sẽ có một nhà máy điện hạt nhân nhỏ gọn với công suất từ 0,5 MW đến 10 MW nằm dưới lòng đất, hoạt động cả cho mục đích quốc phòng và hỗ trợ cuộc sống của khu dân cư. Vào năm 2030, nhà máy điện hạt nhân công suất thấp kiểu này sẽ xuất hiện ở Liên bang Nga.

Không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước, Nga còn chiếm vị trí thống trị trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân với việc kiểm soát khoảng 46% sản lượng uranium làm giàu của thế giới. Hiện có hơn 1/5 số lò phản ứng trên thế giới là do Nga thiết kế, cung cấp dịch vụ và phụ tùng thay thế.

Hàn Quốc

Hàn Quốc hiện có 24 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, tăng thêm 3 lò phản ứng so với thời điểm 10 năm trước. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu là lời cảnh tỉnh để Hàn Quốc củng cố các nguồn năng lượng quốc gia. Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất xây thêm 6 nhà máy hạt nhân vào năm 2036 dù diện tích nước này chỉ tương đương bang Indiana của Mỹ.

Hiện 24 lò phản ứng của Hàn Quốc có khả năng tạo ra công suất điện lên tới 23.250 megawatt. Tuy nhiên, các lò phản ứng được xây dựng dày đặc ở Hàn Quốc với mỗi địa điểm có khoảng 5 triệu dân sinh sống trong bán kính 30km quanh các nhà máy đang gây ra nhiều tranh cãi tại đất nước này. Trong khi nhiều người dân Hàn Quốc ủng hộ mở rộng năng lượng hạt nhân, thì ngược lại, một bộ phận dân số đáng kể lại đang thúc giục chính phủ cắt giảm và thu hẹp quy mô của các nhà máy này.