VNReport»Top»5 thủ tướng Nhật Bản tại vị lâu nhất

5 thủ tướng Nhật Bản tại vị lâu nhất

14:30 - 05/09/2021

Shinzo Abe, người đã từ chức trong năm 2020 vì lý do sức khỏe, là Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Trong thời kỳ nước Nhật hiện đại, đã có 64 người giữ vị trí Thủ tướng Nhật Bản từ năm 1885 đến nay. Trong đó, có nhiều người không giữ được vị trí này trong thời gian dài, bao gồm Thủ tướng đương nhiệm Yoshihide Suga, người đã tuyên bố sẽ từ chức trong năm nay, chỉ sau 1 năm nắm quyền.

Nhưng một số người đã mang lại sự ổn định cho chính trường Nhật Bản khi giữ vị trí Thủ tướng trong nhiều năm. Sau đây là 5 Thủ tướng Nhật Bản tại vị lâu nhất trong lịch sử.

  1. Shinzo Abe (3.186 ngày)

Shinzo Abe là chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP) và Thủ tướng Nhật Bản từ năm 2006 đến 2007 và từ 2012 đến 2020. Với tổng thời gian tại vị 3.186 ngày, ông là người giữ chức Thủ tướng Nhật Bản lâu nhất trong lịch sử.

Abe được bầu vào Hạ viện Nhật Bản trong cuộc bầu cử năm 1993 và được người tiền nhiệm Junichiro Koizumi bổ nhiệm vào vị trí Chánh văn phòng Nội các vào tháng 9/2005, trước khi thay thế Koizumi vào tháng 9/2006, trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản sau Thế chiến II.

Năm 2007, Abe từ chức với lý do bệnh viêm loét đại tràng. Sau khi hồi phục, ông trở lại chính trường với việc lãnh đạo LDP chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/2012 và sau đó chiến thắng áp đảo trong 2 cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2014 và 2017. Vào tháng 8/2020, ông lần thứ hai từ chức Thủ tướng với lý do tái phát bệnh viêm loét đại tràng.

Abe là người có quan điểm dân tộc chủ nghĩa, điều đã gây ra căng thẳng với nước láng giềng Hàn Quốc. Chính sách kinh tế của ông, được gọi là Abenomics, bao gồm nới lỏng tiền tệ, kích thích tài chính và cải cách cơ cấu.

  1. Taro Katsura (2.883 ngày)

Taro Katsura là tướng trong Lục quân Đế quốc Nhật Bản, và đã làm Thủ tướng nước này 3 lần, từ 1901 đến 1906, 1908 đến 1911 và 1912 đến 1913, đạt tổng cộng 2.883 ngày.

Katsura là một vị tướng xuất sắc trong Chiến tranh Nhật-Thanh và giữ vị trí Tổng đốc Đài Loan và Bộ trưởng Bộ Chiến tranh. Katsura được bổ nhiệm chức vụ Thủ tướng vào năm 1901 với tư cách là một ứng cử viên quân đội không thuộc đảng phái nào.

Hai nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của Katsura chứng kiến các sự kiện quan trọng trong lịch sử Nhật Bản như Chiến tranh Nga-Nhật và sáp nhập Triều Tiên.

  1. Eisaku Sato (2.797 ngày)

Eisaku Sato giữ chức Thủ tướng Nhật Bản từ năm 1964 đến 1972. Nhiệm kỳ 2.797 ngày của ông là nhiệm kỳ liên tục dài thứ 2 trong lịch sử, sau nhiệm kỳ 2012-2020 của Shinzo Abe.

Sato gia nhập Quốc hội Nhật Bản năm 1949 với tư cách là thành viên của Đảng tự do, tiền thân của LDP. Sau khi nắm một số vị trí trong nội các, ông kế nhiệm Hayato Ikeda trở thành Thủ tướng vào năm 1964.

Nhiệm kỳ của Sato chứng kiến sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản. Ông cũng đã đàm phán để quần đảo Okinawa (bị chiếm đóng bởi Mỹ từ khi kết thúc Thế chiến II) chính thức trở về Nhật Bản. Việc đưa Nhật Bản tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đã giúp ông có được Giải Nobel Hòa Bình vào năm 1974.

  1. Hirobumi Ito (2.716 ngày)

Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, Hirobumi Ito, dẫn đầu nhóm chính khách cấp cao chỉ đạo các chính sách của Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị.

Là một samurai được đào tạo tại đại học University College London và là nhân vật trung tâm trong cuộc Duy tân Minh Trị, Ito chủ trì nhóm soạn thảo Hiến pháp cho Đế quốc Nhật Bản mới thành lập. Hiến pháp này dựa theo mô hình của Anh và Đức, đặc biệt là Hiến pháp Phổ năm 1850.

Trong những năm 1880, Ito nổi lên là nhân vật quyền lực nhất của chính quyền Minh Trị. Năm 1885, ông trở thành Thủ tướng đầu tiên của đất nước, lần đầu tiên trong tổng cộng 4 lần nắm vị trí này.

Chính sách đối ngoại của Ito bao gồm thắt chặt quan hệ với các nước phương Tây như Đức, Mỹ và đặc biệt là Anh. Ở châu Á, ông lãnh đạo Nhật trong chiến tranh Nhật-Thanh và tìm cách tránh đối đầu với Đế quốc Nga.

  1. Shigeru Yoshida (2.614 ngày)

Shigeru Yoshida là chính khách có vai trò quan trọng trong sự phục hồi của Nhật Bản sau Thế chiến II.

Sau khi Nhật Bản đầu hàng tháng 8/1945 và bị quân Đồng Minh chiếm đóng, Yoshida tham gia Đảng Tự do mới thành lập tháng 11/1945. Cuộc bầu cử năm 1946 đưa đảng này lên nắm quyền, và Ichiro Hatoyama làm Thủ tướng, người sau đó bị bãi nhiệm bởi lực lượng Đồng Minh. Yoshida được bổ nhiệm thay thế và trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 5/1946. Với kinh nghiệm làm ngoại giao ở nhiều quốc gia trước Thế chiến II, Yoshida được lực lượng Đồng Minh cho là ứng cử viên tốt để đứng đầu Nhật Bản.

Sau khi bị thay thế vào năm 1947, ông trở lại vị trí Thủ tướng vào năm 1948. Năm 1951, ông ký Hiệp định San Francisco, chính thức kết thúc thời kỳ chiếm đóng của quân Đồng Minh.

Dưới sự lãnh đạo của Yoshida, Nhật Bản tái thiết cơ sở hạ tầng công nghiệp và đề cao tăng trưởng kinh tế. Học thuyết đối ngoại của ông là dựa nhiều vào liên minh với Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia trong khi tập trung vào tái thiết nền kinh tế.