VNReport»Kinh tế»Tài chính»6 Bước lập kế hoạch chi tiêu khi gia đình có con nhỏ

6 Bước lập kế hoạch chi tiêu khi gia đình có con nhỏ

15:53 - 10/10/2024

Có con nhỏ là một giai đoạn hầu hết mọi gia đình đều sẽ trải qua. Đi kèm với niềm hạnh phúc vô bờ ấy là những áp lực, đặc biệt là về mặt tài chính khi gia đình có thêm thành viên mới. Để đảm bảo rằng gia đình bạn có thể đáp ứng nhu cầu của con cái mà vẫn duy trì được sự ổn định về tài chính, việc lập kế hoạch chi tiêu hợp lý là vô cùng quan trọng.

Kế hoạch chi tiêu là một công cụ quản lý tài chính giúp cá nhân hoặc gia đình xác định và phân bổ ngân sách cho các khoản chi tiêu của bản thân hoặc gia đình trong một khoảng thời gian nhất định, thường là hàng tháng. Mục tiêu của kế hoạch chi tiêu là giúp người tiêu dùng kiểm soát chi phí, tránh lãng phí và đảm bảo rằng họ có đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu.

Đối với những gia đình có con nhỏ, kế hoạch chi tiêu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý tài chính gia đình. Bởi trong giai đoạn này, nhu cầu chi tiêu cho trẻ em thường tăng lên đáng kể. Nó sẽ bao gồm nhiều loại chi phí khác nhau từ phí thực phẩm, quần áo, chăm sóc sức khoẻ, thậm chí là có nhiều khoản phí không tên. Khi con đến tuổi đi học cũng cần chuẩn bị tiền học phí, học thêm, các hoạt động ngoại khoá,… Do đó, ngay từ khi có kế hoạch đón thêm thành viên mới, hãy chuẩn bị cho gia đình mình một kế hoạch chi tiêu, trong đó lập và phân bổ ngân sách cho từng khoản để kiểm soát chi phí hàng tháng.

Nếu có ý định đón thêm thành viên mới, hãy lập kế hoạch chi tiêu từ sớm

Việc lập ngân sách như vậy không chỉ giúp gia đình tránh lãng phí mà còn tạo ra sự chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp, như bệnh tật hoặc tai nạn bất ngờ. Bên cạnh đó, kế hoạch chi tiêu còn giúp gia đình có thời gian và nguồn lực để đầu tư vào các hoạt động phát triển cho trẻ trong tương lai, như học thêm ngoại ngữ, tham gia các lớp học nghệ thuật hoặc thể thao để giúp trẻ phát triển toàn diện, đảm bảo cuộc sống. Vậy cần làm gì để xây dựng kế hoạch chi tiêu khi có con?

Xác định nguồn thu nhập

Đây là bước đầu trong hầu hết kế hoạch chi tiêu.

Hãy liệt kê tất cả các nguồn thu, bao gồm lương, thu nhập từ đầu tư, hoặc bất kỳ khoản thu nào khác. Xác định rõ nguồn thu nhập để có cái nhìn tổng quan về nguồn thu của bản thân cũng như gia đình, từ đó đưa ra những quyết định chính xác.

Lập danh sách các khoản chi tiêu cần thiết

Sau khi biết rõ mình có những gì, hãy lập danh sách các khoản chi tiêu cần thiết.

Khi có con nhỏ, bạn sẽ phải chi vào rất nhiều khoản khác nhau, tuy nhiên nhìn chung, chúng sẽ được chia thành 4 loại chi phí sau:

– Chi phí cho trẻ: Bao gồm sữa, tã, đồ chơi, quần áo và các khoản phí học hành sau này.

– Chi phí sinh hoạt: Tiền thuê nhà, điện nước, thực phẩm, và chi phí sinh hoạt hàng ngày khác.

– Chi phí y tế: Bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ, và các chi phí liên quan đến thuốc men.

– Tiết kiệm: Hãy cố gắng tiết kiệm một phần thu nhập và để riêng khoản này nhằm chi trả cho các mục tiêu khác trong tương lai của trẻ.

Tạo ngân sách chi tiêu

Khi đã lập xong danh sách các khoản cần thiết, hãy lập ngân sách cụ thể cho từng khoản.

Nên xác định mỗi khoản cần bao nhiêu tiền, đề ra một mức chi phí hợp lí và cố gắng không vượt quá chi phí đã đề ra. Quy tắc thường được sử dụng ở bước này đó là 50/30/20: 50% cho các nhu cầu thiết yếu, 30% cho các mong muốn, và 20% cho tiết kiệm.

Theo dõi và điều chỉnh

Theo dõi để kịp thời điều chỉnh là một bước cần thiết bởi lập ngân sách không có nghĩa là bạn sẽ không thay đổi nó, sự thay đổi này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Do đó, cần theo dõi chi tiêu hàng tháng để xem bạn có đang đi đúng hướng hay không, có phát sinh thêm vấn đề gì không. Nếu thấy một khoản chi nào đó tăng quá mức dự kiến, hãy điều chỉnh ngân sách cho các khoản khác để cân bằng lại.

Tìm kiếm các khoản giảm chi phí

Tìm kiếm các chương trình khuyến mại, giảm giá cho các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ hay mua sắm hàng hoá thiết yêu trong các dịp sale online được xem là một phương pháp giúp tiết kiệm chi phí hiệu quả

Đầu tư cho tương lai

Trẻ nhỏ còn cả một hành trình phía trước, do đó việc chi tiêu cho trẻ nhỏ không chỉ là những nhu cầu hiện tại mà còn là sự đầu tư cho tương lai. Hãy dành ra một khoản để đầu tư vào quỹ giáo dục hay các chương trình tiết kiệm dài hạn sẽ giúp bạn yên tâm hơn về tài chính trong tương lai.

https://vtcnews.vn/ke-hoach-chi-tieu-khi-gia-dinh-co-con-nho-ar900511.html