VNReport»Top»6 doanh nghiệp Việt muốn niêm yết trên sàn quốc tế

6 doanh nghiệp Việt muốn niêm yết trên sàn quốc tế

13:41 - 14/12/2021

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa ra kế hoạch huy động vốn thông qua niêm yết trên các sàn chứng khoán nước ngoài, theo phương pháp IPO truyền thống hoặc sáp nhập với SPAC.

Khi Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp trong nước ngày càng nhận được nhiều những khoản góp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những khoản đầu tư này thường thông qua các quỹ và doanh nghiệp nước ngoài. Nhằm gọi vốn từ nhiều nhà đầu tư quốc tế với quy mô lớn hơn, một số doanh nghiệp Việt đang thể hiện tham vọng muốn niêm yết cổ phiếu công khai trên các sàn chứng khoán quốc tế.

  1. VinFast

Vào tháng 4 năm nay, các nguồn tin cho biết Vingroup có kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ cho công ty con VinFast. Nhà sản xuất ô tô Việt Nam hy vọng thu về được 2 tỷ USD thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) này, đưa định giá của VinFast đạt mức 50 tỷ USD.

VinFast dự kiến IPO sớm nhất vào quý II/2021, nhưng vào tháng 5 năm nay, công ty cho biết việc niêm yết sẽ phải lùi lại. Lý do được VinFast đưa ra là các vấn đề về quy định liên quan tới việc sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) – một hình thức niêm yết cổ phiếu mới và ngày càng phổ biến.

Mới đây nhất, Vingroup cho biết VinFast sẽ niêm yết tại Mỹ vào cuối năm 2022. Để phục vụ cho kế hoạch này, Vingroup tái cấu trúc VinFast bằng cách chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của tập đoàn tại VinFast sang một công ty con tại Singapore.

  1. VNG

VNG là startup “kỳ lân” (có định giá trên 1 tỷ USD) đầu tiên của Việt Nam. Được thành lập năm 2004, VNG cung cấp các dịch vụ trò chơi trực tuyến, điện toán đám mây, nền tảng truyền thông, dịch vụ tài chính và thanh toán. Các sản phẩm nổi tiếng của VNG bao gồm trò chơi điện tử Võ Lâm Truyền Kỳ, cổng thông tin điện tử Zing, ứng dụng nhắn tin Zalo, ví điện tử ZaloPay…

Năm 2017, công ty Internet này ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq ở Mỹ. Vào tháng 8 năm nay, xuất hiện thông tin VNG đang tìm hiểu phương án niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập với một SPAC. Vào thời điểm đó, các nguồn tin cho biết giao dịch này có thể định giá VNG ở mức 2-3 tỷ USD.

Nhưng theo thông tin mới nhất, VNG hiện đang nghiêng về phương án IPO truyền thống. Công ty đang tìm cách huy động từ 200 đến 300 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất để chuẩn bị cho việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.

  1. Tiki

Tiki là một trong những doanh nghiệp Việt gần đây bày tỏ tham vọng muốn niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ. Được thành lập vào tháng 3/2010 với tư cách là nhà bán sách trực tuyến, đến nay, Tiki đã phát triển thành một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, thu hút 17,5 triệu lượt truy cập web mỗi tháng.

Nhờ vị thế của Tiki thị trường mua sắm trực tuyến đầy tiềm năng của Việt Nam – dự báo đạt 12 tỷ USD trong năm nay và 56 tỷ USD vào năm 2026 – công ty là một trong những startup được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Gần đây nhất, Tiki huy động được 258 triệu USD trong vòng gọi vốn do công ty bảo hiểm AIA dẫn đầu, đưa định giá của công ty lên gần 1 tỷ USD.

Tiki ban đầu dự định niêm yết tại Mỹ vào năm 2025. Nhưng gần đây, theo người sáng lập và CEO Trần Ngọc Thái Sơn, điều này có thể xảy ra sớm nhất vào năm sau.

  1. Bamboo Airways

Tháng 4/2021, ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch Bamboo Airways – tiết lộ hãng hàng không này dự kiến niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Theo thông tin khi đó, Bamboo muốn IPO tại Sàn Chứng khoán New York trong quý III, với mục tiêu huy động 200 triệu USD thông qua phát hành 5-7% cổ phần. Việc niêm yết thành công có thể đưa định giá của hãng đạt 4 tỷ USD.

Động thái trên của Bamboo được cho là khá táo bạo, khi hãng hàng không này mới bắt đầu có chỗ đứng ở thị trường Việt Nam. Thuộc sở hữu của tập đoàn FLC, hãng mới được thành lập từ năm 2017 và bắt đầu bay từ tháng 1/2019.

Kế hoạch ban đầu của công ty đã thất bại. Nhưng theo cập nhật mới nhất, đại diện Bamboo cho biết hãng sẽ giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM vào quý I năm sau. Song song với đó, công ty cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để có thể IPO tại Mỹ vào năm sau.

  1. The CrownX

The CrownX là công ty con của tập đoàn Masan và nắm giữ trực tiếp 2 mảng kinh doanh có doanh thu lớn nhất của Masan là Masan Consumer Holdings (sản xuất hàng tiêu dùng) và WinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng tiện lợi Winmart+).

Mới được thành lập từ giữa năm 2020, The CrownX đã thu hút được sự chú ý rất lớn của nhà đầu tư quốc tế, thể hiện qua việc huy động được hơn 1,5 tỷ USD. Gần đây nhất, công ty này vừa gọi vốn thành công với trị giá 350 triệu USD từ Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi và Temasek – cơ quan đầu tư của chính phủ Singapore. Vòng gọi vốn này đưa định giá của công ty lên mức 8,2 tỷ USD.

Sau đợt gọi vốn trên, ông Danny Lê – Tổng giám đốc Masan – cho biết The CrownX sẽ IPO trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023-2024.

  1. VinaCapital

VinaCapital là một trong những công ty quản lý đầu tư lớn nhất Việt Nam. Theo trang web của công ty, VinaCapital hiện đang quản lý khối tài sản trị giá khoảng 3,7 tỷ USD. VinaCapital có một quỹ đóng niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán London, và một số quỹ mở ở trong và ngoài nước.

Theo thông tin đầu tháng này, VinaCapital đang làm việc với một cố vấn để thảo luận về khả năng niêm yết cổ phiếu tại Singapore vào năm tới. Việc niêm yết này sẽ thông qua sáp nhập với một SPAC và có thể huy động tới 183 triệu USD. Tuy nhiên, tình hình mới chỉ ở mức thảo luận và vẫn chưa có gì chắc chắn rằng VinaCapital sẽ niêm yết.