VNReport»Top»6 lĩnh vực của giải Nobel

6 lĩnh vực của giải Nobel

10:24 - 06/10/2021

Giải Nobel được trao cho các lĩnh vực: Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế.

Theo di chúc của nhà hóa học và nhà công nghiệp Thụy Điển Alfred Nobel năm 1895, phần lớn tài sản của ông sẽ dành cho “những người, trong năm trước, đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại”.

Giải thưởng này ban đầu được trao cho 5 lĩnh vực: Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế. Năm 1968, Ngân hàng trung ương Thụy Điển lập thêm giải Nobel Kinh tế. Tất cả các giải này đều được coi là danh giá nhất trong các lĩnh vực của mình.

Các giải được trao hàng năm, với phần thưởng năm 2020 là 10 triệu Krona Thụy Điển, tương đương 1,145 triệu USD. Người thắng giải cũng sẽ nhận được một huy chương vàng và một giấy chứng nhận. Một giải thưởng chỉ được trao tối đa cho 3 cá nhân, mặc dù giải Nobel Hòa bình có thể được trao cho các tổ chức hơn 3 người. Giải không được trao cho những người đã mất.

Từ năm 1901, đã có 603 giải Nobel được trao cho 962 người và 25 tổ chức.

  1. Y Sinh

Giải Nobel Y Sinh được trao cho các khám phá xuất sắc trong sinh lý học và y học. Tính đến 2021, 112 giải Nobel đã được trao trong lĩnh vực này, cho 224 người, bao gồm 212 nhà khoa học nam và 12 nữ.

Người đầu tiên nhận giải là Emil von Behring của Đức vào năm 1901, cho công trình của ông về liệu pháp huyết thanh và phát triển vaccine chống bệnh bạch hầu. Gần đây nhất, 2 nhà khoa học người Mỹ đã nhận giải Nobel năm 2021 vì khám phá liên quan đến cơ quan cảm nhận nhiệt độ và tiếp xúc vật lý.

Một số giải thưởng gây tranh cãi. Năm 1949, António Egas Moniz nhận giải nhờ phát minh quy trình phẫu thuật cắt bỏ thùy trán, một quy trình bị chỉ trích mạnh mẽ và ngày càng ít được sử dụng trong những năm sau đó.

  1. Vật lý

Giải Nobel Vật lý dành cho những cống hiến xuất sắc trong ngành vật lý. Tính đến năm 2020, đã có 215 cá nhân nhận được giải thưởng này, trong đó có 4 nhà khoa học nữ.

Giải Nobel Vật lý đầu tiên được trao cho nhà vật lý Wilhelm Röntgen của Đức vào năm 1901 vì phát hiện ra tia X. Gần đây nhất, giải được trao cho các nhà vật lý Roger Penrose của Anh, Reinhard Genzel của Đức và Andrea Ghez của Mỹ vì các phát hiện liên quan đến lỗ đen. Những cái tên nổi tiếng khác từng giành giải này bao gồm Marie Curie năm 1903, Albert Einstein năm 1921, Niels Bohr năm 1922, …

Kể từ năm 1995, các giải Nobel Vật lý chủ yếu được trao cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực vật lý hạt và vật lý nguyên tử.

  1. Hóa học

Giải Nobel Hóa học là 1 trong 5 giải Nobel được trao theo di chúc của Alfred Nobel, lần đầu năm 1901. Giải Nobel Hóa học đầu tiên được trao cho Jacobus Henricus van ‘t Hoff vì “khám phá của ông về các quy luật động lực học hóa học và áp suất thẩm thấu trong các dung dịch”.

Từ 1901 đến 2020, giải đã được trao cho tổng cộng 185 cá nhân. Năm ngoái, 2 nhà khoa học nữ của Pháp và Mỹ nhận được giải thưởng này vì “sự phát triển một phương pháp chỉnh sửa bộ gen”. Trong những năm gần đây, giải thưởng này bị các nhà hóa học chỉ trích vì được trao nhiều hơn cho các lĩnh vực ngoài hóa học như hóa sinh hoặc sinh học phân tử.

Xét về quốc tịch, Mỹ có nhiều nhà khoa học nhận giải nhất với 78 người. Xếp sau là Đức và Anh cùng với 33 người.

  1. Văn học

Theo di chúc của Alfred Nobel, giải Nobel Văn học được trao cho tác giả “trong lĩnh vực văn học, đã sáng tác ra tác phẩm xuất sắc nhất theo xu hướng duy tâm”. Mặc dù vậy, trong hầu hết các trường hợp, giải được trao dựa trên toàn bộ sự nghiệp sáng tác của các tác giả.

Giải Nobel Văn học đã được trao 113 lần từ năm 1901 đến 2020 cho 117 người, bao gồm 101 nhà văn nam và 16 nữ. Người đầu tiên nhận giải là nhà thơ Sully Prudhomme của Pháp và người nhận giải gần đây nhất là nhà thơ Louise Glück của Mỹ. Khác với các giải Nobel khoa học thường được trao cho 2 hoặc 3 người mỗi năm, chỉ cố 4 lần giải Nobel Văn học được trao cho 2 người.

Các tác giả nổi tiếng từng giành giải Nobel Văn học gồm: Winston Churchill năm 1953, Ernest Hemingway năm 1954, Bob Dylan năm 2016…

  1. Hòa bình

Nổi tiếng khi còn sống với tư cách là nhà phát minh thuốc nổ dynamit, Alfred Nobel đã viết trong di chúc của mình rằng muốn trao giải thưởng “cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình”, hay còn được gọi là giải Nobel Hòa bình.

Vì tính chất chính trị của mình, trong phần lớn lịch sử, giải Nobel Hòa bình là chủ đề của nhiều tranh cãi và được giới truyền thông theo dõi sát sao nhất. Tính đến năm 2020, giải đã được trao cho 106 cá nhân và 24 tổ chức, trong đó có 17 phụ nữ. Hai tổ chức đã nhận giải nhiều lần là: Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế 3 lần và Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn 2 lần.

Gần đây nhất, năm 2020, giải được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc. Một người Việt Nam là Lê Đức Thọ đã được trao giải vào năm 1973 nhờ Hiệp định Paris nhưng ông đã từ chối nhận giải.

  1. Kinh tế

Giải Nobel Kinh tế, tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, không nằm trong nhóm các giải thưởng theo di chúc của Alfred Nobel năm 1895. Giải được lập năm 1968 nhờ khoản quyên góp từ ngân hàng trung ương Thụy Điển cho Quỹ Nobel để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng và được quản lý bởi quỹ này, cùng với 5 giải còn lại.

Giải Nobel Kinh tế được trao lần đầu cho nhà kinh tế Jan Tinbergen của Hà Lan và Ragnar Frisch của Na Uy “vì đã phát triển và áp dụng các mô hình động để phân tích các quá trình kinh tế”. Những người nhận giải gần đây nhất là Paul Milgrom và Robert B. Wilson của Mỹ nhờ công trình trong lý thuyết đấu giá.

Tính đến 2020, 52 giải Nobel Kinh tế đã được trao cho 86 cá nhân, trong đó có 2 phụ nữ. Một số giải được trao cho các nhà khoa học ngoài ngành như: nhà khoa học chính trị Herbert A. Simon năm 1978, nhà toán học John Forbes Nash năm 1994, nhà tâm lý học Daniel Kahneman năm 2002.