VNReport»Top»6 thương vụ mua lại lớn nhất lịch sử ngành công nghệ

6 thương vụ mua lại lớn nhất lịch sử ngành công nghệ

16:40 - 27/04/2022

Thương vụ mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD của Elon Musk có quy mô lớn thứ 3 trong lịch sử ngành công nghệ.

  1. Microsoft mua Activision Blizzard (68,7 tỷ USD)

Vào tháng 1 năm nay, Microsoft đã hoàn thành thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ khi tiếp quản gã khổng lồ trò chơi điện tử Activision Blizzard với giá 68,7 tỷ USD. Thỏa thuận trả bằng 100% tiền mặt giúp Microsoft chiến đấu với đối thủ chính trong ngành game là Sony.

Những thương hiệu trò chơi trị giá hàng tỷ USD của Activision Blizzard bao gồm Call of Duty, World of Warcraft và Candy Crush về tay Microsoft sau thương vụ. Microsoft cho biết hãng sẽ kết hợp các tựa game của Activision vào Game Pass – một dịch vụ tương tự như Netflix trong ngành game, nơi người dùng có quyền chơi một danh mục game khi trả phí hàng tháng.

Đây là khoản đầu tư mạnh tay nhất từ trước đến nay của Microsoft trong mảng game, bổ sung vào hệ sinh thái game của hãng bao gồm máy chơi game Xbox và các thương hiệu như Doom và Minecraft – cũng là kết quả của những thương vụ mua lại.

Microsoft cho biết giao dịch này dự kiến chốt vào tháng 7/2023 và giúp doanh thu trong mảng game của Microsoft tăng lên khoảng một nửa.

  1. Dell mua EMC (67 tỷ USD)

Vào năm 2015, Dell mua lại và sáp nhập với tập đoàn lưu trữ mạng EMC, với giá trị kỷ lục khi đó là 67 tỷ USD. Thỏa thuận này giúp Dell – công ty sau đó được đổi tên thành Dell Technologies – trở thành nhà cung cấp hệ thống lưu trữ số 1, nhà cung cấp máy chủ số 2 và nhà cung cấp máy tính cá nhân số 3 vào thời điểm đó.

Khi thực hiện thỏa thuận này, thị trường chủ lực của Dell là máy tính cá nhân đang trong giai đoạn trì trệ. Vì vậy, Dell muốn mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu phục vụ cho ngành điện toán đám mây đang bùng nổ.

Thương vụ trên được tài trợ bởi gần 50 tỷ USD vốn vay. Sau hơn 6 năm, Dell vẫn đang vật lộn với khoản nợ khổng lồ này và phải sử dụng nhiều biện pháp để giảm bớt gánh nặng nợ nần. Một trong số đó là việc bán một phần cổ phần trong công ty điện toán đám mây VMWare – một trong những tài sản có giá trị nhất của EMC trong thương vụ năm 2015.

  1. Elon Musk mua Twitter (44 tỷ USD)

Nếu không có diễn biến bất ngờ mới, Elon Musk sẽ tiếp quản Twitter trong thương vụ mua lại lớn thứ 3 trong lịch sử ngành công nghệ. Tỷ phú này sẽ mua Twitter thông qua một thỏa thuận 100% tiền mặt trị giá 44 tỷ USD, với dự định biến nền tảng mạng xã hội này thành một công ty nội bộ.

Musk cho biết muốn biến Twitter trở thành một “nền tảng cho tự do ngôn luận trên toàn cầu”, và cam kết sẽ “giải phóng” tiềm năng của trang mạng xã hội này.

Chiến dịch mua lại này bắt đầu từ tháng 1 năm nay, khi CEO của Tesla và SpaceX bắt đầu gom cổ phiếu của Twitter, đạt 9% cổ phần công ty khi ông công bố thông tin này vào đầu tháng 4. Sau đó, Musk được mời tham gia hội đồng quản trị của Twitter nhưng ông từ chối.

Ngày 14/4, vị tỷ phú giàu nhất thế giới nộp đề nghị mua lại Twitter. Hội đồng quản trị công ty ban đầu không nhiệt tình với lời đề nghị này, nhưng đã thay đổi thái độ sau khi Musk công bố kế hoạch tài chính cụ thể để tài trợ cho thương vụ và nói chuyện trực tiếp với các cổ đông lớn của Twitter về ý định của mình.

  1. Avago Technologies mua Broadcom (37 tỷ USD)

Avago Technologies mua lại nhà sản xuất chip Broadcom trong một thỏa thuận bằng tiền mặt và cổ phiếu trị giá 37 tỷ USD vào năm 2015. Đây là thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử ngành bán dẫn.

Broadcom là công ty nổi tiếng với chip mạng, được sử dụng rộng rãi trong những chiếc smartphone của Apple và Samsung. Công ty hoạt động theo mô hình “fabless” – nghĩa là chỉ thiết kế chip trong khi thuê đối tác bên ngoài để đúc chip.

Công ty sau sáp nhập sử dụng tên Broadcom nhưng giao dịch với mã cổ phiếu AVGO. Ban đầu có trụ sở tại Singapore, công ty sau đó chuyển đến Mỹ vào năm 2018. Broadcom hiện là một trong những nhà cung cấp các sản phẩm bán dẫn và phần mềm cơ sở hạ tầng lớn nhất ở Mỹ. Năm 2020, Broadcom đứng thứ 4 về doanh thu sau Intel, Micron và Qualcomm.

  1. AMD mua Xilinx (35 tỷ USD)

Nhà thiết kế chip AMD mua lại Xilinx vào tháng 10/2020 trong một thương vụ bằng cổ phiếu trị giá 35 tỷ USD nhằm bổ sung cho gói dịch vụ trung tâm dữ liệu của công ty. Thỏa thuận này giúp AMD cạnh tranh với đối thủ chính Intel bằng ngân sách nghiên cứu và phát triển lớn hơn và dải sản phẩm rộng hơn.

Thương vụ này vừa hoàn thành vào tháng 2 năm nay, với mức giá theo ước tính hiện là 50 tỷ USD do cổ phiếu của AMD tăng giá trong năm qua.

CEO AMD Lisa Su cho biết thương vụ này giúp công ty mở rộng sự hiện diện của mình trong các lĩnh vực bao gồm trung tâm dữ liệu, 5G, công nghiệp, ô tô, hàng không vũ trụ, quốc phòng. AMD cho biết động thái này giúp mở rộng quy mô thị trường có thể tiếp cận được của công ty từ 80 tỷ USD lên 135 tỷ USD.

  1. IBM mua Red Hat (34 tỷ USD)

IBM mua Red Hat – công ty hàng đầu trong lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp – với giá 34 tỷ USD vào tháng 7/2019. Thỏa thuận này nhằm tăng cường các dịch vụ đám mây của IBM và cho phép những công ty sử dụng công nghệ cũ dễ dàng chuyển đổi sang dịch vụ đám mây hơn.

Được thành lập năm 1993, Red Hat chuyên về các hệ thống sử dụng hệ điều hành Linux – hệ điều hành mã nguồn mở phổ biến trong các hệ thống máy chủ.

Đây là thương vụ lớn nhất trong lịch sử hơn 1 thế kỷ của IBM. Trong những năm gần đây, gã khổng lồ công nghệ Mỹ chuyển hướng từ các sản phẩm phần cứng truyền thống sang những lĩnh vực tăng trưởng nhanh hơn như phần mềm và dịch vụ đám mây phục vụ các doanh nghiệp.