VNReport»Top»6 trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam

6 trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam

16:28 - 17/11/2021

Đứng đầu là 2 nền tảng đến từ nước ngoài: Shopee và Lazada.

Thương mại điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là trong đại dịch. Năm nay, ước tính giá trị thương mại điện tử ở nước ta tăng 53%, theo Google, Temasek và Bain & Co.

Sau đây là 6 trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, xếp theo các tiêu chí về lượt truy cập trang web, mức độ phổ biến của ứng dụng di động và số người theo dõi trên mạng xã hội. Những dữ liệu này được thu thập bởi iPrice Việt Nam.

  1. Shopee

Shopee là nền tảng mua sắm trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, đứng đầu về lượng truy cập web (78 triệu lượt/tháng) và độ phổ biến trên iOS và Android. 

Thành lập từ năm 2015, dù tham gia thị trường sau các đối thủ nhưng Shopee nhanh chóng tạo lợi thế và sức ảnh hưởng nhờ tập trung vào các chủ cửa hàng online và khách hàng trẻ. Bên cạnh đó, giao diện web dễ sử dụng, chức năng xử lý đơn hàng nhanh chóng, bộ lọc sản phẩm thông minh cũng là những ưu điểm của Shopee.

Nền tảng này thuộc sở hữu của tập đoàn Sea có trụ sở tại Singapore. Ngoài Đông Nam Á, Shopee còn kinh doanh ở Đông Á và châu Mỹ Latinh.

  1. Lazada

Lazada thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba, có mặt tại Việt Nam từ năm 2012. Lazada đứng đầu về số lượt theo dõi trên Facebook, chỉ xếp sau Shopee về mức độ phổ biến trên các nền tảng di động, và đứng thứ 4 về lượt truy cập trên trang web với 27 triệu lượt/tháng.

Lazada không cung cấp tất cả hàng hóa mà chủ yếu đóng vai trò trung gian giao dịch trực tuyến cho các gian hàng đăng ký bán hàng.

Lazada có trụ sở tại Singapore và hiện diện tại các thị trường lớn ở Đông Nam Á gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

  1. Tiki

Tiki được thành lập vào tháng 3/2010 với tư cách là nhà bán sách trực tuyến. Đến nay, doanh nghiệp này đã phát triển thành một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, thu hút 17,5 triệu lượt truy cập web mỗi tháng và bán hàng trăm nghìn sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng khác nhau.

Tiki đã nhận được hơn 400 triệu USD trong các vòng gọi vốn từ nhiều nhà đầu tư lớn ở châu Á bao gồm công ty VNG của Việt Nam, sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc, Temasek của Singapore, … Định giá của Tiki là gần 1 tỷ USD, biến công ty trở thành một trong những startup giá trị nhất Việt Nam.

  1. Sendo

Sàn thương mại điện tử Sendo.vn được thành lập vào tháng 9/2012, do Tập đoàn FPT làm chủ sở hữu. Sendo là một trong những ứng dụng mua sắm hàng đầu trên điện thoại di động, đứng thứ 3 trên nền tảng Android.

Sendo tuyên bố có hơn 200.000 cửa hàng trên nền tảng, với tổng cộng hơn 10 triệu mặt hàng từ 29 ngành hàng khác nhau. Nền tảng này đã nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ liên minh 8 nhà đầu tư, dẫn đầu bởi SBI Holdings của Nhật Bản. Hiện, cổ đông nước ngoài chiếm khoảng 65% cổ phần của Sendo.

Đầu năm ngoái, Sendo và Tiki đã đàm phán để sáp nhập nhưng thương vụ này sau đó bị hủy bỏ do bất đồng về các điều khoản giữa hai bên.

  1. Thế Giới Di Động

Chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ điện thoại di động, máy tính bảng, laptop và phụ kiện công nghệ ở Việt Nam. Thành lập vào tháng 3/2004, Thế Giới Di Động thành công nhờ sử dụng mô hình kết hợp bán hàng trên trang web với các cửa hàng vật lý.

Thu hút gần 51 triệu lượt truy cập mỗi tháng đến trang web thegioididong.com, trang thương mại điện tử này chỉ xếp sau Shopee về mức độ phổ biến trên mạng. Còn trên các nền tảng di động, Thế Giới Di Động cũng xếp trong top 10.

  1. Điện Máy Xanh

Dienmayxanh.com là trang web bán hàng dành cho chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh. Chuỗi cửa hàng được thành lập từ năm cuối năm 2010 này là mảng bán lẻ các sản phẩm điện máy của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Hiện nay, chuỗi đã mở 1.862 cửa hàng tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước.

Dienmayxanh.com chỉ thua kém người anh em thegioididong.com và Shopee về lượt truy cập trên web, đứng thứ 3 thị trường với 27 triệu lượt/tháng. Trang thương mại điện tử này cũng đứng trong top 10 trên các nền tảng di động.