VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»6 Xu hướng tiêu dùng đáng chú ý tại Việt Nam năm 2025

6 Xu hướng tiêu dùng đáng chú ý tại Việt Nam năm 2025

15:03 - 02/01/2025

Hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam được dự đoán có sự dịch chuyển khi công nghệ số ngày càng phát triển và len lỏi vào đời sống hằng ngày. Trong thời kỳ kinh tế biến động như hiện nay, năm 2025 những xu hướng tiêu dùng nào sẽ định hình thị trường Việt Nam?

Mua sắm đa kênh tăng trưởng mạnh

Không thể phủ nhận sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) trong năm 2024, thậm chí quy mô của TMĐT trong năm qua còn được ước đạt 25 tỷ USD, vượt quy mô dự đoán 3 tỷ USD.

Với sự phát triển này, rõ ràng, ngày càng có nhiều kênh mua sắm online hơn. Điều này tạo ra xu hướng mua sắm đa kênh (omnichannel). Báo cáo từ AppotaPay cũng chỉ ra rằng, 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa và 21% mua để đáp ứng nhu cầu ngay lập tức. Xu hướng này cho thấy sự kết hợp giữa TMĐT và bán lẻ truyền thống ngày càng quan trọng.

Việc kết hợp các kênh mua sắm online và offline không chỉ mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm liền mạch và thuận tiện hơn mà còn giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chính vì thế, doanh nghiệp được khuyên nên đảm bảo tích hợp liền mạch giữa nền tảng online và offline.  Đồng thời cần tận dụng các kênh khác nhau như mạng xã hội, hoặc ứng dụng di động để tăng nhận diện thương hiệu. Hơn nữa cũng cần cải thiện các dịch vụ khách hàng để nâng cao trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng.

Sẵn sàng chi trả cho mặt hàng chất lượng cao, giảm mua sắm các mặt hàng không cần thiết

Theo Báo cáo của Nielsen IQ, có đến 78% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm chất lượng cao hơn, với 64% mong muốn các sản phẩm mang lại trải nghiệm đặc biệt như ở nhà hàng hay khách sạn. Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt có xu hướng quan tâm đến chất lượng sản phẩm hơn là chạy theo xu hướng mới trên thị trường.

Báo cáo cũng chỉ ra người tiêu dùng thận trọng hơn khi chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng. Họ có xu hướng ưu tiên hơn cho các mặt hàng thiết yếu và giảm mua sắm các mặt hàng không cần thiết. Được biết, trong quý 1/2024, có 62% người tiêu dùng Việt Nam cũng lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn và thắt chặt cho các mặt hàng không cần thiết để tiết kiệm. Khoảng 50% người dùng đã giảm bớt mua sắm những món đồ sang trọng, hơn 30% hoãn các chi phí lớn. Khoảng 40% người tiêu dùng đang chi tiêu cẩn trọng hơn do không biết rủi ro gì có thể xảy ra trong tương lai.

50% người dùng đã giảm bớt mua sắm những món đồ sang trọng

Với hành vi tiêu dùng này, các doanh nghiệp cần xem xét phát triển các dòng sản phẩm vừa đáp ứng được chất lượng lại vừa mang lại giá trị trải nghiệm, ví dụ như thực phẩm hữu cơ, sản phẩm thủ công cao cấp,…

Không chỉ thế, do người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi chi tiêu nên cần đảm bảo chất lượng sản phẩm qua các yếu tố như quy trình sản xuất minh bạch, nguyên liệu cao cấp và chứng nhận uy tín nhằm củng cố lòng tin của khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể giảm tỷ lệ từ chối mua nhờ thông tin về nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng thông qua dữ liệu thông tin khách hàng.

Ưu tiên chăm sóc sức khoẻ

Người tiêu dùng đang xu hướng tập trung vào các sản phẩm thiết yếu và chăm sóc sức khỏe. Được biết, thay vì chỉ quan tâm đến việc chữa bệnh khi ốm đau, người tiêu dùng đã chủ động hơn trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân. Bằng chứng là bên cạnh nhu yếu phẩm và quần áo, các sản phẩm y tế cũng được người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên hàng đầu.

Theo đó, Báo cáo mới đây về xu hướng tiêu dùng của PwC cho biết, có gần 60% số người được hỏi cho biết đã ăn nhiều trái cây và rau quả tươi hơn trong sáu tháng qua với ý định tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh hơn, với 20% dự định cắt giảm thịt đỏ. Khoảng một phần ba (31%) đang để mắt đến các loại thịt có nguồn gốc thực vật, trong khi 42% đang có kế hoạch ăn nhiều hải sản hơn.

Hơn nữa, các sản phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng, dịch vụ khám chữa bệnh hiện đại và các hình thức tập luyện đa dạng đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp, nắm bắt nhu cầu cao này nhằm đáp ứng mong đợi của khách hàng trong dịp Tết 2025 đang đến gần. Đầu tư vào dòng sản phẩm giàu chất xơ, ít đường, có nguồn gốc thiên nhiên hoặc thay thế thịt bằng thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Tăng cường đầu tư vào các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường

PcW đã chỉ ra, ngày nay, có 94% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ đã trải qua những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong cuộc sống hàng ngày và nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình với môi trường. Điều này mở ra xu hướng ưa chuộng các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, người tiêu dùng còn sẵn sàng chi trả hơn 20% cho các sản phẩm làm từ vật liệu tái chế hoặc thân thiện với môi trường và 85% sẵn sàng mua xe điện hoặc xe hybrid trong vòng 3 năm tới. Với kết quả khảo sát này, doanh nghiệp cần đặt tính bền vững làm yếu tố cốt lõi trong chiến lược marketing để xây dựng niềm tin lâu dài với khách hàng.

Niềm tin và sự tín nhiệm thương hiệu được chú ý

Người tiêu dùng Việt có xu hướng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các thương hiệu tin cậy. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm được chia sẻ một cách nhanh chóng như hiện nay, người tiêu dùng ngày càng có nhiều kênh để tìm hiểu và đánh giá về một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Do đó, để có được niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực để cung cấp những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, xây dựng một hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ và tạo ra những trải nghiệm mua sắm tốt.

Tin tưởng sự hỗ trợ của AI

Trong kỷ nguyên số, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người tiêu dùng tìm đến sự hỗ trợ của AI khi mua sắm.

Từ việc sử dụng trợ lý ảo để đặt hàng, đến việc nhận được các gợi ý sản phẩm cá nhân hóa, AI đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, y tế và tài chính, AI cũng ngày càng chứng tỏ được vai trò quan trọng của mình.

Trong nghiên cứu của PwC, hơn một nửa số người tiêu dùng sẽ tin tưởng AI sẽ hỗ trợ họ trong các hoạt động có rủi ro thấp, nhưng lại tin tưởng vào các hoạt động có rủi ro cao hơn. Khảo sát cũng cho thấy hơn một nửa cảm thấy thoải mái khi sử dụng AI để thay thế sự tương tác của con người trong các hoạt động có rủi ro thấp.

Để không bị “bỏ lại phía sau”, doanh nghiệp nên sử dụng AI để hỗ trợ khách hàng. Đồng thời hãy thử kết hợp với các công cụ trí tuệ nhân tạo mới nhất để hiểu hành vi tiêu dùng và đưa ra đề xuất phù hợp với từng cá nhân.

https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/345398-kham-pha-6-xu-huong-tieu-dung-dang-chu-y-tai-viet-nam-nam-2025