VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»62% người tiêu dùng Việt xem livestream để mua sắm

62% người tiêu dùng Việt xem livestream để mua sắm

12:00 - 18/11/2024

Theo báo cáo gần đây của Metric, 38% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết họ dành 1 – 3 giờ mỗi tuần để xem livestream và với 62% số người được khảo sát cho biết mục tiêu xem livestream của họ là mua sắm.

Livestream bán hàng là hình thức tiếp thị và bán sản phẩm trực tiếp qua video trực tuyến, thường được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội hoặc một số sàn thương mại điện tử như Facebook, Instagram, TikTok hoặc Shopee. Trong quá trình livestream, người bán hàng sẽ giới thiệu sản phẩm, tương tác với khán giả, và thực hiện giao dịch ngay trong thời gian thực.

Hiện nay, livestream bán hàng là hình thức phổ biến tại Việt Nam. Theo đó, báo cáo quý 3/2024 mới nhất của Decision Lab, Facebook hiện đang là nền tảng dẫn đầu về độ phủ sóng, chiếm 62% thị phần livestream. Tiếp nối ngay sau đó là TikTok, với tỷ lệ thâm nhập là 53%.

TikTok nhanh chóng thu hút lượng lớn người tiêu dùng với xu hướng “Shoppertainment” – mua sắm kết hợp giải trí thông qua các phiên livestream. Nghiên cứu của Wifi Talents năm 2024 cũng khẳng định Live Shopping đang làm khuynh đảo thị trường thương mại điện tử, với 73% người dùng nhấn nút “Mua ngay” sau khi theo dõi các phiên livestream.

Đặc biệt, AccessTrade Việt Nam còn cho biết việc mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026. Một trong những lĩnh vực ghi nhận sự bùng nổ kinh ngạc qua livestream đó là thời trang. Riêng trong lĩnh vực thời trang, mua sắm qua livestream hay Live Shopping ghi nhận sự bùng nổ đáng kinh ngạc. Theo số liệu do Công ty Wifi Talents tổng hợp vào năm 2024, thời trang và làm đẹp là ngành hàng chiếm lĩnh thị trường mua sắm qua livestream, đóng góp hơn 50% tổng doanh thu. Capital One Shopping Research còn chỉ ra khách hàng châu Á yêu thích mua sắm thời trang trên e-commerce hơn bất kỳ thị trường nào khác.

Thời trang và làm đẹp là ngành hàng chiếm lĩnh thị trường mua sắm qua livestream

Đáng chú ý, bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, có sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán. Người Việt dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng, rút hầu bao mua hàng online đứng thứ 11 thế giới. Trong đó có 38% người được hỏi cho biết họ dành 1 – 3 giờ mỗi tuần để xem livestream và với 62% số người được khảo sát cho biết mục tiêu xem livestream của họ là mua sắm. Trong đó, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam gọi tên Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%).

Dù TikTok shop không dẫn đầu về độ phổ biến nhưng trong hơn 2 năm qua, đây là mạng xã hội thúc đẩy nhanh chóng và định hình lại xu hướng mua hàng thông qua mạng xã hội (Social Commerce), khiến trải nghiệm mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đa dạng hơn với liên tục xuất hiện các phiên livestream khủng từ KOL hay KOC.

Hơn nữa, bên cạnh các sản phẩm bình dân, giá thấp. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều thương hiệu cao cấp với các mặt hàng có tên tuổi và giá trị cao cũng bắt dâud ngày xuất hiện nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử và livestream bán hàng. Tiêu biểu như Sulwhasoo, Estee Lauder, Yves Saint Laurent…

Điều này chứng tỏ livestream bán hàng đang là xu hướng nổi bật trên các sàn thương mại điện tử, thậm chí trong tương lai nó có thể vẫn là xu hướng mà nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện nay, người tiêu dùng yêu thích mua sắm trực tuyến ngay trên các livestream bởi trong khi nhãn hàng giới thiệu sản phẩm, người tiêu dùng có thể xem xét, đánh giá trực quan sản phẩm đó ngay trên sóng livestream. Chưa kể đến hàng loạt ưu đãi xuất hiện trong phiên lives, cũng được xem là một điểm thu hút và giữ chân người tiêu dùng.

Nhờ vào không gian liền mạch giữa mua hàng và giải trí, nhãn hàng có thể dễ dàng giới thiệu sản phẩm, cho người mẫu thử kích cỡ, màu sắc một cách trực quan ngay trên phiên phát sóng. Từ đó, người dùng có thể tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức mà vẫn tự tin “thêm vào giỏ hàng” cũng như hưởng thêm hàng loạt ưu đãi hấp dẫn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh người người livestream như hiện nay, đòi hỏi người làm livestream phải vô cùng sáng tạo và tích cực đổi mới để ghi dấu ấn với người tiêu dùng. Đặc biệt, để khắc phục sự chênh lệch giá cả giữa sản phẩm bình dân và sản phẩm cao cấp, các thương hiệu cao cấp có thể xây dựng kịch bản livestream sáng tạo, mang tính bất ngờ và gây yếu tố mong chờ để tận dụng tốt việc bán hàng qua livestream.

Nhìn chung, livestream bán hàng đang làm nên cuộc cách mạng trong trải nghiệm mua sắm trực tuyến tại Việt Nam. Hình thức đã mang lại những trải nghiệm mới mẻ và thú vị cho khách hàng. Hơn nữa các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt dành riêng cho người xem không chỉ tạo động lực để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ngay lập tức mà còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường rộng lớn. Livestream bán hàng đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của nhiều thương hiệu tại Việt Nam.

https://vneconomy.vn/bung-no-xu-huong-tieu-dung-livestream.htm