VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»68% người Việt Nam so sánh giá trước khi mua hàng

68% người Việt Nam so sánh giá trước khi mua hàng

12:04 - 17/07/2024

Một khảo sát của NielsenIQ Việt Nam cho thấy người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến giá cả khi mua sắm.

36% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến để tìm giá tốt hơn và 68% kiểm tra giá hầu hết sản phẩm qua các kênh khác trước khi mua, tăng 19% so với trước đại dịch 2019, theo một khảo sát của NielsenIQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Cao Ngọc Dũng – giám đốc cấp cao phụ trách phát triển thị trường đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam – chia sẻ các dữ liệu trên tại một sự kiện ngày 16/7 ở TP HCM.

Theo đó, 36% người tiêu dùng cho biết họ mua sắm trực tuyến để tìm được mức giá tốt hơn và tiết kiệm chi phí vận chuyển. Người tiêu dùng ưu tiên mua những thương hiệu quen thuộc nếu giá không thay đổi quá nhiều.

36% người tiêu dùng cho biết họ mua sắm trực tuyến để tìm được mức giá tốt hơn.

36% người tiêu dùng cho biết họ mua sắm trực tuyến để tìm được mức giá tốt hơn.

Khoảng 35% ưu tiên mua sắm tại các cửa hàng có khuyến mại hoặc giá tốt hơn. Chẳng hạn, cuối năm ngoái, siêu thị Emart ở Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP HCM đã tung ra hàng loạt khuyến mại sốc khiến cửa hàng quá tải.

Các chiến lược tiết kiệm tiêu dùng khác bao gồm chuyển sang những lựa chọn có giá tốt hơn và kiểm soát tổng chi tiêu cho mỗi giỏ hàng.

Theo ông Dũng, người tiêu dùng cũng rất am hiểu về giá cả, đặc biệt chú ý đến sự thay đổi giá của sản phẩm họ chọn mua.

Cuộc khảo sát người tiêu dùng ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, với 31% người trả lời nói rằng họ biết giá của tất cả các sản phẩm họ định mua, 37% khẳng định họ nắm rõ giá sản phẩm và luôn chú ý đến diễn biến giá sản phẩm. Có tới 68% người tiêu dùng nói rằng họ biết và quan tâm đến giá cả, tăng từ mức 58% trong năm 2023.

Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm sản phẩm khuyến mại từ những thương hiệu họ yêu thích hơn là các chương trình khuyến mại tràn lan.

Về hành vi mua sắm trên kênh online và offline, có sự khác biệt giữa các ngành. Người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên mua sắm trực tiếp các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, trong khi kênh trực tuyến sẽ chủ yếu tập trung vào các sản phẩm khác ngoài thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cá nhân, ông Dũng cho biết.