VNReport»Top»7 đồng tiền dự trữ phổ biến nhất thế giới

7 đồng tiền dự trữ phổ biến nhất thế giới

15:11 - 29/09/2022

Đồng dollar Mỹ chiếm gần 60% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu.

Đồng tiền dự trữ là ngoại tệ được các ngân hàng trung ương nắm giữ trong dự trữ ngoại hối của mình. Nó có thể được dùng trong giao dịch quốc tế, đầu tư quốc tế và các khía cạnh khác của nền kinh tế toàn cầu.

Trong lịch sử, bảng Anh là đồng tiền dự trữ chính của thế giới trong thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ 20, dollar Mỹ trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu. Nhu cầu dollar Mỹ của thế giới giúp chính phủ nước này vay với chi phí thấp hơn, tiết kiệm ngân sách hơn 100 tỷ USD mỗi năm.

Theo báo cáo Thành phần Tiền tệ của Dự trữ Ngoại hối do Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố, các đồng tiền sau đây chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương toàn cầu.

  1. Dollar Mỹ (58,9%)

Đồng dollar Mỹ là đồng tiền dự trữ phổ biến nhất thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thay thế cho đồng bảng Anh. Theo các điều khoản của hiệp định Bretton Woods năm 1944, các cường quốc chấp nhận sử dụng đồng tiền của Mỹ làm đồng tiền dự trữ chủ yếu của thế giới và là đồng tiền duy nhất gắn với vàng vì Mỹ có lượng dự trữ vàng lớn nhất thế giới.

Mặc dù liên kết giữa đồng dollar Mỹ với vàng bị cắt từ năm 1971, đồng bạc xanh vẫn là đồng tiền dự trữ số một, chiếm 58,9% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu tính đến quý I/2022.

  1. Euro (20,1%)

Kể từ khi được phát hành, đồng euro đã là đồng tiền dự trữ quốc tế phổ biến thứ hai sau dollar Mỹ. Tỷ lệ của đồng tiền chung châu Âu trong dự trữ ngoại hối toàn cầu tăng từ 18,3% năm 2000 lên mức cao nhất 27,7% năm 2009 và ở mức 20,1% đầu năm nay.

Mặc dù thu hẹp khoảng cách với đồng dollar Mỹ trong cơ cấu dự trữ của các ngân hàng trung ương trong thập kỷ 2000, nhưng tỷ lệ dự trữ đồng euro lại giảm trong thập kỷ 2010 vì khủng hoảng nợ công châu Âu.

  1. Yên (5,4%)

Đồng yên Nhật được sử dụng làm dự trữ ngoại hối nhiều thứ ba thế giới, sau dollar Mỹ và euro. Tỷ trọng của nó trong các kho dự trữ ngoại hối toàn cầu tính dến cuối quý I/2022 là 5,4%.

Con số này giảm đáng kể so với mức đỉnh 9,4% vào năm 1990, do chính sách lãi suất siêu thấp của Nhật Bản trong những thập kỷ sau đó và tỷ trọng của nền kinh tế Nhật Bản giảm trong quy mô kinh tế toàn cầu.

  1. Bảng Anh (5,0%)

Bảng Anh là đồng tiền dự trữ chính của thế giới trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Vị thế đó không còn khi Anh gần như phá sản sau 2 cuộc chiến tranh thế giới, và USD trở thành đồng tiền dự trữ chính của các ngân hàng trung ương.

Năm 1965, tỷ trọng dự trữ của bảng Anh vẫn lên đến 25,8%, nhưng nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 3,4% vào năm 1975. Tính đến quý I/2022, nó là đồng tiền dự trữ phổ biến thứ tư với tỷ trọng 5,0%.

  1. Nhân dân tệ (2,9%)

Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong cơ cấu dự trữ ngoại hối thế giới tăng nhanh trong những năm gần đây, từ mức 1,1% năm 2016 lên 2,8% đầu năm 2022. Sự phổ biến của đồng nhân dân tệ được cải thiện nhờ giao dịch thương mại giữa các nước với Trung Quốc ngày càng lớn.

Tuy nhiên, tỷ trọng dự trữ của đồng nhân dân tệ vẫn thấp hơn nhiều so với quy mô kinh tế Trung Quốc – vốn chiếm 18,4% tổng GDP toàn cầu. Điều này một phần là do chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ tỷ giá và dòng vốn ra vào đất nước.

  1. Dollar Canada (2,5%)

Một số ngân hàng trung ương ở các nước châu Mỹ, đặc biệt là ở vùng Caribe, giữ dollar Canada trong kho dự trữ ngoại hối của mình.

Dollar Canada hiện chiếm khoảng 2,5% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, được đánh giá cao nhờ sự lành mạnh của nền kinh tế Canada, cũng như sự ổn định của hệ thống pháp luật và chính trị nước này.

  1. Dollar Úc (1,9%)

Dollar Úc là một đồng tiền dự trữ tương đối phổ biến ở Châu Á – Thái Bình Dương, tương tự như vai trò của dollar Canada ở châu Mỹ. Các yếu tố đóng góp vào sự phổ biến này bao gồm sự ổn định của nền kinh tế và chính phủ Úc, và việc ngân hàng trung ương nước này hiếm khi can thiệp vào tỷ giá.

Tính đến cuối quý I/2022, đồng tiền này chiếm 1,9% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu. Vì nền kinh tế Úc phụ thuộc nhiều vào khoáng sản, tỷ lệ này thường cao hơn khi các loại nguyên liệu thô đang trong chu kỳ tăng giá.