VNReport»Top»7 nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu

7 nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu

15:22 - 11/10/2021

3 nước Đông Nam Á đứng đầu thế giới về sản xuất cao su thiên nhiên, trong đó Việt Nam đứng thứ 3.

Cao su là một trong những cây công nghiệp quan trọng nhất thế giới, được sử dụng trong việc sản xuất nhiều mặt hàng hữu ích, bao gồm lốp xe, giày dép, dây cáp, găng tay… Trong đó, phổ biến nhất là lốp xe, sử dụng 70% lượng cao su thiên nhiên của toàn thế giới.

Để trồng được cây cao su, phải có điều kiện khí hậu nhiệt đới, với lượng mưa cao. Vì vậy, hầu hết những nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu đều nằm ở châu Á. Sau đây là 7 nước sản xuất cao su thiên nhiên nhiều nhất thế giới, theo số liệu năm 2020 của Statista.

  1. Thái Lan (4,37 triệu tấn)

Thái Lan đứng đầu về sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới. Đất nước Đông Nam Á này có khí hậu gió mùa ẩm, loại khí hậu thích hợp nhất cho sự phát triển sinh dưỡng của cây cao su. Khu vực miền nam Thái Lan có đồn điền cao su lớn nhất thế giới.

Thái Lan sản xuất 4,37 triệu tấn cao su thiên nhiên năm 2020, và diện tích trồng cao su là hơn 3 triệu ha. Sản lượng của nước này chiếm hơn 1/3 sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Các công ty sản xuất lốp xe như Bridgestone, Michelin và Yokohama là những khách hàng chính của ngành cao su Thái Lan.

  1. Indonesia (3,04 triệu tấn)

Indonesia chiếm khoảng 23% sản lượng toàn thế giới, đạt 3,04 triệu tấn trong năm ngoái và diện tích trồng cao su là hơn 3,5 triệu ha. Như vậy, năng suất cao su trên một đơn vị diện tích của Indonesia thấp hơn Thái Lan.

Cây cao su được trồng ở Indonesia từ đầu thế kỷ 20, với hạt giống từ Anh. Sự phù hợp của cây cao su với khí hậu nhiệt đới ẩm đã thúc đẩy ngành nông nghiệp cao su ở Indonesia, với một số khu vực có lượng mưa lên tới hơn 2.000 mm/năm. Những người trồng cao su ở Indonesia là nông dân nhỏ lẻ, chiếm hơn 3 triệu ha tổng diện tích canh tác.

  1. Việt Nam (1,22 triệu tấn)

Khu vực Đông Nam Á chiếm 3 vị trí đầu tiên trong danh sách này, nhờ sự vươn lên của Việt Nam trong những năm gần đây, đưa nước ta thành nhà sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới. Năm 2020, sản lượng cao su của Việt Nam là 1,22 triệu tấn, với diện tích trồng là gần 1 triệu ha.

Khu vực Đông Nam Bộ, xung quanh TP HCM, là vùng trồng cao su truyền thống và quan trọng nhất của đất nước. Ngoài ra, cây cao su còn xuất hiện ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc. Việt Nam xuất khẩu phần lớn sản lượng cao su thiên nhiên ra thị trường quốc tế.

  1. Bờ Biển Ngà (950.000 tấn)

Ở khu vực Tây Phi, các đồn điền cao su xuất hiện đầu tiên ở Liberia nhưng Bờ Biển Ngà đã vượt nước này trong thời gian ngắn. Từ mức sản lượng chỉ 170.000 tấn năm 2005, Bờ Biển Ngà hiện đang đứng thứ 4 thế giới với sản lượng 950.000 tấn trong năm ngoái.

Đây là quốc gia sản xuất cao su lớn nhất ở Châu Phi, chiếm 80% tổng sản lượng của châu lục này, và xuất khẩu hầu hết sản phẩm sang các nước Châu Âu. Cao su là nông sản quan trọng thứ 2 của Bờ Biển Ngà, nước xuất khẩu hạt cacao nhiều nhất thế giới. Trong những năm gần đây, một số đồn điền đã chuyển từ trồng cacao sang cao su.

  1. Trung Quốc (693.000 tấn)

Mặc dù là một trong những nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới, nhu cầu cao su của Trung Quốc – nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới – là khổng lồ, chiếm khoảng 40% mức tiêu thụ của toàn thế giới. Vì vậy, nước này nhập khẩu cao su thiên nhiên với số lượng lớn.

Các đồn điền cao su của Trung Quốc nằm trên những ngọn đồi ở phía đông nam nước này, trong lưu vực sông Dương Tử và vành đai ven biển, với tỉnh trồng cao su nhiều nhất là Vân Nam. Năm 2020, nước này sản xuất 693.000 tấn cao su.

  1. Ấn Độ (685.000 tấn)

Ngành trồng cao su đã được giới thiệu ở Ấn Độ vào năm 1880 ở các vùng Travancore và Malabar, nhưng việc trồng thương mại bắt đầu vào thời điểm năm 1902. Kerala, bang ở phía nam Ấn Độ, là khu vực sản xuất cao su lớn nhất nước này, chiếm khoảng 90% diện tích trồng cao su toàn quốc. Hầu hết diện tích trồng cao su ở Ấn Độ là của nông dân nhỏ lẻ với diện tích trồng dưới 10 ha.

Ấn Độ sản xuất 685.000 tấn cao su thiên nhiên trong năm ngoái, trong khi diện tích trồng là 822.000 ha. Trong những năm gần đây, sản lượng của Ấn Độ có xu hướng đi xuống.

  1. Malaysia (515.000 tấn)

Malaysia là nước Đông Nam Á thứ 4 trong danh sách này. Vùng ven biển phía tây và vùng chân núi ở bán đảo Mã Lai, cũng như phía tây đảo Borneo là nơi tập trung các đồn điền cao su.

Sản lượng cao su thiên nhiên của nước này năm ngoái là 515.000 tấn, trong khi diện tích trồng là khoảng 1 triệu ha. Sản lượng cao su thiên nhiên Malaysia đã giảm một nửa so với năm 2017, khi nước này sản xuất hơn 1 triệu tấn.

Cao su Malaysia là nguồn nguyên liệu chính của ngành công nghiệp găng tay cao su trong nước, ngành công nghiệp mà Malaysia đang đứng đầu thế giới.