VNReport»Top»7 ví điện tử phổ biến nhất ở Việt Nam

7 ví điện tử phổ biến nhất ở Việt Nam

09:49 - 10/06/2021

Những năm gần đây, thị trường thanh toán qua điện thoại di động ngày càng phát triển. Dẫn đầu xu hướng chuyển dịch này là sự bành trướng của các ứng dụng ví điện tử.

Ví điện tử giúp người sử dụng thanh toán trực tuyến mà không cần phải mang theo tiền mặt. Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm tới các dịch vụ này bởi tính tiện lợi, nhanh và được hưởng nhiều ưu đãi. Dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường này hơn nữa trong tương lai. Sau đây là 7 ví điện tử phổ biến nhất ở Việt Nam.

1. Momo

Momo là ví điện tử trên thiết bị di động của Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến, còn gọi là M-Service, được thành lập từ 2007. Ứng dụng này được thành lập vào ngày 2/6/2014 và hiện có 23 triệu người dùng, theo số liệu của Momo.

Momo đã có liên kết trực tiếp với hơn 25 ngân hàng tại Việt Nam với hàng trăm tiện ích dịch vụ, bao gồm chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua vé máy bay, vé xem phim, mua hàng trên Lazada, …

Tại Việt Nam, Momo là ví điện tử đầu tiên đạt chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS Level 1 và hiện đang áp dụng nhiều công nghệ bảo mật tiên tiến khác.

Momo đã nhận được 4 vòng đầu tư từ các quỹ quốc tế, trong đó lần gần nhất là vào tháng 1 năm nay, khi dịch vụ này gọi vốn thành công hơn 133 triệu USD.

2. ZaloPay

ZaloPay là nền tảng ví điện tử và hệ thống thanh toán trực tuyến được phát triển bởi công ty VNG, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin Zalo. ZaloPay được phát hành lần đầu vào ngày 27/12/2016.

Một điểm tiện lợi của ZaloPay là khả năng tích hợp với tài khoản Zalo, ứng dụng nhắn tin có 100 triệu người dùng, theo công bố của VNG. Ví điện tử này có thể liên kết được với hầu hết các ngân hàng nội địa, và các thẻ thanh toán quốc tế như VISA, MasterCard.

ZaloPay được chấp nhận thanh toán tại nhiều cửa hàng, dịch vụ, đáng chú ý bao gồm sàn thương mại điện tử Tiki và cửa hàng ứng dụng Google Play.

3. Moca

Moca là ứng dụng thanh toán di động chính thức hoạt động vào tháng 2/2016 của Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca thành lập năm 2013.

Ví điện tử này có lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất so với các đối thủ là liên kết với ứng dụng gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn Grab. Moca, cùng với MoMo và ZaloPay, chiếm tổng cộng 90% thị phần ví điện tử Việt Nam. Người dùng Moca cũng có tần suất giao dịch cao nhất – trung bình 2,2 giao dịch/người/ngày.

Moca hiện có liên kết với 13 ngân hàng và các thẻ thanh toán quốc tế VISA, MasterCard với hơn 4.000 điểm chấp nhận thanh toán.

Ví điện tử này sử dụng công nghệ mã hóa Tokenization để đảm bảo các bên thứ ba không đọc được thông tin thẻ ngân hàng.

4. ShopeePay

ShopeePay, trước đây có tên gọi AirPay, là ứng dụng thanh toán di động của Công ty Cổ phần AirPay, được cấp phép hoạt động ngày 16/12/2015 bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thế mạnh của ShopeePay là việc tích hợp với hệ sinh thái Shopee, Now, Foody, Ocha và Garena, đều thuộc tập đoàn Sea Group của Singapore, đem lại cho người dùng sự tiện lợi trong các dịch vụ mua sắm trực tuyến, mua đồ ăn, trò chơi điện tử, …

ShopeePay hiện có khả năng liên kết với 22 ngân hàng trong nước với tiêu chuẩn bảo mật PCI DSS.

5. ViettelPay

ViettelPay là hệ sinh thái thanh toán số & tài chính số được xây dựng và phát triển bởi Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, trực thuộc tập đoàn Viettel, ra mắt vào năm 2018.

ViettelPay là gì? Hướng dẫn đăng ký và sử dụng ViettelPay mới nhất

ViettelPay được hỗ trợ bởi hệ thống các phòng giao dịch trải khắp 63 tỉnh thành của Viettel, với hơn 120.000 điểm nạp/rút tiền trên toàn quốc.

Người dùng Viettel được hưởng nhiều ưu đãi qua ViettelPay, bao gồm giảm giá mua dữ liệu và nạp điện thoại. Ứng dụng cũng cho phép thanh toán tiền học phí tại 450 trường học thuộc 20 tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu của các gia đình có con học xa nhà.

6. VN Pay

VN Pay là giải pháp thanh toán điện tử của Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam thành lập tháng 3/2007, ra mắt thị trường vào năm 2016.

VN Pay cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp.

Thế mạnh của VN Pay là tích hợp trực tiếp vào các nền tảng ứng dụng trên điện thoại di động của các ngân hàng.

7. Samsung Pay

Samsung Pay là dịch vụ ví điện tử của Samsung, được tích hợp sẵn trên các thiết bị di động của hãng. Dịch vụ này hỗ trợ thanh toán không tiếp xúc sử dụng công nghệ NFC (kết nối trường gần) và cũng có thể dùng được cho các điểm thanh toán chỉ dùng thẻ từ.

Samsung Pay được ra mắt lần đầu tại Hàn Quốc vào ngày 20/8/2015. Tính đến hết năm 2020, dịch vụ này đã có mặt tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Samsung Pay sử dụng các biện pháp bảo mật dựa vào các công nghệ Samsung Knox và ARM TrustZone. Các khoản thanh toán phải được xác thực bằng vân tay, mống mắt hoặc mã PIN.

Hiện, có 24 ngân hàng và tổ chức tài chính có thể liên kết được với Samsung Pay.