VNReport»Kinh tế»Tài chính»74% nhân sự Việt cảm thấy thu nhập không đủ trang trải cuộc sống

74% nhân sự Việt cảm thấy thu nhập không đủ trang trải cuộc sống

16:36 - 20/11/2024

Đây là thông tin trong báo cáo độc quyền “Onto the next step – Bước nhảy thời cuộc” của Anphabe, công ty tư vấn về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc.

Theo đó, nhằm cập nhật những xu hướng và thực hành cấp tiến nhất về nhân tài, nguồn nhân lực và môi trường làm việc tại Việt Nam, báo cáo đã khảo sát 253 CEO (giám đốc điều hành) và giám đốc nhân sự. Đáng kinh ngạc là kết quả báo cáo cho ra có đến 74% nhân sự Việt Nam cảm thấy bất an về công việc vì thu nhập hiện tại không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu.

Theo kết luận của Anphabe, chỉ số hạnh phúc của nhân sự Việt năm 2024 đang giảm ở mức thấp nhất trong suốt 5 năm qua. Tính đến quý 3/2024, chỉ có 49% nguồn nhân lực Việt có các chỉ số hạnh phúc tích cực. Trong đó, hai chỉ số “cảm thấy niềm vui và sự hứng khởi trong công việc” và “không cân nhắc tìm công việc khác” giảm lần lượt xuống 39% và 43%.

Nguyên nhân chính được cho là đến từ áp lực tài chính. Trong bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều biến động, tài chính cá nhân trở thành mối lo lớn nhất với người lao động. Nỗi lo tài chính này khiến việc tích luỹ để sở hữu tài sản lớn như nhà ở, ô tô,… trở nên khó khăn hơn.

Thậm chí, hơn một nửa nhân sự Việt cho rằng công ty đang trả lương không công bằng, khiến họ lo ngại về sự ổn định về tài chính trong tương lai. Chỉ có 35% người lao động thoải mái sống dựa vào tiền lương hàng tháng, số còn lại phải làm thêm công việc tự do, đầu tư hoặc “cầu cứu” sự hỗ trợ từ gia đình.

74% nhân sự Việt Nam cảm thấy bất an về công việc vì thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu thiết yếu.

Làm gì để cải thiện tình hình tài chính cá nhân và tích luỹ cho tương lai?

Lập kế hoạch tài chính:

Đây là một bước không thể thiếu nếu muốn cải thiện tình hình tài chính cá nhân.

Hãy xây dựng một ngân sách chi tiết dựa trên thu nhập và mức chi tiêu hàng tháng của bản thân. Điều này sẽ giúp bạn xác định các khoản chi không cần thiết. Bên cạnh đó, nên đặt ra các mục tiêu tài chính cụ thể để như là mua nhà, mua xe, dựa vào đó, có mức điều chỉnh chi tiêu hướng đến mục đích tích luỹ.

Song song với đó, tìm cách giảm chi phí sinh hoạt như sử dụng các dịch vụ tiết kiệm hơn, mua sắm thông minh bằng cách luôn so sánh giá cả trước khi “xuống tiền” và hạn chế chi tiêu xa hoa.

Tiết kiệm thông minh:

Tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp để đảm bảo cho tương lai.

Đối với quỹ khẩn cấp, hãy cố gắng tích luỹ ít nhất từ 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt để ứng phó với các tình huống bất ngờ.

Thiết lập chuyển khoản tự động từ tài khoản chính sang tài khoản tiết kiệm mỗi khi nhận lương cũng được coi là một phương pháp tiết kiệm thông minh.

Tìm kiếm nguồn thu nhập bổ sung:

Đây là một biện pháp phổ biến được nhiều người lao động áp dụng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại.

Khám phá các cơ hội làm việc tự do hoặc bán hàng online để tăng thu nhập. Hoặc bắt đầu với các khoản đầu tư nhỏ vào chứng khoán, quỹ đầu tư hay bất động sản nếu có khả năng.

Lưu ý là cần sự tỉnh táo khi tìm việc online bởi hiện nay, có rất nhiều hành vi lừa đảo trên không gian mạng, tránh để tiền mất tật mang. Bên cạnh đó, nếu muốn đầu tư, hãy học hỏi thêm các kiến thức để tránh các rủi ro.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham gia các khoá học nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để mở rộng cơ hội việc làm, đa dạng hoá nguồn thu nhập.

Sử dụng công nghệ tài chính:

Trong thời đại công nghệ số ngày nay, sử dụng các ứng dụng để theo dõi chi tiêu và tiết kiệm là một giải pháp thông minh giúp quản lý tài chính hiệu quả hơn.

Như vậy, trong bối cảnh có đến 74% nhân sự Việt Nam cho rằng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, việc tìm kiếm giải pháp để tích lũy tài chính trở nên cực kỳ quan trọng.

Bắt đầu từ việc lập kế hoạch tài chính cụ thể, đến việc đặt ra các mục tiêu tiết kiệm rõ ràng và tìm kiếm biện pháp tăng thu nhập, có thể giúp người lao động cải thiện tình hình.

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/74-nhan-su-viet-cam-thay-thu-nhap-khong-du-trang-trai-cuoc-song-20241119161342157.htm