VNReport»Top»8 sự kiện trong nước nổi bật năm 2021

8 sự kiện trong nước nổi bật năm 2021

14:35 - 29/12/2021

Dịch Covid-19 và các sự kiện liên quan, cuộc bầu cử Quốc hội … là những sự kiện nổi bật năm 2021.

  1. Dịch Covid-19 hoành hành

Sau khi khống chế thành công dịch Covid-19 trong năm 2020 và đầu năm 2021, Việt Nam tự tin trước nguy cơ dịch bùng phát bằng các biện pháp đối phó gồm cách ly, truy vết và giãn cách xã hội. Nhưng đợt dịch thứ 4 do biến thể Delta gây ra đã làm phá sản những tính toán này.

Làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu vào ngày 27/4, khi Việt Nam ghi nhận ca dương tính Covid-19 là nam lễ tân khách sạn tại Yên Bái. Trong giai đoạn đầu, dịch bệnh bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tấn công chủ yếu là các khu công nghiệp. Sau đó, virus nhanh chống lan ra nhiều tỉnh thành, với quy mô nghiêm trọng nhất kể từ đầu đại dịch.

Nếu như trong 3 đợt dịch trước đó, cả nước ghi nhận tổng cộng chưa đến 3.000 ca mắc và 35 ca tử vong thì trong đợt dịch thứ 4, có khoảng 1,5 triệu người Việt Nam mắc bệnh với hơn 30.000 người tử vong.

Nhiều tỉnh, thành thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, gây tổn thất lớn về kinh tế, đặc biệt là ở TP HCM – tâm điểm của dịch. Đến tháng 10, Thủ tướng chỉ đạo thay đổi cách chống dịch, chuyển hướng từ loại bỏ virus sang sống chung với dịch bệnh nhằm khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội.

  1. Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19

Ngày 8/3, Việt Nam mở chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, với mục tiêu tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 70% người dân trên 18 tuổi, tương đương khoảng 50 triệu người – là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Sau đó, tốc độ tiêm chủng được đẩy lên mức cao nhất có thể trong bối cảnh làn sóng dịch lần thứ 4 hoành hành trên cả nước. Vào ngày cao điểm, cả nước tiêm được 2 triệu liều tại mạng lưới gồm 15.000 điểm tiêm, huy động hàng triệu nhân viên y tế.

Nguồn cung vaccine được đảm bảo phần lớn nhờ nguồn viện trợ từ quốc tế bao gồm cơ chế COVAX của Tổ chứ Y tế Thế giới (WHO), Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc … Tính đến cuối tháng 12, cả nước đã tiêm tổng cộng hơn 140 triệu liều vaccine, trong đó có khoảng 65 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi. Vào cuối năm, chiến dịch tiêm vaccine mở rộng ra đối với một số đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi và các mũi tiêm thứ 3 dự kiến sẽ triển khai đại trà vào đầu năm sau.

  1. Bầu cử Quốc hội và các vị trí lãnh đạo cấp cao

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra hồi cuối tháng 1, bầu đủ 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương, trong đó 60% tái đắc cử và 40% đắc cử lần đầu. Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng bí thư khóa thứ 3 liên tiếp.

Cuối tháng 5, trong bối cảnh làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức. Bất chấp dịch đang âm ỉ trong cộng đồng, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,6%.

Trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV với 499 đại biểu đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm Chủ tịch nước, thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Các đại biểu cũng bầu và phê chuẩn 27 thành viên Chính phủ, do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu. Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ cũng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội mới.

  1. Nền kinh tế lần đầu tiên thu hẹp trong quý

Đầu năm nay, Quốc hội và Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%; trong khi các tổ chức quốc tế dự báo mức tăng trưởng trên 7% với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau khi chỉ tăng 2,91% trong năm ngoái – mức thấp nhất trong một thập kỷ. Các hiệp định thương mại tự do và dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định cũng được kỳ vọng là lợi thế cho nền kinh tế bùng nổ trong năm nay.

Tuy nhiên, các hạn chế xã hội nghiêm ngặt nhằm đối phó với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt nhà máy, doanh nghiệp, công trường tạm dừng hoạt động để phòng dịch. Sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh khi các cửa hàng, cơ sở dịch vụ đóng cửa. Những điều này khiến nền kinh tế thu hẹp 6,17% trong quý III.

Đây là lần đầu tiên kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm từ khi thống kê GDP từng quý. Tính chung cả năm, GDP chỉ tăng 2,58% – còn thấp hơn so với năm ngoái.

Không chỉ GDP, những con số khác cũng cho thấy thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế do các biện pháp chống dịch Covid-19 gây ra. Hết tháng 11, đã có hơn 106.000 doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,98% – cao nhất trong 10 năm.

  1. Người lao động ồ ạt bỏ về quê

Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong đợt dịch lần thứ 4, đặc biệt là ở những trung tâm công nghiệp phía Nam như TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, khiến người lao động bị mắc kẹt trong nhà nhiều tháng liền. Không có thu nhập trong thời gian dài, hàng triệu người quyết định bỏ về quê vì không có khả năng bám trụ. Trong đó, có những gia đình vượt cả nghìn km về quê bằng xe máy, hoặc đi bộ.

Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 1,3 triệu người lao động về quê tránh dịch từ tháng 7 đến 15/9. Trong đó, khoảng 324.000 người từ Hà Nội trở về, 292.000 người từ TP HCM và 450.000 người từ các địa phương miền Nam khác. Những con số này chưa bao gồm dòng người lũ lượt về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội. Đây là cao điểm của làn sóng hồi hương, với hàng trăm nghìn người rời bỏ các đô thị lớn để về quê bằng xe máy chỉ trong vài ngày.

Làn sóng về quê hàng loạt này gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, dẫn đến khó khăn trong việc hồi phục sản xuất của các nhà máy; đồng thời thể hiện những bất cập trong bài toán an sinh xã hội.

  1. Phanh phui các vụ án trục lợi từ đại dịch

Năm 2021, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ lãnh đạo ngành y gồm Thứ trưởng Trương Quốc Cường, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn … Trong đó, ông Trương Quốc Cường bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong quá trình xem xét hồ sơ, cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc giả nhãn hiệu Health 2000 Canada, gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị cách hết các chức vụ trong Đảng.

Vào cuối năm, Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, các nhân sự cấp cao khác của doanh nghiệp này và 2 quan chức thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương. Phối hợp với Học viện Quân Y, Công ty Việt Á là nhà sản xuất bộ xét nghiệm Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép và đã cung cấp cho nhiều tỉnh, thành với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Công ty này bị cáo buộc nâng giá thiết bị, vật tư đầu vào nhằm nâng giá bán bộ xét nghiệm lên 470.000 đồng; đồng thời dành phần trăm “khủng” cho các lãnh đạo bệnh viện, CDC Hải Dương. Ngoài ra, thông tin do Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra vào tháng 4 năm ngoái rằng bộ xét nghiệm này được WHO chấp thuận được thừa nhận là sai.

  1. Chứng khoán tăng kỷ lục

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một năm tăng trưởng bùng nổ về mọi phương diện, từ chỉ số cho tới thanh khoản. VN-Index lần lượt chinh phục các mốc 1.200, 1.300, 1.400 và 1.500 điểm vào cuối tháng 11, dù có những thời điểm giảm mạnh vì lo ngại Covid-19.

Giá trị thanh khoản trên thị trường cũng tăng chóng mặt, thường xuyên vượt 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng) với phiên giao dịch kỷ lục đạt 56,3 nghìn tỷ đồng vào ngày 20/11, so với mức trung bình năm 2020 là gần 6.200 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản tăng mạnh thể hiện sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán với tư cách là một kênh đầu tư.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Trong 11 tháng đầu năm, có hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, bằng tổng số 3 năm trước đó cộng lại. Dòng tiền dồi dào của các nhà đầu tư cá nhân – mua ròng hơn 84 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm – giúp cân bằng áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

  1. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào vận hành

Ngày 6/11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dài 13 km, vốn đầu tư hơn 18 nghìn tỷ đồng đi vào hoạt động thương mại sau 10 năm xây dựng. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động, kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông và tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng ở Hà Nội.

Trong 15 ngày chạy miễn phí, đã có hơn 380.000 lượt hành khách đi tàu, nhưng lượng khách giảm dần sau đó. Sau những tín hiệu khả quan ban đầu, tuyến tàu điện bộc lộ bất cấp khi chưa kết nối được với các hệ thống vận tải công cộng khác.

Tuyến Cát Linh – Hà Đông dự kiến khai thác thương mại từ tháng 6/2015, nhưng nhiều lần lỡ hẹn. Cùng với đó là việc bị đội vốn hơn gấp đôi từ mức đầu tư ban đầu hơn 8.770 tỷ đồng. Sau tuyến này, dự án đường sắt đô thị Nhổn – Hà Nội dự kiến ​​đưa vào khai thác cuối năm 2022, với đoạn trên cao dài 8,5 km.